''Còn những cơn sóng bức xúc về nạn xâm hại là còn nên mừng''

Xã hội - Ngày đăng : 15:38, 15/04/2019

TS Lê Thị Linh Trang - sáng lập nhóm tình nguyện trang bị kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ - đã chia sẻ như thế sau những vụ xâm hại làm ''dậy sóng'' dư luận vừa qua.


TS Lê Thị Linh Trang 

Sáng lập nhóm giảng viên tình nguyện để đến các trường tiểu học,THCS dạy trẻ về kỹ năng nhận biết và phòng tránh xâm hại tình dục từ nhiều năm nay, TS Lê Thị Linh Trang theo dõi tỉ mỉ từng sự vụ trong dòng thời sự: “nựng” bé gái trong thang máy, “cưỡng hôn” nữ sinh viên cũng trong thang máy, lạm dụng tình dục trong trường học, gia đình... Chị không bừng bừng nổi giận mà ôn hòa trầm ngâm cho suốt câu chuyện này.

Không được im lặng

- Một người tâm huyết với giáo dục và bảo vệ trẻ em như chị cảm thấy như thế nào khi một lần nữa, những vụ xâm hại trẻ em lại xảy ra và gây tranh cãi như lúc này?

- Tôi rất bình tĩnh. Ai trong chúng ta cũng biết rằng những câu chuyện tương tự đã từng xảy ra rất nhiều lần, ở nhiều nơi, với rất nhiều đối tượng. Diễn biến, chi tiết sự việc khác nhau, điểm trùng nhau là những tổn thương sâu sắc về tinh thần của nạn nhân, sự chấp nhận im lặng của nạn nhân, sự nhởn nhơ thản nhiên của thủ phạm...

Chúng ta không thể hi vọng sự lên án dữ dội của dư luận xã hội có thể làm cuộc đời biến mất những kẻ "biến thái", hay pháp luật có thể thay đổi hoàn thiện chỉ sau một đợt vận động truyền thông.

Vậy nên, công cuộc bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, trẻ em cần một sự theo đuổi lâu dài, đấu tranh bền vững chứ không phải nhất thời mỗi khi có một vụ việc bị phát giác. Chúng ta phải rất bình tĩnh trong cảm xúc, hiểu biết trong nhận thức, kiên định trong hành động, và không được ngừng nghỉ trong mục tiêu này.

- "Chúng ta" mà chị đề cập tới là những ai? Những ai nên đứng ra để theo đuổi kiên định mục tiêu này?

- Là tất cả mọi người, mọi ngành: quản lý xã hội, pháp luật, giáo dục, văn hóa... Khi nãy tôi nói tôi rất bình tĩnh khi quan sát những sự vụ vừa xảy ra là có chút chưa chính xác.

Đúng ra là tôi có bức xúc, không phải vì sự việc mà vì sự im lặng của ngành giáo dục, của trường học khi một em bé học sinh của mình bị tổn thương, khi một nữ sinh viên của mình bị xúc phạm.

Tôi cứ ngỡ, ngoài gia đình, nơi đầu tiên phải lên tiếng để bảo vệ các nạn nhân phải là trường học, trước khi dư luận xã hội trở nên ồn ào. Im lặng ở đây là thiếu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, sự lên tiếng của các hội đoàn có chức năng cũng hết sức chậm trễ, đáng trách. Thực tế đã cho chúng ta nhiều minh chứng rồi: không thể chỉ trông đợi vào công an điều tra là xong. Thời gian gần đây, gần như mọi việc chỉ được thúc đẩy bởi dư luận trên mạng xã hội.


Một tiết học về giáo dục giới tính cho trẻ của dự án "Lớn lên an toàn" 

Pháp luật phải nghiêm khắc hơn

- Chị có cho rằng sự lên tiếng chậm trễ thiếu trách nhiệm và im lặng vô trách nhiệm ấy sẽ có liên quan đến việc nhiều nạn nhân đã chọn cách im lặng?

- Không thể trách khi gia đình và nạn nhân muốn chọn im lặng. Họ luôn có những lý do chính đáng, mà một phần lớn trong ấy đến từ chính nhận thức xã hội của những người xung quanh. Và chính vì thế, càng cần có sự lên tiếng một cách đúng đắn.

Thế nào là lên tiếng đúng đắn? Trước hết phải xác định rõ: không quy lỗi cho nạn nhân - trẻ em, phụ nữ. Em bé không có lỗi khi đi thang máy một mình trong khu chung cư nhà mình. Cô gái không có lỗi nếu cô có một gương mặt thu hút, thân hình quyến rũ...

Ở Việt Nam, mỗi khi có một sự việc xảy ra, trong lúc phân tích nguyên nhân, người ta thường tìm kiếm ở phía nạn nhân, lúc ấy đang là những người yếu thế, tổn thương. Quy lỗi về phía họ cũng là tiếp tay cho tội ác, vì như thế chúng ta đang khuyến khích những nạn nhân tiếp theo hãy im lặng, những kẻ thủ ác hãy cứ ung dung.

Hãy lên tiếng cam kết đồng hành cùng nạn nhân đòi lại công bằng, cam kết với những em bé, cô gái khác rằng họ được bảo vệ, rằng họ có thể bị kẻ ác xâm phạm nhưng nhân phẩm của họ không thể bị tổn hại bởi sự việc. Hãy lên tiếng yêu cầu pháp luật phải rõ ràng, rành mạch và nghiêm khắc với loại tội phạm này.

Luật chưa đủ hoàn thiện, chưa đủ nghiêm minh thì phải đòi hỏi chỉnh sửa. Có như vậy, các nạn nhân mới có thể đồng ý với chúng ta, đứng lên và lên tiếng, lấy chính câu chuyện của mình làm động lực thay đổi xã hội.

- Vâng. Chúng ta vừa mới có câu chuyện 200.000 đồng biến việc đòi công bằng của một cô gái trở thành trò cười cay đắng. Dường như những tổn hại tinh thần, tâm lý của nạn nhân nằm ngoài tầm với của pháp luật, trong khi đây là những điều không thể đong đếm...

- Pháp luật có những nguyên tắc và giới hạn của nó. Xâm hại tình dục là một loại tổn thương đặc biệt mà những khám nghiệm thể chất là không đủ, các kiểu phân loại "mức độ nghiêm trọng", "mức độ ít nghiêm trọng" là rất bất cập, những tổn thương của nạn nhân chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức.

Sự việc qua đi, vết thương sẽ lành nhưng với nhiều nạn nhân, tổn thương vẫn âm thầm sâu thêm cùng với sự phát triển ý thức của họ. Và khi ấy, việc chữa lành phải nhờ đến những phía khác, trong đó phần không nhỏ là sự phát triển của nhận thức xã hội và công bằng pháp luật.

Chỉ có những điều đó mới khiến nạn nhân cảm thấy vết thương của mình được xoa dịu, bản thân mình được bảo vệ, không gian quanh mình an toàn, con người quanh mình đã được giữ gìn, cảnh báo...

Tôi cho rằng các nhà làm luật nên lưu tâm nghiên cứu vấn đề này kỹ lưỡng để có những sửa đổi, điều chỉnh luật trong xác định tội danh, khung hình phạt cho phù hợp, đúng mức và nghiêm khắc hơn.

- Quay lại câu chuyện vừa xảy ra tại TP Hồ Chí Minh do một cựu quan chức Đà Nẵng, những phản ứng của xã hội đã bị cho là quá mức, thậm chí vi phạm pháp luật, dồn thủ phạm và cả người nhà của ông ta vào đường cùng. Ở bước gây áp lực này của xã hội, chị có cho là quá đáng không?

- Đương nhiên chúng ta không thể khuyến khích những hành vi quá khích, dù ai cũng hiểu nguồn gốc của nó là từ những ẩn ức xã hội sâu xa hơn sự vụ cụ thể này rất nhiều. Lấy cái sai này đáp trả cái sai khác là điều không nên làm.

Nhưng xét ở phía khác, khi có những câu chuyện như vậy xảy ra, còn những cơn sóng bức xúc trong xã hội là còn nên mừng. Nếu không có ai bức xúc, đó mới là điều đáng lo. Bức xúc, dù ở mức độ nào, cũng vẫn tốt hơn vô cảm.

Trong vụ việc cụ thể này, theo những thông tin được công khai, xử lý ban đầu của ban quản lý và ban quản trị chung cư là rất chuyên nghiệp, minh bạch, thẳng thắn. Sự lên tiếng của cộng đồng xã hội, truyền thông cũng rất kịp thời, sự phẫn nộ nhân lên gấp bội khi nhân thân của ông ta được công khai cũng là chính đáng.

Quá trình nhiều phía lên tiếng yêu cầu cơ quan pháp luật phải đẩy nhanh tiến độ xử lý và giữ gìn công chính, nghiêm minh cũng rất đáng khuyến khích...

Tôi cho rằng dư luận xã hội hôm nay đã có bước phát triển đáng mừng: đa chiều hơn, nhận thức sâu sắc hơn, tìm ra được nhiều cách giải quyết hơn, và điềm tĩnh, hiệu quả hơn.

Mỗi người đều có sức mạnh

- Mỗi người có thể làm gì cho những bước tiến tiếp nữa của dư luận xã hội dài hơn và nhanh hơn?

- Tôi cho rằng mỗi người đều có thể góp sức trong khả năng của mình. Như chúng tôi, khi qua phong trào rồi, các trường tiểu học, trung học cơ sở không còn thiết tha mời dạy những lớp phòng chống xâm hại tình dục như trước nữa, cũng không muốn tổ chức từng lớp, từng khối để các em hiểu sâu hơn, dễ luyện ý thức thành phản xạ tự bảo vệ hơn là khi lồng ghép sơ lược vào một buổi chào cờ... Nhưng chúng tôi vẫn kiên nhẫn.

Các lớp của tôi vẫn được tổ chức, và không chỉ cho trẻ em mà còn cho người lớn: các phụ huynh, giáo viên, thanh niên. Từ đó, các nhóm, hội cũng đã được họp lại và có những phương cách hoạt động riêng mình để bảo vệ con em.

Bất kỳ việc gì có thể gây nên dư luận xã hội đúng đắn đều là việc nên làm.

- Nhiều năm qua, đã có nhiều hoạt động hội nhóm như vậy được duy trì, từ dạy kỹ năng cho trẻ đến tư vấn tâm lý cho nạn nhân, tạo cuộc sống mới để chữa lành vết thương... Rồi mỗi khi một sự vụ xảy ra, mọi nỗ lực ấy như bị đạp đổ...

- Chúng ta hãy tin rằng mỗi việc chúng ta làm đều sẽ tạo ra một lực đẩy, dù nhỏ. Và khi cùng nhau, cùng chung một mục đích, các nguồn lực cá nhân nhỏ ấy sẽ cộng hưởng lại thành một sức mạnh để thay đổi: thúc đẩy pháp luật công bằng hơn, răn đe phòng ngừa cái xấu hiệu quả hơn, bảo vệ người yếu thế, cái tốt đẹp trong sáng mạnh mẽ hơn, giúp cuộc sống tiến nhanh hơn về phía những điều tốt đẹp.

Trong những vụ việc vừa qua, sức mạnh từ dư luận xã hội chính là mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất. Chẳng phải là động lực thực tế cho mỗi chúng ta đó sao? Trước hết, hãy nhận thức thật đúng đắn, sau đó là làm tất cả những gì có thể.

Và nữa, hãy bền bỉ, kiên trì. Khi chúng ta hợp lực lại, sự thay đổi sẽ đến sau đó. Đời không thể hết kẻ xấu được. Chúng ta hãy lên tiếng và hành động để những kẻ có tâm địa xấu không dám ra tay.

- Rất cảm ơn chị.

Theo Tuổi trẻ