Lớp học đặc biệt
Truyện ngắn - Ngày đăng : 14:44, 07/04/2019
Gần đây, Gấm đến lớp dạy trẻ đặc biệt sớm hơn thường lệ. Bởi cô rất sợ tiếng thở dài và những lời nhắc nhở của mẹ: “Gần ba mươi rồi đấy con ạ! Liệu mà có nơi có chốn đi cho bố mẹ nhờ”. Những lúc như thế, Gấm lẩn vào phòng riêng, đóng cửa lại, nén nỗi buồn vào trong hay chạy trốn đến lớp. Người ấy giờ này có lẽ đang vui vầy bên vợ con. Cô đã yêu người ấy biết chừng nào. Cô đã mơ về một ngôi nhà nhỏ trồng đầy hoa hồng leo thơm ngát và những đứa trẻ bụ bẫm. Nhưng rồi chính người ấy đã làm trái tim cô tổn thương.
Giờ đây, cô chẳng muốn nghĩ gì đến chuyện yêu đương nữa bởi vết thương trong lòng cô thi thoảng lại nhói lên. “Phải quên đi, phải quên hết” - cô vừa đưa những nhát chổi trên nền sân lát gạch đỏ vừa tự nhủ. Thế mà đã bảy năm rồi. Cô lựa chọn gắn bó với công việc không mấy dễ dàng này, đòi hỏi phải có tình yêu vô bờ đối với những đứa trẻ khiếm khuyết và lòng kiên nhẫn phi thường. Lúc đầu, người thân phản đối, bạn bè lắc đầu ngao ngán thay cho cô. Họ bảo cô là “dại dột”, là “ngớ ngẩn”, “thà đi làm công nhân còn hơn”, “suốt ngày ở bên cái bọn tự kỷ ấy thì mình cũng đến tự kỷ mất”...
- Chào cô! Xin lỗi cô, cho tôi hỏi đây có phải ... - giọng đàn ông trầm ấm quen thuộc vang lên bên tai Gấm. Cô giật mình, ngẩng lên, buông rơi cây chổi.
- Anh... Anh Đoàn! Sao anh lại... - Gấm không thốt ra câu hỏi trọn vẹn vì bé trai chừng 5-6 tuổi được Đoàn dắt tay đã đập vào mắt cô. Thằng bé giống Đoàn như đúc, nhìn nhanh thì thấy gương mặt nó rất khôi ngô, sáng láng nhưng nhìn kỹ một chút thì đôi mắt nó dại đờ. Gấm đã quen với những đứa trẻ không giao tiếp bằng mắt như thế này nên chột dạ: “Lẽ nào con trai anh bị tự kỷ?”.
Người đàn ông chừng ngoài ba mươi tuổi, mặc comple lịch sự, nhìn cô sững sờ, hỏi dồn:
- Gấm! Sao em lại ở đây? Đây có phải là trung tâm dạy trẻ đặc biệt của bà Phương Nga không? Anh được người quen giới thiệu. Thằng bé nhà anh chậm nói.
Gấm cười nửa miệng. Hóa ra bảy năm qua, anh ấy chẳng bận tâm đến cô, chẳng cần biết cô sống chết thế nào. Giờ còn hỏi “Sao em lại ở đây?”. Nếu biết mình là giáo viên chính đứng lớp ở đây, có lẽ anh không dẫn con đến đâu. Gấm nghĩ thế và dằn từng tiếng đáp lời:
- Vâng! Bà Phương Nga là chủ ở đây. Còn em chỉ làm thuê cho bà ấy thôi. Ngoài em còn có một cô giáo nữa và một cô phụ trách nấu ăn, giặt giũ.
Đoàn bần thần một lát rồi nhỏ giọng:
- Em thế nào? Cuộc sống của em có hạnh phúc không? Từ ngày đi Úc, anh mất liên lạc với em.
- Em vẫn thế - Gấm trả lời cho xong, thầm nghĩ Tết nào mà anh chả về Việt Nam. Thành phố bé bằng bàn tay, công nghệ thông tin hiện đại, nếu thích anh có thể tìm ra em được ngay. Nhưng tìm mà để làm gì, liên lạc để làm gì. Gấm không muốn khơi lại chuyện cũ giữa hai người. Cô lảng sang chuyện khác:
- Anh muốn đăng ký cho con theo học ở đây à?
- Ừ! Anh đã đưa con đi nhiều bệnh viện. Người ta bảo nó bị mất khả năng ngôn ngữ - Đoàn vẫn tránh không nói đến hai tiếng “tự kỷ”. Anh nghe nói trung tâm dạy trẻ đặc biệt của bà Phương Nga đã giúp nhiều cháu bé trở lại bình thường.
- Vâng! Con trai bà ấy là đứa trẻ đầu tiên khỏi bệnh nên bà ấy nảy ra ý tưởng thành lập trung tâm này để giúp những cháu bé chậm nói hòa nhập được với cộng đồng. Nhà bà ấy cũng ở gần đây. Anh có muốn gặp bà ấy không?
- Có! Em chỉ nhà cho anh. Anh gửi bé Tân Tiến ở đây nhé. Nó rất hiếu động! Em sẽ vất vả đấy.
Gấm thản nhiên:
- Em quen rồi! - cô nhìn theo con trai anh đã giằng tay mình khỏi tay bố chạy ra góc sân vặt những quả quất chín vàng ươm ném khắp sân.
- Ôi! Tân Tiến! Con làm gì thế! Dừng lại! Dừng tay lại! - Đoàn gào lên nhưng thằng bé như không nghe thấy tiếng quát của bố.
Gấm trấn an Đoàn:
- Anh đi gặp bà Phương Nga đi! Anh đừng lo gì cả. Em sẽ có cách.
Cô không ngờ mình gặp lại Đoàn trong hoàn cảnh này. Hai người đều có vẻ ngượng ngùng, mất tự nhiên nên cuộc nói chuyện trở nên rời rạc. Cô không muốn nói cho anh biết lý do vì sao cô lại lựa chọn công việc dạy trẻ đặc biệt. Còn anh thì lại muốn giấu nhẹm chuyện con trai anh bị tự kỷ dạng tăng động. Nhưng bây giờ anh có giấu thì cũng không được nữa.
Đoàn đi khỏi thì những phụ huynh khác lần lượt đưa con đến. Thằng Đậu, cái Khoai, cu Bắp sà vào lòng Gấm, tranh nhau được cô bế. Giọng bé Khoai vẫn còn ngọng nghịu khiến Gấm bật cười:
- On... ớ cô... ắm! - Khoai quàng hai cánh tay nhỏ bé lên cổ Gấm và áp đôi má bầu bĩnh vào má cô. Đến lượt cu Bắp kéo tay Khoai ra để được cô giáo ôm vào lòng. Gấm không ngờ bọn trẻ này lại tình cảm thế. Mới có chục ngày không gặp mà chúng đã tíu ta tíu tít. Thảo nào bây giờ hễ xa bọn trẻ là cô thấy nhớ. Nhớ những gương mặt thơ ngây, thi thoảng chúng lại đần thộn ra, hét váng lên hoặc cười ngặt nghẽo. Cô thèm được ôm chúng, được dạy chúng xòe hai bàn tay ra đếm từng ngón, dạy chúng nhận diện từng loại cây, loại quả, loại hoa ở xung quanh nhà hoặc dẫn chúng ra sân chơi trò rồng rắn lên mây, nu na nu nống.
Xung quanh lớp học đặc biệt là những cây ăn quả, mùa nào thức ấy. Khi thì xoài, na, mít, ổi; khi thì bưởi, cam, chuối. Bà chủ Phương Nga còn trồng rất nhiều hoa hồng, đủ các sắc màu, quanh năm ngát hương. Nhớ lại, Gấm thầm cảm ơn bà Phương Nga vì bà đã giúp cô tìm thấy niềm vui sống trong lúc đen tối nhất của cuộc đời.
Hồi ấy, Gấm vừa tốt nghiệp cao đẳng mầm non, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin việc nhưng trường nào cũng bảo cứ để hồ sơ lại, khi cần tuyển sẽ liên lạc. Chờ mãi, chờ mãi, Gấm cảm thấy không có hy vọng. Trong khi cô phát hiện sự thay đổi bất thường của cơ thể mình. Nỗi hoang mang choán hết tâm trí cô. Cô chỉ còn biết giục Đoàn đưa mình về ra mắt bố mẹ anh và tin tưởng vào một đám cưới nay mai. Không ngờ, cô lặng người khi nghe mẹ anh nói thẳng: “Thằng Đoàn nhà bác chuẩn bị đi Úc du học thạc sĩ nên không lấy vợ sớm làm gì”. Một bên là tương lai sự nghiệp của anh đang rộng mở, một bên là đứa con đang tượng hình trong bụng cô. Bây giờ cô biết phải làm thế nào? Chẳng lẽ lại lấy cái thai ra để trói anh, bắt anh phải chịu trách nhiệm, phải cưới cô ngay? Cô âm thầm giấu kín mọi chuyện cho đến khi anh nói lời chia tay vì “sợ em phải chờ đợi”. Lý do của anh sao mà nhẹ bẫng. Anh quên hết những lời yêu thương ngọt ngào, quên hết những lời thề thốt không bao giờ xa nhau, quên cả những kỷ niệm tình yêu mặn nồng của hai đứa. Quên hết rồi. Tim cô đau thắt lại, tự trách mình “khôn ba năm dại một giờ” nên mới đến nông nỗi này. Lòng tự trọng khiến cô bỏ về một mình. Cô lao đi như người mộng du, đầu óc quay cuồng, chẳng nghĩ được gì nữa. Hai ngày hai đêm không ăn không uống, không ngủ, cô bị hạ đường huyết phải vào viện cấp cứu. Cái thai không giữ được. Đó là nỗi ân hận của cô cho đến tận bây giờ.
Bà Phương Nga là bác sĩ khoa sản. Gấm đã gặp bà trong lần cấp cứu ấy. Nếu không có bà, Gấm đã uống thuốc ngủ để không bao giờ phải tỉnh lại nữa. Nhìn những biểu hiện tâm lý khác thường của cô, bà thủng thẳng:
- Mạnh mẽ lên cô gái! Đàn ông trên đời này không thiếu gì. Đừng vì họ mà hành động dại dột. Chỉ thiệt mình, thiệt bố mẹ mình thôi.
Suốt một tuần nằm viện, Gấm đã xốc lại tinh thần nhờ những lời động viên của bà Phương Nga. Bà ấy giỏi, đẹp, bản lĩnh và đầy tình yêu thương. Dù một mình nuôi hai đứa con, trong đó có một đứa bị tự kỷ nhưng bà đã tự tìm phương pháp và kiên trì chữa cho con khỏi bệnh. Hiện giờ con trai bà đang đi du học ở Canada. Bà bảo đó là một kỳ tích, là một phép màu bởi tất cả các bệnh viện đều bó tay và kết luận thằng bé bị mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ. Đó là những ngày tháng tăm tối nhất trong cuộc đời bà bởi chồng bà mất trong một tai nạn giao thông. Bà đã kiên cường chiến đấu với số phận để đưa con trở về cuộc sống bình thường. Bà còn kể cho Gấm nghe về lớp học đặc biệt do bà thành lập với mong muốn làm từ thiện theo cách của bà, hiện đang cần tuyển một giáo viên nữa. Gấm tha thiết:
- Cháu xin nộp hồ sơ. Cháu muốn nhận công việc đó!
- Sẽ mệt đấy, không đơn giản đâu - bà Phương Nga cảnh báo.
Gấm quyết tâm:
- Cháu sẽ làm tốt.
Thế là Gấm đến với lớp học đặc biệt như một cơ duyên và gắn bó đến nay cùng với chị Loan và chị Hạnh. Cô coi đó là ngôi nhà thứ hai của mình. Lớp thường có 5 đến 7 trẻ, đứa này trở lại bình thường thì đứa khác lại đến do người ta truyền tai nhau, giới thiệu cho nhau. Gấm và chị Loan dạy bọn nhỏ tự kỷ này không theo một giáo trình cụ thể nào mà dựa vào đặc điểm của từng đứa để tìm cách uốn nắn và tư vấn cho gia đình cùng phối hợp. Điều quan trọng nhất mà chúng cần là sự quan tâm và tình yêu thương ấm áp. Những đứa bị tăng động thì Gấm dạy chúng học đàn piano, cho chúng nghe những bản nhạc cổ điển hoặc dạy chúng học vẽ, nặn tượng... Những tiếng gào thét, đập phá giảm dần. Những sản phẩm ngộ nghĩnh của bọn trẻ được treo trên bốn bức tường khiến chúng rất thích thú.
Từ hôm nhận Tân Tiến vào lớp, Gấm hay nghĩ đến chuyện buồn ngày trước. Nhiều khi nhìn thằng bé, Gấm thầm ao ước: “Giá như... mà thôi, cái gì qua thì cho qua”. Tân Tiến không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ nhưng chỉ thích chơi một mình. Nó quăng đồ chơi khắp nhà, khắp sân nên đồ chơi chẳng có ý nghĩa gì với nó. Gấm dùng mọi biện pháp như âm nhạc, hội họa cũng không có tác dụng gì. Cô khuyên Đoàn đưa thằng bé đi nơi khác chữa trị xem sao vì hơn một tháng rồi mà nó không có tiến triển gì nhưng Đoàn năn nỉ:
- Em trông giúp anh! Biết tìm chỗ nào gửi con bây giờ. Để nó ở nhà với ông bà già thì nó càng không có cơ hội tìm lại ngôn ngữ.
- Thế mẹ thằng bé... - Gấm buột miệng, không phải vì tò mò mà vì thắc mắc bấy lâu nay trong lòng cô. Sáng nào Đoàn cũng lái xe đưa con đến lớp học rồi chiều tối lại lái xe đến đón con về. Gấm chưa gặp mặt vợ anh lần nào.
- Cô ấy vẫn ở Úc! Bọn anh chia tay rồi. Thằng bé là nỗi hổ thẹn của cô ấy. Vì nó không nói được mà cô ấy xấu hổ, không dám đưa con đi đâu. Thật là sai lầm. Anh cứ mải nghiên cứu, mải làm ăn, khi phát hiện ra thì đã muộn - Đoàn khẽ thở dài. Từ đó, Gấm không hỏi gì về chuyện gia đình riêng của anh nữa.
Một hôm, cô ôm chồng báo cũ ra dạy bọn trẻ gấp thuyền rồi thả vào chậu nước. Tân Tiến dán mắt vào đó. Quan sát thằng bé, Gấm mừng rỡ thốt lên:
- Thuyền!
Tân Tiến nói theo:
- Thuyền!
- Đúng rồi! - Gấm reo lên, hai tay vỗ liên hồi cổ vũ. Chị Hạnh và chị Loan cùng chạy đến xem nó học gấp thuyền và nghe nó bi bô “Thuyền! Thuyền”. Gấm mừng đến chảy nước mắt. Thế này là có cơ hội rồi, chỉ cần một tia hy vọng, cô cũng quyết tâm giúp Tân Tiến tìm lại được ngôn ngữ.
Hôm ấy Tân Tiến gấp được ba mươi cái thuyền. Nó ngồi yên một chỗ nên nhà cửa gọn gàng hơn. Bọn Đậu, Bắp, Khoai, Sắn, Thóc cũng ngoan hơn thường ngày. Buổi chiều, Đoàn đến đón con, sững sờ khi chứng kiến con trai trỏ tay vào chậu nước thốt lên: “Thuyền!”. Anh nhìn Gấm bằng ánh mắt biết ơn:
- Anh muốn nói chuyện với em!
Chị Hạnh và chị Loan dường như cũng lờ mờ đoán được mối quan hệ của hai người nên nháy nhau về trước. Còn lại một mình đối diện với Đoàn, Gấm chợt lúng túng. Cô lấy kéo cắt những bông hoa hồng đã tàn.
- Gấm! Anh... anh có lỗi với em!
- Không! Anh chẳng có lỗi gì cả! - giọng Gấm lạnh lùng.
- Bà Phương Nga đã kể hết cho anh rồi.
- Anh đưa con về đi! Em không muốn nhắc lại chuyện cũ.
Gấm cắt xoẹt. Những cánh hoa hồng tàn rơi lả tả xuống đất. Cô lặng im không nói gì nữa. Hồi ức buồn về mối tình đầu lại ào đến. Một làn gió nhẹ lướt qua khiến cô khẽ rùng mình. Bé Tân Tiến chạy lại ôm lấy cô, thơm vào hai má cô để tạm biệt trước khi lên xe về với bố. Gấm phải kiên trì dạy thằng bé mất một tháng, nó mới biết cách chào tạm biệt cô giáo như thế. Nhìn Đoàn dắt tay con trai bước đi, trong lòng cô trào lên một cảm xúc xốn xang. Bây giờ, sự tiến bộ nhỏ nhất của mỗi đứa trẻ ở lớp học đặc biệt này cũng khiến cô cảm thấy hạnh phúc.
Truyện ngắn củaTRẦN THÚY LÀNH