"Thủ phủ lợn" ở Cẩm Giàng trong cơn bão dịch tả lợn châu Phi
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:41, 22/04/2019
Lực lượng chức năng cân, kiểm đếm số lợn bệnh ở gia đình anh Nguyễn Danh Hội để đưa đi tiêu hủy
Xót xa
Về Phượng Hoàng những ngày này, tôi thấy rõ sự buồn bã, lo lắng trên khuôn mặt của những người nuôi lợn. Đường làng, ngõ xóm phủ vôi trắng xóa. Người dân truyền tai nhau nhiều kinh nghiệm để chống bệnh DTLCP, thế nhưng dịch đã tràn về thôn 5 ngày nay, xóa tan hi vọng thoát dịch của người dân nơi đây.
Từ ngày dịch đến, số hộ bị thiệt hại cứ tăng lên từng ngày. Sự lo lắng càng chất chồng bởi cuối năm 2017, đầu năm 2018, giá lợn xuống đáy, rất nhiều hộ dân đã phải vay vốn ngân hàng để tái đàn, kinh tế gia đình còn chưa kịp hồi phục thì nay lại gặp dịch bệnh.
Tại gia đình anh Nguyễn Danh Hội - nơi có 135 con lợn chết, nằm la liệt trong chuồng chờ tiêu hủy, tôi thấy xót xa. 135 con, trong đó 12 con lợn nái, còn lại là lợn thịt, trọng lượng mỗi con từ 90-100 con lẽ ra đã được xuất chuồng. Cuối năm 2017, gia đình anh Hội nuôi 100 con lợn. Thời điểm ấy, giá lợn hơi 18.000 đồng/kg, anh lỗ khoảng 250 triệu đồng. Năm 2018, anh vay 500 triệu đồng của Quỹ Tín dụng nhân dân xã Cẩm Hoàng, phần để tái đàn, phần để xây dựng kiên cố trang trại. Tất cả vừa mới vào guồng thì đến nay lại gặp dịch bệnh. Nhìn đàn lợn chết nằm chồng chất trong chuồng, nghĩ về khoản nợ ngân hàng, anh Hội buồn nói không nên lời.
Với gia đình bà Nguyễn Thị Lạp thì khó khăn còn nhân lên gấp bội khi tất cả tài sản của gia đình dồn vào trại lợn. Đàn 56 con lợn thịt vừa bị đưa đi tiêu hủy. Kinh tế gia đình bà chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi lợn, không có thu nhập khác, nên dịch bệnh là cú sốc với gia đình.
Bà Lạp cho biết Phượng Hoàng là một trong những nơi bị dịch sau cùng của huyện. Dù được hỗ trợ với giá 32.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn phải lỗ gần 1 triệu đồng/con. “3 năm trở lại đây, liên tiếp tai họa ập xuống. Năm 2017, giá lợn rẻ. Cuối năm 2018, người nuôi lợn gặp dịch lở mồm long móng, giờ lại là DTLCP khiến những người nuôi lợn như chúng tôi chán nản, kinh tế đã khó khăn nay càng bế tắc”, bà Lạp buồn bã.
Ở thôn Phượng Hoàng những trường hợp như của gia đình anh Hội, bà Lạp không hiếm. Đa phần các gia đình trong thôn làm nông nghiệp, kinh tế gia đình chủ yếu là dựa vào chăn nuôi. Thôn Phượng Hoàng có khoảng 7.000 con lợn, chiếm 53,8% số lợn của xã Cẩm Hoàng và gần 18% tổng đàn lợn của huyện Cẩm Giàng. Trong thôn hiện có hơn 130 hộ gia đình nuôi lợn với số lượng lớn, chưa kể những hộ nuôi lẻ tẻ.
Căng mình dập dịch
UBND xã mua gần 3 sào đất để có nơi tiêu hủy lợn
Mặc dù đang bảo vệ an toàn đàn lợn trước dịch bệnh nhưng ông Nguyễn Xuân Chuyển, chủ trang trại lợn 150 con trong thôn đang rất bất an. Đã 10 năm chăn nuôi lợn, thời cao điểm gia đình ông Chuyển nuôi 500 con. Năm 2017, gia đình ông lỗ hơn 700 triệu tiền lợn. Lứa lợn này, ngoài dịch bệnh đang đe dọa thì số lợn cho xuất chuồng còn bị thương lái ép giá. Cách đây nửa tháng, trại lợn của gia đình ông xuất chuồng 6 tấn nhưng thương lái cũng chỉ trả 31.000-32.000 đồng/kg, lỗ từ 500.00- 600.000 đồng/con.
“Của đau, con xót” với 150 con lợn trong chuồng, ông Chuyển và người dân trong xã vẫn đang phải gồng mình chống dịch. Ngoài biện pháp phòng dịch được phổ biến, người chăn nuôi lợn còn tìm nhiều biện pháp để vượt qua "cơn bão" dịch. Ngoài việc phun thuốc khử trùng 3 lần/ngày, người dân còn tôi vôi tại chỗ, đốt bồ kết để xông chuồng, thậm chí nhiều hộ gia đình còn cho lợn uống thuốc bổ hoặc cho ăn tỏi để tăng sức đề kháng... Người dân thực hiện triệt để nguyên tắc khoanh vùng dập dịch, “trong bất xuất, ngoại bất nhập” để tránh dịch bệnh lây lan.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng cho biết: "DTLCP xuất hiện trên địa bàn xã từ ngày 11.4. Đến ngày 21.4, có 10 hộ chăn nuôi của thôn Phượng Hoàng có lợn bị DTLCP. Chúng tôi đã tiêu hủy trên 20 tấn lợn bệnh”.
Hỏi về điều lo lắng nhất hiện nay, ông Thắng thú thật không dám nghĩ tới bởi số lượng lợn trong thôn quá lớn, có 4 hộ nuôi từ 200-500 con, còn lại là các hộ nhỏ cũng 10-30 con. Hiện tại, lực lượng thú y các cấp đều mỏng. Những ngày qua, địa phương phải huy động nhiều nhân lực cùng vào cuộc, làm việc không kể ngày nghỉ để phòng dịch, dập dịch.
Điều đáng ngại nhất là hiện tại quỹ đất công để tiêu hủy lợn không có, địa phương đã giải quyết tình thế bằng cách mua gần 3 sào ruộng đất 03 của người dân với giá 20 triệu đồng/sào để có chỗ tiêu hủy lợn bệnh, tránh dịch bệnh lây lan, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo ông Thắng, sau đợt dịch này, chuồng trại của các hộ không biết đến khi nào mới có thể tái đàn. Nên khi người dân tái đàn, để tháo gỡ khó khăn, ông Thắng mong muốn cơ quan chức năng có thể hỗ trợ bà con lợn giống để người dân tái đàn sau này.
HUYỀN ANH
Theo ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, đến sáng 22.4 đã có 18 trong tổng số 19 xã của huyện Cẩm Giàng có DTLCP, hơn 6.000 con lợn bệnh đã bị tiêu hủy. Việc thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng xuất hiện dịch là điều lo lắng của huyện vì ở đây tập trung nhiều hộ nuôi lợn. Hiện tại, bên cạnh việc dập dịch thì việc tuyên truyền cách phòng DTLCP cho người dân vẫn được chú trọng, đặc biệt là khuyến cáo bà con tuyệt đối không được giấu dịch. |