Gốm Chu Đậu nỗ lực mở rộng thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 18:57, 08/04/2019

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ chật vật lo đầu ra, gốm Chu Đậu đã và đang có nhiều giải pháp mở rộng thị trường, chinh phục thêm nhiều khách hàng khó tính...


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty CP Gốm Chu Đậu tháng 4.2018. Ảnh: Thành Chung

Gốm Chu Đậu là dòng sản phẩm mỹ nghệ cao cấp có ở Hải Dương từ khoảng thế kỷ XIII- XIV và phát triển rực rỡ vào thế kỷ thứ XV- XVI. Tuy nhiên sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu bị thất truyền. Nét đặc biệt của gốm Chu Đậu nằm ở màu men và họa tiết mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Men gốm Chu Đậu là men từ tro trấu có màu hanh vàng, không pha hóa chất, dòng men này đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là dòng men thiên nhiên cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu (nay là Công ty CP Gốm Chu Đậu) với mong muốn hồi sinh lại dòng gốm cổ.

Suốt gần 20 năm qua, gốm Chu Đậu một mặt vẫn giữ được nét độc đáo thuần Việt, mặt khác, luôn được cải tiến kiểu dáng, mẫu mã, đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước ngày càng đa dạng.

Những dòng sản phẩm chủ yếu của gốm Chu Đậu hiện nay là gốm gia dụng, quà tặng, đồ tâm linh. Theo ông Nghiêm Đình Sơn, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Gốm Chu Đậu, công ty hiện đang sở hữu hàng nghìn mẫu mã sản phẩm, mới nhất là gốm vẽ vàng và sản phẩm điêu khắc đắp nổi trên gốm.


Gốm điêu khắc nổi họa tiết vẽ vàng đòi hỏi sự cầu kỳ và đầu tư nhiều thời gian hơn sản phẩm thông thường. Ảnh: PV

“Sản phẩm điêu khắc đắp nổi có độ tinh xảo cao và kỳ công hơn. Cùng một sản phẩm, kiểu dáng, hoa văn nhưng nếu áp dụng kỹ thuật điêu khắc đắp nổi sẽ tốn thời gian gấp 3 lần so với sản phẩm làm theo cách thông thường”, ông Sơn cho biết.

Trước yêu cầu đổi mới, những năm gần đây, Công ty CP Gốm Chu Đậu đặc biệt chú trọng vào tuyển dụng và đào tạo nhân lực trình độ cao. Ông Nghiêm Đình Sơn cho biết, hiện nay công ty có 4 chuyên gia thiết kế, tạo mẫu hoa văn. Hàng năm, công ty định kỳ tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu, thi tay nghề để tạo môi trường cho người thợ có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, công ty sẽ đào tạo thêm 20 - 50 thợ vẽ để bổ sung nguồn lao động có chất lượng.

Bên cạnh những nỗ lực trong đổi mới hoạt động sản xuất, công ty tiếp tục củng cố thị trường trong nước và chú trọng xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu. Thị phần trong nước của gốm Chu Đậu hiện khoảng 80%, xuất khẩu chiếm 20%. Trong nước, đến nay, đại lý gốm Chu Đậu đã “phủ sóng” ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…

Cùng với đó, việc quảng bá và nâng tầm thương hiệu cũng được Công ty CP Gốm Chu Đậu quan tâm chú trọng. Thông qua việc góp mặt tại các sự kiện xúc tiến thương mại, sự kiện ngoại giao quốc tế lớn được tổ chức trong và ngoài nước với “vị thế” là quà tặng tiêu biểu quốc gia, gốm Chu Đậu được ngày càng nhiều người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới biết đến. Công ty cũng đã thành lập Hội đồng Phát triển gốm Chu Đậu với thành viên là những chuyên gia về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, thương hiệu, du lịch… để luôn bổ sung những ý tưởng, cách làm nhằm phát triển thương hiệu cho sản phẩm này.


Các họa tiết trên sản phẩm gốm Chu Đậu đều được vẽ bằng tay. Ảnh: PV

Trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp cũng tích cực kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực tham quan, sản xuất gốm để thu hút du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có thể kể đến một số thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu.

Năm 2018, sản phẩm bình phượng hoàng S1 của Công ty CP Gốm Chu Đậu đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc. Sản phẩm này sẽ có cơ hội tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia vào năm 2019.

Những năm qua, Công ty CP Gốm Chu Đậu luôn duy trì tăng trưởng ổn định năm sau hơn năm trước, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2018, mức tăng trưởng của Công ty CP Gốm Chu Đậu tăng 20% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân của người lao động từ 7,5 – 7,8 triệu đồng/tháng.

Theo kế hoạch, năm 2019, doanh nghiệp tiếp tục phát triển thêm đại lý tại một số tỉnh, thành phố.

Theo TTXVN