Nhọc nhằn nghề nhặt bóng tennis

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 16:01, 07/04/2019

Thời gian qua, phong trào tập luyện môn tennis phát triển mạnh thu hút sự tham gia của nhiều người dân. Nghề nhặt bóng tennis giúp nhiều bạn trẻ có thêm thu nhập song công việc cũng không dễ dàng.

Người làm nghề nhặt bóng tennis phải có sức khỏe tốt

Cơ hội kiếm thêm

Đã thành thông lệ, cứ 4 giờ chiều các ngày trong tuần, em Nguyễn Thị Thương (20 tuổi), sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương lại có mặt tại sân tennis của Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Gần 2 năm nay, công việc thường ngày của Thương là nhặt bóng cho các thành viên trong câu lạc bộ, nhóm tham gia tập luyện tennis. Thương cho biết: "Từ những ngày đầu nhập trường, em đã muốn kiếm một công việc ổn định để có thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Qua lời giới thiệu của những anh chị đi trước, em quyết định đăng ký nhặt bóng tennis tại đây. Việc này khá phù hợp vì không ảnh hưởng đến thời gian học tập tại trường và thu nhập cũng khá hơn so với đi làm tại các quán ăn, nhà hàng hay quán cà phê trong thành phố".

Hằng ngày, sau giờ học, Thương lại đạp xe đến sân tập để nhặt bóng. Tiền công nhặt bóng được tính theo giờ. Nếu là buổi tập bình thường, tiền công được trả từ 25.000-30.000 đồng/người/giờ. Nếu phục vụ tại các giải thi đấu, giao lưu tennis, tiền công có thể từ 50.000-60.000 đồng/người/giờ. Mỗi một tuần, Thương nhặt bóng trong 6 ngày, mỗi ngày trung bình hai giờ đồng hồ. Như vậy, Thương kiếm được hơn 1 triệu đồng/tháng, đủ trả tiền thuê nhà.

2 năm nay, việc nhặt bóng tennis tại sân bóng Hải Hà giúp bạn Vũ Hoàng Quân (21 tuổi) ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) có thêm một khoản thu nhập không nhỏ để bảo đảm cuộc sống. Quân là sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại (Cẩm Giàng). Vào các buổi chiều trong tuần, Quân đều đặn đi xe máy đến sân tập tennis để làm thêm. Ngoài khoản tiền công tính theo giờ, Quân còn nhận dọn dẹp vệ sinh, tham gia phát bóng tập cho các vận động viên. Một giờ tập phát bóng, Quân được trả khoảng 50.000 đồng. Thu nhập bình quân của Quân có thể từ 50.000-80.000 đồng/ngày. Số tiền này phần nào đã giúp Quân trang trải tiền học tập, sinh hoạt.

Hiện nay, các sân tập tennis tại TP Hải Dương đều không có lực lượng nhặt bóng chuyên nghiệp. Khi các câu lạc bộ, nhóm có yêu cầu, chủ sân mới liên hệ để phục vụ. Trong đó, đa phần là các bạn sinh viên đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh. Mỗi sân tập như Hải Hà, Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, sân Liên đoàn Lao động tỉnh thường có từ 5-10 bạn tham gia nhặt bóng. Công việc này bảo đảm thu nhập ổn định cho họ với số tiền từ 1 đến hơn 2 triệu đồng/người/tháng. So với nhiều công việc làm thêm khác như phát tờ rơi, phục vụ bàn... thì khoản tiền công này dễ kiếm hơn, trong khi thời gian làm việc cũng ít hơn nhiều.

Cần hiểu tính cách người chơi

Đối với nhiều người nhặt bóng tennis là công việc dễ kiếm tiền, nhưng nghề này cũng vất vả. Để trở thành một người nhặt bóng tennis, trước hết phải trải qua quá trình tập luyện. Quá trình này nếu nhanh cũng vài tuần, lâu thì kéo dài đến vài tháng. Người nhặt bóng phải biết rõ các quy định về luật chơi, cách chuyển bóng sau mỗi lần phát. Qua quá trình làm việc được chủ sân và khách chơi tin tưởng, có bạn còn được tạo cơ hội làm thêm như phát bóng tập, dọn vệ sinh... 

Bên cạnh đó, yếu tố sức khỏe rất quan trọng. Theo bạn Thương, sức khỏe là điều kiện đầu tiên để làm người nhặt bóng tennis. Một trận bóng tennis có thể kéo dài từ 30 phút trở lên, người nhặt bóng luôn phải bảo đảm vị trí theo quy định để phân phát bóng kịp thời. "Chúng em đâu có được đứng một chỗ mà luôn phải thay phiên nhau di chuyển. Nếu không bảo đảm thời gian luân chuyển bóng, trận đấu có thể bị gián đoạn gây ức chế cho vận động viên. Nếu họ không hài lòng, lần sau sẽ không thuê mình nữa. Những ngày đầu khi mới tham gia, hai chân em mỏi rã rời chỉ sau hơn 2 tiếng nhặt bóng", Thương nói.

Không chỉ cần sức khỏe, người nhặt bóng tennis cần phải có tính nhẫn nại. Công việc này tiếp xúc với nhiều người với tính cách khác nhau nên ngoài yếu tố phục vụ, việc nhặt bóng cũng cần chiều lòng người. Nếu chỉ hình dung đơn giản là nhặt và chuyển bóng thì chưa đủ. Người làm nghề này cần hiểu cả tâm tính của người chơi. Trong gần 1 giờ đồng hồ chạy, nhặt bóng, người nhặt chỉ cần sơ suất đưa bóng không chính xác hoặc chậm chuyển vị trí sẽ khiến người chơi khó chịu, trách móc, thậm chí mắng mỏ.

Điều kiện thời tiết cũng là một khó khăn mà người làm nghề này phải chấp nhận. Có nhiều trận bóng diễn ra trong thời tiết nắng nóng hay mưa gió nhưng họ vẫn phải sẵn sàng. Sợ nhất là những buổi thi đấu, tập luyện vào chiều hè khi nhiệt độ lên cao. Sự căng thẳng của mỗi trận đấu khiến họ phải căng mình theo từng pha đánh. Nhiều khi, kết thúc trận đấu, họ ướt sũng mồ hôi, người mệt lả đi nhưng chỉ kịp nhấp một chút nước mát rồi lại tiếp tục phục vụ cho trận đấu tiếp theo.

ĐỨC TÂM