Nhưng chẳng lẽ người thứ ba phải khóc?
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:50, 22/04/2019
Viết về tình yêu của một thời đã xa là đề tài quen thuộc của rất nhiều thi sĩ. Các nhà thơ hiện đại và đương đại, hầu như ai cũng ít nhất một lần đề cập đến cái quá khứ ngọt ngào nhưng cũng đầy bão giông ấy bằng những tình cảm, cảm xúc khác nhau. Nhà thơ Đỗ Trung Lai cũng vậy. Đọc bài thơ “Em” của ông, không hiểu sao, tôi cứ cảm thấy day dứt, ám ảnh... Có thể vì sức hút lạ lùng từ ý tứ, giọng điệu bài thơ. Cũng có thể bởi sự đồng cảm chân thành mà nhà thơ đã mang lại đó chăng?
Bài thơ mở đầu bằng một giả thiết “Nếu có thể”. Cách đặt vấn đề rất tế nhị nhưng xem ra không mạnh mẽ, dứt khoát. Hẳn là người thơ muốn chuẩn bị cho em một tâm thế để đỡ hẫng hụt. Hay chính chủ thể trữ tình cũng còn chút vương vấn tình xưa? Câu thơ: “Nếu có thể, xin em đừng trở lại”, dẫu hiểu theo cách nào, thì đó cũng là một sự trải lòng chân thật của nhà thơ.
Lý do người thơ “xin em đừng trở lại” đơn giản, nhưng không phải dễ chấp nhận. Mượn cách nói ẩn dụ: “Hoa trong bình đã héo tự chiều qua”, chính là tác giả muốn nói đến những kỷ niệm “một thời xa” nay đã “héo tàn”, đã thành quá vãng. Quá vãng đó được hình tượng hóa bằng đối tượng cụ thể (Hoa trong bình đã héo, bông tàn), bằng thời gian phiếm chỉ (chiều qua) nên cũng thật cụ thể, dễ hiểu.
Tôi rất thích hình ảnh “những bông tàn trong ký ức”. Những bông tàn là hình ảnh cụ thể của tình yêu một thời, giờ đã tàn phai. Nhưng tại sao lại là “bông tàn trong ký ức”. Phải chăng, chủ thể trữ tình muốn xóa đi tất cả ký ức đã thành kỷ niệm buồn giữa hai người? Điều này có thể không giống với suy nghĩ của nhiều người. Bởi tình yêu đẹp đẽ một thời (dẫu muốn) không dễ nguôi quên. Với nhà thơ Lê Quang Trang, quá khứ dẫu đốt thành “tro tàn” thì tác giả vẫn muốn níu kéo, muốn “lọc trong tro tàn đen ấy”, vì “Có những điều đốt mãi chẳng thành tro”.
Với Đỗ Trung Lai thì khác, ở đây người thơ muốn quá khứ “ngủ yên”, muốn quên đi “mãi mãi” kỷ niệm của những “ngày tươi đẹp thơ ngây”. Nhưng điều đó thật khó khăn, bởi nhà thơ đã cố gắng, nhưng rất khó vượt qua nên rất cần đến sự trợ giúp của em, mong em “Hãy giúp anh quên đi, mãi mãi”, và cầu xin em đừng “trở lại” khuấy động quá khứ. Bởi vì: “Anh cũng khác. Vâng! Anh giờ cũng khác”. Câu thơ bị ngắt giữa dòng bởi tiếng “Vâng!” như một tiếng nấc nghẹn ngào, đứt đoạn. Không có nước mắt, nhưng nghe như tiếng khóc trong lòng. Hơn nữa, qua cách lặp từ, lặp ý: “Anh cũng khác”, “Anh giờ cũng khác” trên cùng một dòng thơ, dường như tác giả muốn người xưa ý thức về hoàn cảnh hiện tại của mình. Ở đây, người thơ đã thẳng thắn tình cảm trước em khi thừa nhận: “Đã có người anh đón để lên ngôi”. Cách dùng từ “đón, lên ngôi” nói lên rằng, anh rất tôn trọng, yêu quý người phụ nữ mà lòng anh đã chọn (sau em). Còn với em của “một thời xa”, ta hiểu người thơ cũng không thể nguôi quên. Cho nên: Đã bao lần, âm thầm, anh cầu chúc/Em đẹp xinh, hạnh phúc, đủ đầy/Anh lấy đau riêng làm nhung lụa/ Phủ lên ngày tươi đẹp thơ ngây.
Khổ thơ đưa người đọc trở về với quá khứ đau xót của chủ thể trữ tình. Cách xử sự của anh đối với em khi tình yêu tan vỡ, chính là một nghĩa cử cao đẹp, vị tha đầy tính nhân văn. Bởi lẽ, tình yêu dẫu không thành, nhưng anh luôn coi hạnh phúc của em là hạnh phúc của mình. Anh đã chịu đựng, hy sinh một cách lặng lẽ, âm thầm… Thậm chí, người thơ đã nén nỗi đau riêng, cầu mong cho em những điều tốt đẹp nhất: “đẹp xinh, hạnh phúc, đủ đầy”. Đó là những thứ quý giá mà ngàn đời nay con người hằng ước mơ, vươn tới mà dễ gì có được?
Thế nhưng, em bất chợt quay trở lại, khi tất cả với anh đã an bài. Sự trở lại không đúng lúc của em đặt anh vào tình cảnh khó xử: “Giờ em lại. Bây giờ em mới lại/Hồn thanh xuân em phung phí cả rồi”. Câu thơ vừa như nuối tiếc, xót xa, vừa như giận hờn, trách cứ, vì khoảng đời đẹp đẽ của tuổi thanh xuân, em “phung phí” cả rồi. Cả anh và em đều đã khác. Anh đã có bổn phận phải làm tròn. Chút tình xưa, nghĩa cũ chỉ còn lại là những đắng cay, xa xót trong lòng, khi cả hai đều biết chẳng thể nào thay đổi: “Em nước mắt. Hai đứa cùng cay đắng/Hai đứa cùng đã có một thời xa”. Giọt nước mắt khổ đau, tiếc nuối của em, và có thể cả của anh nữa là điều không tránh khỏi khi ta gặp lại nhau để rồi phải chia xa mãi mãi. Nhưng tôi tin giọt nước mắt ấy sẽ khép lại quá khứ và mở ra tương lai tốt đẹp cho cả ba người. Bởi vì: Nhưng chẳng lẽ người thứ ba phải khóc/Vì những bông tàn trong ký ức hai ta?
Nếu ví bài thơ là một câu chuyện tình buồn thì câu chuyện tình buồn ấy kết thúc có hậu và mang tính nhân văn. Hình ảnh “những bông tàn trong ký ức hai ta” được lặp lại, cùng với dấu chấm hỏi được đặt cuối bài thơ như một câu hỏi xoáy vào lòng người đọc. Mỗi người hẳn đã có được câu trả lời. Do đó, bài thơ không còn là chuyện của hai người mà trở thành chuyện chung của nhiều người. Tôi chắc người thứ ba, “người anh đã đón để lên ngôi” sẽ không phải khóc khi anh đã cố gắng (và cũng thật khó khăn) rạch ròi trong tình cảm. Vẫn biết tình cảm nhiều khi rất khó phân định, nhưng ở bài thơ này, tôi nghĩ người thơ đã rạch ròi giữa “xưa” và “nay”, hiện tại và quá khứ, cái đã qua và cái còn lại. Thế nên, “những bông tàn trong ký ức”… đã tàn. Và người thứ ba sẽ không phải khóc.
Như vậy, từ sự trở lại muộn màng của nhân vật “em”, nhà thơ đã hóa thân vào nhân vật trữ tình, nếm trải những dằn vặt, cay đắng, xót xa khi đối diện với quá khứ, để thanh thản cho hiện tại. Dẫu biết đoạn tuyệt một quá khứ chẳng dễ dàng gì, nhưng tôi tin ở điều thiện, ở lẽ phải cũng như tin ở tình yêu. Vậy nên, giọt nước mắt cay đắng của em ở cuối bài thơ, hẳn sẽ là dấu chấm hết cho cuộc tình của “một thời xa” nên quên và phải quên. Đó chính là niềm tin của tôi, của độc giả khi đọc bài thơ này.
NGUYỄN THỊ BÌNH
Em Nếu có thể, xin em đừng trở lại ĐỖ TRUNG LAI |