Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ và tài năng
Chính trị - Ngày đăng : 08:26, 10/04/2019
Là đại biểu Quốc hội, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn quan tâm các vấn đề nóng bỏng của đất nước
Nhờ những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của ông mà tuyến đường chiến lược Trường Sơn đã làm tròn sứ mạng góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp kháng chiến. Không chỉ là một vị tướng tài ba, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng và luôn trọn tình, vẹn nghĩa với đồng đội.
Vị tướng tài ba
Trải qua nhiều cương vị, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội. Trong đó, dấu son chói lọi nhất trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng của ông là những năm tháng giữ trọng trách Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn với nhiệm vụ tổ chức xây dựng và khai thác con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Nếu đường Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu dài 16 năm, thì Tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh. Gần 10 năm này chính là quãng đời đẹp nhất, thể hiện sự thăng hoa của bản lĩnh và trí tuệ Đồng Sỹ Nguyên và cũng là thời gian làm nên tên tuổi của vị tướng của Trường Sơn huyền thoại. Trong thời gian gần 10 năm đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đề ra và thực hiện nhiều giải pháp mang tính định hướng lâu dài cho hoạt động vận tải trên đường Trường Sơn, như lấy tư tưởng “tiến công” làm chủ đạo, lấy vận tải cơ giới là chính; thực hiện phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” và tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại chỗ để bảo vệ đội hình xe vượt trọng điểm…
Đường Trường Sơn chiến lược đã được ông và đồng đội phát triển thành “trận đồ bát quái”, một hệ thống liên hoàn bền vững, với tổng chiều dài hơn 16.000 km, gồm 6 đường trục dọc theo sườn Đông và Tây Trường Sơn, 25 đường trục ngang vắt qua núi và một hệ thống đường nhánh tỏa ra các chiến trường. Nếu như ở thời điểm mới nhận nhiệm vụ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe chia thành 4 binh trạm, thì đến đầu 1975, chỉ riêng vận tải cơ giới, Trường Sơn đã có 2 sư đoàn với hơn 10.000 xe. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có thể tự tin nói với Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là "cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ".
Nhờ những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, bảo đảm cho chiến trường, góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp kháng chiến.
Không chỉ gắn với những kỳ tích trên tuyến đường Trường Sơn trong chiến tranh thống nhất đất nước, vị tư lệnh lâu năm nhất của bộ đội Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn để lại nhiều dấu ấn với những công trình thế kỷ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước. Hàng loạt công trình công nghiệp quy mô lớn sau này, như: Nhà máy xi măng Bỉm Sơn Thanh Hóa, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Khu gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà Máy xi măng Kiên Lương, nhà máy Xi măng Thuận Châu, công trình xây dựng thế kỷ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, cầu Chương Dương… đều mang dấu ấn của ông.
Đặc biệt, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh). Với tầm nhìn xa trông rộng, và bằng kinh nghiệm xương máu, thực tiễn trong chiến tranh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất mở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh từ Khe Gát Quảng Bình đến Tây Nguyên. Theo ông, con đường nhánh Tây Trường Sơn có rất nhiều lợi thế trong bảo vệ Tổ quốc. Ông trăn trở: “đất nước chỉ có một con đường độc đạo xuyên Bắc Nam. Trong chiến tranh nước ta đã phải trả giá xương máu, chết chóc quá nhiều để mở một con đường mới. Những xương máu, công sức ấy không thể phí phạm, cần được phát huy thật đúng mực, tận dụng nó làm con đường phát triển đất nước, phát triển kinh tế vùng núi và cũng là để bảo vệ an ninh, quốc phòng đất nước. Không ai dám chắc là đất nước mãi yên bình, chúng ta luôn phải sẵn sàng...”.
Và đường Hồ Chí Minh hôm nay đã chứng minh không chỉ có vị trí vô cùng quan trọng trong giao thông của quốc gia mà còn quan trọng trong phòng thủ đất nước…
Nhà lãnh đạo đức độ, luôn nặng tình với đồng đội
Không chỉ là một vị tướng tài ba, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị lãnh đạo hết sức khiêm nhường, không bao giờ ỷ vào quyền lực để áp đặt mà ôn hòa lắng nghe, trao đổi, thương mến đồng chí đồng đội. Mỗi trận thắng, từng chiến công có được, với ông đó đều là thành tích và công lao của cả tập thể; trường hợp gặp thất bại hoặc chưa thành công ông đều nhận trách nhiệm về mình.
Bên cạnh đó, ông còn đặc biệt quan tâm đến cán bộ chiến sĩ. Trong thời gian ông làm Tư lệnh Đoàn 559, chính ông đã nghĩ ra cách trang bị áo giáp và mũ sắt cho các chiến sĩ; nguỵ trang cho những chiếc xe làm nhiệm vụ vận tải bằng tre, nứa. Ông luôn đau đáu tìm mọi cách để vừa nâng cao hiệu suất hoạt động của toàn tuyến, vừa giảm thiểu đến mức thấp nhất sự hy sinh, mất mát của anh em chiến sĩ.
Ông cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo củng cố tình đoàn kết giữa bộ đội Trường Sơn với nhân dân các bộ tộc Lào, nhân dân Campuchia; thường xuyên tổ chức cứu đói, phối hợp với lực lượng cách mạng và nhân dân hai nước bạn đánh địch mở rộng vùng giải phóng. Đáp lại tình cảm sâu sắc ấy, nhân dân Lào và Campuchia đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà và góp phần xây dựng bảo vệ con đường trong suốt những năm dài chiến tranh, để đường Trường Sơn không ngừng vươn sâu, vươn xa đưa người và hàng ra mặt trận.
Đặc biệt, Tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn nặng tình với đồng đội. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đã đề xuất xây dựng nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho các chiến sĩ đã hy sinh. Nhờ đó, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Nghĩa trang Trường Sơn) tại khu đồi Bến Tắt (thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) được xây dựng, làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ông cũng là người dành nhiều tâm huyết, thường xuyên quan tâm chỉ đạo và trực tiếp điều hành quá trình tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ bộ đội Trường Sơn.
Nhận xét về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói “… đồng chí đã có công lao lớn trong cuộc tổng khởi nghĩa 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh".
Với nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, năm 1974, ông được Nhà nước phong quân hàm vượt cấp, từ Đại tá lên Trung tướng. Ngoài ra, ông cũng được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, Bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1.3.1923, quê ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1938, được kết nạp vào Đảng tháng 12.1939. Ông đã giữ các chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khoá V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; nguyên: Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ); đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần ngày 4.4.2019. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước, tang lễ của ông được tổ chức với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.
Theo TTXVN