Malaysia nối lại phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak
Tin tức - Ngày đăng : 12:13, 15/04/2019
Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak rời Tòa Án Tối Cao ở Kuala Lumpur, ngày 3.4
Ngày 15.4, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak ra tòa trong phiên xử thứ hai tại Tòa Thượng thẩm ở thủ đô Kuala Lumpur về các cáo buộc tham nhũng liên quan vụ bê bối Quỹ Đầu tư nhà nước 1Malaysia (1 MDB). Phiên xét xử sẽ tập trung vào các chi tiết kỹ thuật liên quan các khoản tiền thất thoát từ quỹ 1MDB.
Trước đó, trong phiên xét xử đầu tiên ngày 3.4, cựu Thủ tướng Najib đối mặt với 7 tội danh được cho là giúp ông "bỏ túi" 42 triệu ringgit (khoảng 10,3 triệu USD) lấy từ Quỹ 1MDB, trong đó có các tội lợi dụng tín nhiệm, tham nhũng và rửa tiền. Đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền mà ông Najib bị buộc tội đánh cắp từ quỹ này. Theo các công tố viên, ông Najib cùng những người thân cận đã lấy hàng tỉ USD từ Quỹ 1 MDB để chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân như các bất động sản cao cấp, các tác phẩm nghệ thuật và một du thuyền sang trọng.
Vụ bê bối liên quan đến quỹ 1MDB là một trong các lý do khiến cử tri Malaysia quay lưng lại với liên minh của ông Najib trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5.2018 sau 60 năm liên minh này nắm quyền, và chuyển sang ủng hộ liên minh do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đứng đầu, theo đó ông Mahathir, 93 tuổi, đã trở lại nắm quyền.
Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018, ông Najib đã bị cáo buộc tổng cộng 48 tội danh, phần lớn liên quan đến Quỹ 1MDB và các thể chế nhà nước khác. Tuy nhiên, ông Najib đã bác bỏ tất cả các cáo buộc liên quan đến Quỹ 1MDB và khẳng định các cáo buộc này mang động cơ chính trị.
1MDB là quỹ đầu tư do ông Najib sáng lập năm 2009 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Malaysia thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện quỹ này đang là trung tâm của vụ bê bối thất thoát 3,7 tỷ USD, được cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở Malaysia và các nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Trung Quốc... Theo Bộ Tư pháp Mỹ, tổng số tiền "thụt két" này có thể lên tới 4,5 tỷ USD.