Giữa tâm bão bệnh dịch tả lợn châu Phi: Chăn nuôi an toàn sinh học là thượng sách
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:00, 07/04/2019
Chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học mang lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi (ảnh tư liệu)
Quy trình chăn nuôi chặt chẽ
Năm 2017, trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Chăn nuôi Đại Hải ở xã Bình Xuyên (Bình Giang) đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận chăn nuôi ATSH. Để được cấp giấy này, trang trại phải tuân thủ nghiêm các quy trình về kỹ thuật và vệ sinh môi trường. Ngay từ khi xây dựng, công ty đã lựa chọn địa điểm xa khu dân cư, nơi ít người qua lại nhằm hạn chế sự xuất hiện của mầm bệnh. Cổng vào trang trại có phòng phun thuốc tiêu độc sát trùng. Tất cả phương tiện vận chuyển ra, vào đều phải phun thuốc sát trùng, tiêu độc. Trước khi vào chuồng lợn, ngoài mặc quần áo bảo hộ, tất cả cán bộ, công nhân cũng phải phun thuốc sát trùng lên quần áo, dụng cụ, phương tiện. Vôi bột được rắc từ cổng vào đến trong sân và chuồng nuôi lợn. Ở thời điểm bình thường, việc rắc vôi, phun thuốc được thực hiện 1 lần/tuần, còn vào giai đoạn chuyển mùa, mưa phùn và có dịch bệnh như hiện nay thì tăng lên 2-3 lần/tuần. Tất cả cán bộ, công nhân đều thực hiện "cấm trại", việc ra ngoài rất hạn chế.
Lợn con được nhập từ trang trại chuyên sản xuất con giống trong cùng hệ thống công ty nên đã được kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trước khi vận chuyển về trang trại ở xã Bình Xuyên để nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, lợn được tiêm phòng đầy đủ theo quy định như tiêm phòng bệnh viêm phổi, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh...
Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi nên từ năm 2016 đến nay, trang trại này chưa xảy ra bệnh dịch. Anh Lê Mạnh Hùng, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Chăn nuôi Đại Hải cho biết: "Nếu không tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi, cơ quan chức năng kiểm tra không bảo đảm sẽ không được cấp giấy chăn nuôi ATSH. Nhất là khi có bệnh DTLCP như hiện nay thì chúng tôi không thể vận chuyển lợn đưa đi tiêu thụ được".
Sau khi được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi ATSH, trang trại của bà Trịnh Thị Phúc ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) được kiểm soát 2 bệnh là lở mồm long móng và bệnh dịch tả lợn cổ điển. Hằng tháng, Chi cục Thú y đều lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm với 2 loại bệnh trên. Lợn đến thời điểm xuất chuồng, trang trại của bà Phúc sẽ được cấp "Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh" nên vận chuyển khá dễ dàng. Còn khi chăn nuôi đang gặp khó khăn do bệnh DTLCP như hiện nay, bà Phúc chỉ cần làm thêm 1 xét nghiệm với bệnh DTLCP, nếu cho kết quả âm tính là được cấp giấy vận chuyển.
Lợi ích thiết thực
Mấy ngày nay, anh Nguyễn Văn Thung ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) đứng ngồi không yên vì đàn lợn thịt đến ngày xuất bán mà vẫn không thể đưa đi tiêu thụ được. Mặc dù đã nhiều lần được cơ quan chức năng hướng dẫn nhưng anh Thung không làm giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi ATSH vì nghĩ không cần thiết. "Giá tôi làm giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi ATSH từ trước thì lợn không khó tiêu thụ như hiện nay", anh Thung buồn rầu cho biết.
Trong khi đó, việc tiêu thụ của các trang trại chăn nuôi ATSH vẫn diễn ra bình thường. "Gia đình tôi vừa bán 1.700 con lợn thịt, trọng lượng 80-90 kg/con. Việc vận chuyển không hề vướng mắc hay khó khăn gì", bà Trịnh Thị Phúc ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) cho biết.
Giấy chứng nhận chăn nuôi ATSH giống như một tấm vé thông hành trong bối cảnh bệnh DTLCP đang lây lan trên diện rộng và diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong thời điểm bình thường, chỉ cần có tấm giấy này, người chăn nuôi sẽ dễ dàng vận chuyển lợn đi qua các tỉnh, thành phố. Còn khi bị dịch, người chăn nuôi chỉ cần làm thêm xét nghiệm đối với bệnh DTLCP là được cấp giấy thông hành. Mặc dù vậy, thời gian qua, vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vì ngại và sợ tốn kém nên nhiều người chăn nuôi đã không làm giấy chứng nhận. Trong số hàng nghìn hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, đến nay toàn tỉnh mới có 35 trang trại, gia trại được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi ATSH.
Theo bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc xây dựng trang trại chăn nuôi ATSH mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người chăn nuôi và xã hội. Để được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi ATSH, trang trại phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình nên sẽ hạn chế được mầm bệnh xâm nhập vào trang trại. Lợn được tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ sẽ bảo đảm chất lượng hơn so với những trang trại khác. Khi có dịch bệnh xảy ra, việc vận chuyển sản phẩm của những trang trại này vẫn diễn ra bình thường, không lo lợn đến tuổi mà không xuất bán được. Nếu không có dịch, người dân bán lợn với giá cao và cơ quan chức năng không vất vả, tốn kém cho công tác phòng chống, dập dịch như hiện nay.
THANH HÀ