Có nên lạc quan về văn hóa đọc?
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:05, 07/04/2019
Ngày 23.3 vừa qua, tại Văn miếu Mao Điền, UBND huyện Cẩm Giàng phối hợp tổ chức khai hội Văn miếu Mao Điền và Ngày hội sách xuân Kỷ Hợi 2019. Ngày 4.4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Kinh Môn khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ sáu và triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý".
Dịp này, nhiều người lại bàn luận về văn hóa đọc. Bên cạnh những ý kiến nhận định văn hóa đọc ngày nay đáng lo ngại thì không ít ý kiến cho rằng nên lạc quan về văn hóa đọc. Phía lạc quan về văn hóa đọc đưa ra các dẫn chứng: các ấn phẩm sách in được xuất bản ngày càng nhiều với nội dung phong phú, hình thức trình bày đẹp; sách trực tuyến tràn ngập trên mạng; nhiều hội sách được mở ra; từ người già đến trẻ nhỏ đều đọc mạng xã hội, thông tin trên internet... Có người khẳng định do đa số các gia đình đều có vài chiếc điện thoại thông minh nên thời gian đọc thông tin trên mạng hơn hẳn so với nhiều năm trước đây. Do đó, văn hóa đọc ngày càng được nâng cao hơn so với trước.
Đáng tiếc là cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu công phu, rộng rãi, chất lượng cao về văn hóa đọc của người Việt Nam ngày nay và so sánh với một mốc thời gian nào đó trước đây. Ở nhiều nước khác, họ thường có các công trình khảo sát về xu hướng đọc của người dân, làm cơ sở để đề ra các cơ chế, chính sách khuyến khích văn hóa đọc. Những công trình ấy sẽ làm rõ các nội dung như thời gian trung bình mỗi ngày một người dân dành cho việc đọc, đọc nội dung gì, hình thức đọc ra sao, tác dụng việc đọc với bản thân như thế nào... Ở Việt Nam mới chỉ có một vài cuộc khảo sát nhỏ của một số nhà xuất bản hoặc một số dự án để phục vụ hoạt động kinh doanh sách, tổ chức hội thảo. Vì ở Việt Nam chưa có một công trình xứng tầm như vậy nên việc so sánh văn hóa đọc ngày nay với ngày trước gặp nhiều khó khăn, thiếu căn cứ thuyết phục.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy văn hóa đọc hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế. Một bộ phận người dân còn lười đọc, ít đọc, kể cả đối với sách in hay sách trực tuyến. Nguyên nhân do họ có thể không có tiền mua sách, không có phương tiện để đọc sách trực tuyến, chưa có thói quen, sở thích đọc.
Ngược lại, nhiều người dành quá nhiều thời gian để đọc. Họ quên ăn, quên ngủ để đọc thông tin trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Có người cả ngày "giết" thời gian bằng việc lang thang trên mạng xã hội chỉ để khoe hình ảnh, đếm lượt like (thích), buôn chuyện với người khác... Những thông tin, tri thức cần thiết cho bản thân và cuộc sống thì họ lại lãng quên. Mục đích đọc không rõ ràng nên phần nhiều thông tin mà họ đọc được rất nhảm nhí, vô bổ, thậm chí độc hại. Đọc mà như thế cũng phí hoài thời gian, tâm sức.
Rất nhiều thông tin trên mạng là tin đồn, tin giả với nhiều ý đồ xấu. Không ít người đọc chưa đủ bản lĩnh, đầu óc thiếu tỉnh táo, dễ bị lừa phỉnh bởi những tin giả ấy, mù quáng tin và làm theo. Họ thiếu kỹ năng, kiến thức để phân biệt đâu là nguồn tin đáng tin cậy, đâu là tin chưa được kiểm chứng, cần hoài nghi. Nếu đọc với thái độ, tư duy ấy cũng rất nguy hiểm.
Từ thực tế đó, tôi cho rằng chưa nên lạc quan về văn hóa đọc ngày nay.
Một số chuyên gia cho rằng trong văn hóa đọc có những yếu tố như thói quen đọc, sở thích đọc, phương pháp đọc và kỹ năng đọc. Muốn xây dựng văn hóa đọc tốt thì cần quan tâm tất cả các yếu tố này. Xây dựng được thói quen, sở thích đọc rồi, song cần có phương pháp, kỹ năng đọc hợp lý, chuyên nghiệp. Nội dung đọc cũng rất quan trọng. Không chỉ đọc để giải trí, mỗi người nên biết chọn đọc cái gì phù hợp, bổ ích, có lợi cho bản thân và cuộc sống, hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mỹ.
NINH TUÂN