Cấp bách bảo vệ đàn lợn nái
Chính trị - Ngày đăng : 08:52, 26/04/2019
Số lượng lợn nái buộc phải tiêu hủy do bị dịch tả lợn châu Phi đã lên đến hơn 9.000 con, chiếm gần 14% tổng đàn lợn nái trong toàn tỉnh
Ảnh: Huyền Anh
Tại Hải Dương, bệnh dịch đã lan rộng ra hơn 200 xã, phường, thị trấn. Lực lượng chức năng buộc phải tiêu hủy hơn 55.000 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 3.300 tấn. Trong đó, số lượng lợn nái buộc phải tiêu hủy lên đến hơn 9.000 con, chiếm gần 14% tổng đàn lợn nái trong toàn tỉnh. Dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, virus tả lợn châu Phi rất nhạy cảm với đàn lợn nái. Thực tế cho thấy tại hầu hết các trang trại bị bệnh DTLCP, virus này thường được phát hiện đầu tiên ở lợn nái, sau đó lây lan ra toàn bộ đàn lợn trong trang trại. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải tập trung ưu tiên bảo vệ đàn lợn giống, bởi nếu không thời gian tới sẽ không có đủ giống để tái đàn. Kinh nghiệm từ nhiều đợt dịch trước cho thấy sau khi bão dịch bệnh qua đi, các trang trại sẽ cần số lượng lợn lớn để tái đàn. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, ngành chăn nuôi lợn dễ rơi vào khủng hoảng. Do vậy, trang trại nào giữ được đàn lợn giống an toàn, trang trại đó sẽ thắng lớn.
Việc bảo đảm an toàn cho đàn lợn giống là việc làm vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là bảo đảm việc khôi phục ngành chăn nuôi sau dịch bệnh. Để làm được điều này, các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học cần được áp dụng mạnh mẽ hơn trong chăn nuôi lợn ở các trang trại, nông hộ. Bởi việc này không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ đàn lợn thương phẩm trước dịch bệnh mà còn giúp cho việc duy trì đàn lợn nái đối phó với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần bảo đảm việc lưu thông và tiêu thụ thịt lợn an toàn, tránh tình trạng nơi này cho phép, nơi kia lại ngăn chặn hay gây khó dễ. Bởi nếu lưu thông không tốt, sẽ khiến cho lượng lợn tồn đọng tại các trang trại, nông hộ tăng lên nhiều. Khi ấy, càng làm cho người chăn nuôi hoang mang, lo ngại, tìm cách bán tháo đàn lợn, khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh càng khó khăn hơn.
KHÁNH HÒA(Kim Thành)