Chăn nuôi thời dịch tả lợn châu Phi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:09, 24/04/2019

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn diễn biến phức tạp trong khi chưa có vaccine đặc trị. Thay vì hoang mang và lo lắng, nhiều trang trại lợn đã có những biện pháp phòng chống hiệu quả...


Việc phun thuốc sát trùng được các trang trại thực hiện định kỳ để phòng chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm

Tạo vành đai chống dịch

Ngay sau khi ổ bệnh DTLCP đầu tiên xảy ra ở xã Hiến Thành (Kinh Môn), trang trại của bà Phạm Thị Mây ở thôn 19.5, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch. Cách khu chăn nuôi chính khoảng 70 m, một hố sát trùng bằng vôi bột đã được xây cẩn thận và có biển cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường. Các xe vận chuyển ra, vào trang trại đều được công nhân phun thuốc khử trùng kỹ lưỡng. Trang trại có 5 công nhân, tất cả phải sinh hoạt trong khu vực trang trại, hạn chế tiếp xúc với người lạ để bảo vệ an toàn cho đàn lợn.

"Một số hộ xung quanh đây đã có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch. Trang trại lại đang nuôi 1.000 con lợn thịt và 160 lợn nái nên việc phòng dịch được đặt lên hàng đầu. Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, việc rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng đã trở thành công việc quen thuộc của công nhân trang trại. Mặc dù chưa có thuốc điều trị, nhưng bệnh DTLCP lại rất nhạy cảm với các hóa chất có tính sát trùng mạnh. Thay vì ngồi lo lắng thì chủ các trang trại nên tìm hiểu về các biện pháp phòng dịch", bà Mây chia sẻ.

Để vào được khu chăn nuôi lợn của Công ty CP Giống và thiết bị chăn nuôi Hưng Huy ở xã Cẩm Định (Cẩm Giàng), các phương tiện vận chuyển buộc phải đi qua hố vôi để khử trùng 3 lần. Những hố khử trùng này được làm từ khi trang trại mới được xây dựng. Theo ông Nguyễn Đắc Viêm, Giám đốc Công ty CP Giống và thiết bị chăn nuôi Hưng Huy, tạo vành đai chống dịch là nguyên tắc quan trọng để phòng chống dịch bệnh mà bất kỳ trang trại chăn nuôi lớn nào cũng cần thực hiện. 

Ông Viêm cho biết ngay khi bệnh DTLCP xâm nhập vào Việt Nam, công ty hạn chế tối đa các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn. Đơn vị đã thực hiện chế độ cấm trại với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Công nhân của trại không ra khỏi khu vực trại nuôi và thực hiện ăn, ngủ, vệ sinh, lao động tại chỗ để hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm bệnh dịch có thể xâm nhập. Bên cạnh đó, trang trại thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực chuồng nuôi 1 lần/ngày, phun khu vực xung quanh, bên ngoài trang trại 2 lần/ngày.

Chú trọng an toàn sinh học

Dù nhiều hộ ở xã Nam Hưng (Nam Sách) đã có lợn bị tiêu hủy do DTLCP nhưng các trại nuôi lợn của thành viên Tổ hợp tác (THT) Chăn nuôi Nam Hưng vẫn an toàn. Theo ông Nguyễn Khắc Chức, Tổ trưởng THT thì làm tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ các trại lợn. 

Các thành viên của THT vẫn luôn nhắc nhở nhau cần đặc biệt quan tâm tới khu vực chuồng trại, trại nuôi phải có tường rào bao quanh để kiểm soát được người và động vật ra vào. Đối với thức ăn cho lợn, phải sử dụng thức ăn bảo đảm tiêu chuẩn khẩu phần ăn của các loại lợn, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới phương tiện ra vào trại; vật chủ trung gian quanh trang trại. Chủ các trang trại cũng cần chú ý không nuôi bất kỳ động vật nào khác trong chuồng trại và thường xuyên tiến hành tiêu diệt các côn trùng xâm nhập vào trại.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Trong giai đoạn này, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức an toàn sinh học bên trong trại và bên ngoài khu vực chăn nuôi; tiêm vaccine đầy đủ phòng các loại bệnh khác; nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn thông qua chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất".

Theo nhận định của Chi cục Thú y tỉnh, DTLCP vẫn chưa có thuốc đặc trị. Trong khi đó, phần lớn các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, nằm xen trong khu dân cư nên chưa quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh. Đây là những yếu tố gây khó khăn cho công tác ngăn chặn bệnh DTLCP. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, các chợ, địa điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột, hóa chất. Thời gian tới, người chăn nuôi cũng cần áp dụng những tiến bộ khoa học; chọn nuôi con giống tốt, năng suất cao và gen kháng bệnh; sử dụng thức ăn công nghiệp từ các thương hiệu có uy tín trên thị trường để bảo đảm chất lượng thịt lợn.

TRẦN HIỀN