Dịch tả lợn châu Phi tàn phá ngành chăn nuôi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 22:00, 26/04/2019

Chưa đầy 2 tháng sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát ở nhiều địa phương, đã có hàng nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy với trọng lượng hàng nghìn tấn.

Bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh

Bệnh DTLCP không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi mà còn làm cho ngân sách nhà nước phải dành ra một khoản rất lớn để hỗ trợ người dân.

Chuồng trại tan hoang

Nửa tháng nay, ngày nào bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) cũng cặm cụi rắc vôi, khử trùng dụng cụ chăn nuôi ở khu chuồng lợn dù chẳng còn con nào trong chuồng. Bà hy vọng cách làm này sẽ tiêu diệt được mầm bệnh còn lưu trú trong trang trại để sau này yên tâm tái đàn. Đến nay, bà Lý vẫn không quên được ngày mà toàn bộ 17 con lợn nái của gia đình buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP. Cuối tháng 3, một số con lợn nái bị ốm, bà nghĩ chỉ bị bệnh thông thường nên mua thuốc về chữa, nhưng bệnh không khỏi mà còn lan nhanh sang các con khác. Vì vậy, bà đã báo lực lượng chức năng để lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả, tất cả các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh DTLCP.


"Bệnh dịch đến nhanh quá, lợn bỏ ăn đồng loạt, rồi lăn ra chết làm tôi trở tay không kịp. Đây là tất cả cơ nghiệp của gia đình tôi. Số lợn phải tiêu hủy đều là lợn nái và lợn giống, con nặng nhất 3,5 tạ, các con khác cũng phải hơn 2 tạ. Tổng trọng lượng tiêu hủy là 3,5 tấn, thiệt hại lên đến hơn 200 triệu đồng”, bà Lý ngậm ngùi.

Hết tàn phá những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, "bão" DTLCP còn càn quét cả những trang trại lớn có quy mô hàng nghìn con bất chấp những trang trại này có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học với tuyến phòng thủ dịch bệnh tốt. Do số lượng nuôi lớn nên khi bị bệnh dịch, thiệt hại mà các chủ trang trại phải chịu lên đến hàng tỷ đồng.

Tiếp chúng tôi với vẻ mặt mệt mỏi, hốc hác, ông Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang), chủ trang trại lợn lớn nhất huyện Ninh Giang vẫn không hiểu vì sao dịch bệnh có thể "xóa sổ" toàn bộ đàn lợn của gia đình ông chỉ trong vài ngày. Nhìn khu chuồng trại trống hoác, ông Học không khỏi đau xót: "Kể từ khi đàn lợn bị tiêu hủy, đây là lần thứ hai tôi xuống trại nhưng vẫn không thể quen được cảnh này. Hơn 10 năm nuôi lợn, trang trại chưa bao giờ bị dịch bệnh. Vậy mà giờ đây cả trang trại quy mô vài trăm con lợn nái đã không còn con nào. Hơn 1.000 con lợn đủ loại, từ lợn nái đến lợn con làm cho lực lượng chức năng phải mất tới 5 ngày mới tiêu hủy hết. Kinh tế của cả gia đình tôi đều trông vào đàn lợn, vậy mà...".

Trước khi có dịch bệnh, trang trại của ông Học nuôi hơn 200 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt. Việc phòng chống dịch bệnh luôn được ông Học đặt lên hàng đầu. Trang trại luôn tuân theo nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học. Để vào được khu chuồng nuôi, công nhân phải đi qua hệ thống phun khử trùng tự động, mọi thiết bị như điện thoại, ví tiền, laptop... phải khử trùng bằng đèn UV. Nguồn nước giếng khoan đã qua xử lý mới sử dụng cho đàn lợn. Nước thải và chất thải của trang trại được xử lý qua những hầm biogas lớn trước khi xả ra môi trường.

Toàn bộ đàn lợn hơn 1.000 con của trang trại ông Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) bị tiêu hủy vì bệnh dịch tả lợn châu Phi

Khó phục hồi


Trang trại của ông Học được xây từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư lên đến 11 tỷ đồng. Ngoài số tiền tiết kiệm của gia đình, ông phải vay thêm ngân hàng. Chưa kịp thu hồi vốn thì lợn rơi vào thời kỳ khủng hoảng về giá, nay lại bị "xóa sổ" vì dịch bệnh khiến ông rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Đợt dịch này, trang trại của ông buộc phải tiêu hủy 207 con lợn nái, 650 lợn con và 360 con lợn thịt với tổng trọng lượng hơn 106 tấn. Theo quy định, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng. Thế nhưng ông vẫn thiệt hại gần 2 tỷ đồng vì phần lớn lợn bị tiêu hủy là nái ngoại và lợn đực giống có giá trị cao.

"Khi bệnh DTLCP chưa có thuốc phòng chữa, tôi và các trang trại khác cũng không dám tái đàn. Bởi bệnh dịch này có thể tồn tại rất lâu trong môi trường và khó tiêu diệt hoàn toàn. Tôi đang cho công nhân cải tạo trang trại để chuyển sang nuôi các con vật khác. Tôi mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước để ổn định lại chăn nuôi", ông Học chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh vẫn chưa có báo cáo tổng hợp hay đánh giá nào về tình hình thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra. Bởi theo ngành chức năng, hiện bệnh dịch vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thú y tỉnh, tính đến ngày 24.4, toàn tỉnh đã có 225 xã, phường, thị trấn xuất hiện bệnh DTLCP. Lực lượng chức năng đã phải tiêu hủy hơn 99.000 con lợn, với tổng trọng lượng 6.300 tấn. Trong đó, đàn lợn nái phải tiêu hủy 16.000 con (trung bình mỗi con 2 tạ), trọng lượng khoảng 3.200 tấn. Nếu tính theo mức hỗ trợ của tỉnh là 32.000 đồng/kg lợn thịt và 52.000 đồng/kg lợn nái, bệnh DTLCP đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước khoảng 265 tỷ đồng; các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy còn lỗ hơn 20 tỷ đồng so với giá cả thị trường. Đó là chưa kể đến kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thiết bị bảo hộ, tiền công chi trả cho đội ngũ tham gia tiêu hủy lợn. Nhiều địa phương khó bố trí kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi bởi con số thiệt hại quá lớn.

Mặc dù vậy, mức độ thiệt hại sẽ chưa dừng ở con số nêu trên, bởi bệnh DTLCP vẫn đang lây lan nhanh và có xu hướng lan rộng tới các trang trại quy mô lớn. Số lợn buộc phải tiêu hủy tăng lên từng ngày, từng giờ ở các địa phương. Trong khi ngành chức năng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.

Bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: "Thiệt hại mà bệnh DTLCP gây ra là rất lớn. Từ trước tới nay, chưa có bệnh dịch nào tàn phá ngành chăn nuôi lớn như vậy. Việc khôi phục chăn nuôi lợn sau khi bệnh dịch qua đi cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu ngành chức năng chưa tìm ra vaccine điều trị. Ngoài việc dập dịch và khống chế bệnh dịch, các cơ quan chuyên ngành cần phối hợp để nghiên cứu thành công vaccine phòng bệnh DTLCP".

NGUYÊN KHANG