Nhiều giải pháp bảo tồn cây vải tổ
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 07:13, 27/04/2019
Các nhà khoa học bàn giải pháp bảo tồn cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà)
Sáng 26.4, tại khu bảo tồn cây vải tổ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng sinh trưởng, phát triển của cây vải tổ và hiện trạng bảo tồn, phát triển nguồn gen cây vải tổ; đề xuất một số biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen quý của cây này.
Theo khảo sát của huyện Thanh Hà, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và một số giáo sư, tiến sĩ khoa học, cây vải tổ hiện đã gần 200 năm tuổi, có biểu hiện cằn cỗi, sâu bệnh; chất đất chua nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng; thân cây bị nấm mốc, cành bị khô...
Huyện Thanh Hà đã xây dựng kế hoạch để bảo tồn, kéo dài tuổi thọ của cây vải tổ. Đó là quy hoạch lại hệ thống tưới tiêu và hạ mực nước ngầm để bảo đảm cho bộ rễ của cây phát triển; thay lớp đất mặn những chỗ nhiều cát bằng đất phù sa hoặc đất ruộng ải. Xây dựng quy trình chăm sóc riêng cho cây vải tổ; sau khi cây hồi phục thì thực hiện nhân giống bằng biện pháp chiết cành. Huyện cũng phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp sử dụng thuốc trừ nấm, mốc, sâu bệnh; làm hàng rào bao quanh khuôn viên cây vải tổ, hạn chế tối đa khách tham quan đi vào khu vực trồng cây vải tổ...
Tại hội thảo, các giáo sư, tiến sĩ khoa học nông nghiệp đã đóng góp nhiều biện pháp bảo tồn cây vải tổ như nên sử dụng phân bón vi sinh để chăm sóc cây vải tổ; trong quá trình bảo tồn cần giữ nguyên hình dáng của cây; cần tập trung cải tạo đất nhằm cải thiện chất dinh dưỡng cho cây; bảo đảm không gian thoáng mát cho cây vải tổ...
Hoạt động này nằm trong quá trình thực hiện đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen quý cây vải tổ". Đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng UBND huyện Thanh Hà thực hiện trong 2 năm 2019-2020 với tổng kinh phí hơn 668 triệu đồng, từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh.
MINH NGUYỆT