Xâm nhập thế giới gỗ lậu ở Lào
Pháp luật - Ngày đăng : 07:21, 28/04/2019
Một xưởng sơ chế gỗ lậu ở vùng Ban Keun
Hành trình vất vả
Sau nhiều lần đặt vấn đề, chúng tôi được một thợ mộc quê ở huyện Cẩm Giàng đồng ý cho đi cùng sang Lào để tìm hiểu về khai thác gỗ. Chúng tôi lên kế hoạch bắt xe khách đến bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) rồi tiếp tục bắt xe qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) sang Lào. Nhóm 3 người chúng tôi đặt vé xe giường nằm cho chuyến đi của mình. 17 giờ chiều một ngày đầu tuần, chúng tôi có mặt ở bến xe Nước Ngầm để bắt đầu cuộc hành trình.
- Chuyến đi khá dài, phải mất hơn 20 giờ đồng hồ nên anh chuẩn bị sẵn tinh thần nhé - Hoàng Văn Q., người kết nối để chúng tôi tham gia chuyến đi nhắc tôi trước giờ xe lăn bánh.
- Từ đây sang bên ấy nghe bảo chỉ khoảng 800 km, sao chú phải cẩn thận thế? - tôi hỏi.
- Anh chưa biết thôi. Đường đi khó khăn lắm. Nhất là đoạn từ cửa khẩu Cầu Treo để sang thủ đô Viêng Chăn. Địa hình đồi núi quanh co, khúc khuỷu. Ai không đi quen, sức khỏe yếu sẽ rất mệt - Q. đáp.
Quả đúng vậy. Chiếc xe khách chở chúng tôi đi hết vòng cua này tới vòng cua khác. Lúc lên dốc, lúc đổ đèo khiến anh em trong đoàn không thể nằm yên. Đến gần 17 giờ hôm sau, chúng tôi mới có mặt tại một bến xe ở Thủ đô Viêng Chăn. Ai cũng mệt mỏi vì hành trình dài và không ăn được gì nhiều. Sau khi nhận đủ hành lý, Q. nhanh chóng liên hệ với một người tên Tuấn để đón chúng tôi về điểm tập kết.
- Nếu ai hỏi, anh cứ nói là tranh thủ ngày nghỉ để đi chơi nhé. Đừng nói nhiều, không phức tạp lắm - trước khi lên đường, Q. nói nhỏ với tôi.
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là một nhà xưởng do người Hải Dương làm chủ tại vùng Ban Keun cách Thủ đô Viêng Chăn gần 80 km. Đường dễ đi hơn nhiều nhưng thời tiết nắng nóng gần 40 độ C làm mọi người đều uể oải. Có thể do mới gặp người lạ hoặc cảnh giác nên Tuấn khá kiệm lời. Cả chuyến đi kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, Tuấn chỉ hỏi han dăm ba câu rồi chốt lại: “Anh mới sang đây, chưa hiểu hết phong tục thì có gì phải hỏi nhé. Đừng tự ý làm gì nhỡ có chuyện không hay thì rất khó giải quyết đấy”. Đầu cạo trọc lốc, để râu rậm, đôi mắt lúc nào cũng gườm gườm của Tuấn khiến tôi hơi e ngại.
Vì lợi nhuận, một số chủ xe đã ngụy trang để chở gỗ lậu từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Khi trời đã tối mịt, xe đưa chúng tôi dừng chân tại một nhà xưởng một tầng được ốp mái tôn, lưng giáp sườn núi. Trước mặt xưởng là con đường đất ngoằn ngoèo. Xung quanh, dân cư thưa thớt, không gian vắng lặng, im ắng đến rùng mình. Cả khu xưởng chỉ có 5 anh em đều là người Việt Nam, trong đó có 3 người Hải Dương. Chỗ ăn, nghỉ là một dãy nhà gỗ đơn giản ngay bên cạnh. Phía trong xưởng ngổn ngang gỗ với đủ kích cỡ, chủng loại. Từ những thân gỗ tròn đường kính hơn 1 m, dài 4-5 m đến những tấm gỗ thanh mới được xẻ từ chiều. Sau khi tắm giặt xong, Tuấn đưa chúng tôi xuống gian bếp dùng bữa tối rồi đi nghỉ sớm sau một hành trình dài mệt mỏi.
Lách kiểm tra
Hôm sau, chúng tôi bị đánh thức từ rất sớm khi chiếc xe ô tô khách 16 chỗ mang biển hiệu của Lào đến. Q. nói nhỏ cho tôi biết đây là xe chở khách của người dân địa phương đến nhận gỗ đã xẻ chuyển đi nơi khác để đóng đồ hoặc tiêu thụ. Nhắc chúng tôi cứ nghỉ ngơi, Tuấn hô hào anh em trong xưởng nhanh tay chuyển đồ. Sau chưa đầy 30phút, chiếc xe chở gỗ ì ạch lăn bánh trên con đường đất nhỏ. Phía sau, khói bụi bay mù mịt.
Hôm nay là ngày đầu tiên ở đất nước xa lạ, Q. được cho nghỉ để đưa tôi đi thăm thú xung quanh. Còn tất cả những người khác vẫn làm việc bình thường. Đưa tôi dạo quanh khu vực chân núi, Q. chia sẻ: “Xưởng này có mặt ở đây cũng nhiều năm rồi. Hầu như năm nào em cũng sang bên này hỗ trợ anh em 3-4 lần khi công việc ở nhà rảnh. Những người khác có khi cả năm mới về nước một lần. Công việc bên này vất vả lắm, ít khi được ra ngoài chơi nhưng bù lại thu nhập cũng khá hơn ở nhà. Mọi chi tiêu ăn uống, nghỉ ngơi có chủ lo. Mỗi tháng, trừ sinh hoạt cá nhân, mỗi người cũng giữ được trên dưới 20 triệu đồng để gửi về nhà”.
Là người có thời gian dài làm việc bên này nên Q. khá hiểu về những mảng ngầm trong nghề gỗ. Cũng theo lời Q., Tuấn chỉ là người quản lý chứ không phải chủ. Chủ của xưởng cũng quê ở Hải Dương nhưng thường xuyên xuống các tỉnh phía Nam giáp với biên giới Việt-Lào để thu mua gỗ, quan hệ với đối tác và móc nối để chuyển gỗ về Việt Nam. Gỗ chủ yếu được tập kết tại khu vực rừng già giáp biên giới, trong khu nhà dân nằm sâu trong rừng. Một số ít mới chuyển về các xưởng nằm ở nhiều địa điểm trải dài trên đất nước Vạn Tượng, trong đó có Ban Kuen.
Trước năm 2016, khi Chính phủ Lào chưa thắt chặt quản lý khai thác gỗ, những ông chủ người Việt Nam, trong đó có người Hải Dương sang đây làm ăn khá đông kéo theo một lực lượng lao động lớn. Khi ấy, việc buôn lậu gỗ rất dễ. Các chủ gỗ kết nối với người dân địa phương, cánh lái xe để “làm luật” là có thể chuyển gỗ từ Lào về Việt Nam. Có một cách khác là vận chuyển theo đường rừng để tránh tai mắt của lực lượng chức năng. Đây là thời hoàng kim của buôn lậu gỗ.
Những nơi tập kết gỗ lậu gần biên giới Lào - Việt Nam thường khó phát hiện do có rừng rậm bao phủ
Từ năm 2016 đến nay, việc buôn lậu gỗ gặp nhiều khó khăn hơn nhưng họ vẫn có những cách riêng để làm vì lợi nhuận của việc này rất lớn. Nhu cầu thị trường nhiều nhất hiện nay là gỗ hương và gỗ trắc. Nếu vận chuyển trót lọt về Việt Nam, lợi nhuận của một khối gỗ như vậy có thể trên 10 lần giá gốc. Chính vì vậy, dù khó vận chuyển nhưng các chủ gỗ vẫn có nhiều cách để thực hiện.
Một số người chuyên làm gỗ ở Lào cho biết hiện nay, việc vận chuyển số lượng gỗ lớn qua biên giới rất khó khăn do hải quan của cả 2 nước đều siết chặt quản lý. Nhưng việc chia hàng nhỏ lẻ vẫn có thể thực hiện được. Việc này được thực hiện thông qua những chuyến xe khách đường dài, hoặc ngụy trang trên các chuyến xe chở phế liệu, chất thải, hàng hóa… để đi qua cửa khẩu. Anh Nguyễn Văn T., quê ở huyện Bình Giang làm gỗ lâu năm bên Lào bật mí: “Với đơn hàng nhỏ, gỗ được xẻ thành tấm vừa hoặc dạng thanh sau đó chuyển cho các nhà xe để họ tự bố trí. Phí trọn gói của mỗi chuyến hàng khoảng 50 triệu đồng. Còn nếu vận chuyển với khối lượng lớn hơn, chủ hàng sẽ móc nối với các lái xe hàng để ngụy trang qua cửa khẩu. Số phí cho cách này sẽ cao hơn nhiều. Mặc dù biết nguy hiểm nhưng vì lợi nhuận nên họ vẫn sẵn sàng nhận hàng và lựa chọn thời điểm thuận tiện để tuồn gỗ về Việt Nam”.
Một trong những nguyên tắc làm ăn của giới buôn gỗ là luôn kín miệng. Môi trường công việc cạnh tranh và nguy hiểm nên không phải ai cũng biết được ngón nghề trong việc vận chuyển gỗ lậu. Chỉ có những người thật thân tín mới được giao để liên hệ công việc này. Bên cạnh đó, chỉ cần để lọt thông tin sẽ bị đối thủ cạnh tranh chơi bẩn bất kỳ lúc nào. Vì vậy, khi hỏi về con đường khác để vận chuyển gỗ thì T. chỉ mập mờ: “Có cách khác để chuyển gỗ về Việt Nam với khối lượng lớn. Đó là làm giả giấy tờ với một số công ty được Nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện với phi vụ lớn và chủ gỗ trực tiếp làm việc”.
Cũng theo chia sẻ của một số người đang buôn gỗ bên Lào, sau khi Lào thắt chặt quản lý việc mua bán gỗ, vẫn còn tồn số lượng lớn gỗ trong rừng đã khai thác. Họ đang tìm cách để vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, họ luôn thận trọng mỗi khi hành động vì trong thời gian qua đã có nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu bị phát hiện và xử lý. Ví dụ như ngày 10.9.2018, lực lượng Bộ đội Biên phòng tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị) đã phát hiện và bắt giữ 2 xe chở phế liệu có cất giấu hơn 1.000 thanh, phách và 15 m3 gỗ hương, gỗ cẩm từ Lào về Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 22.3.2019, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã bắt giữ vụ vận chuyển hơn 14 m3 gỗ lậu trên 3 chiếc xe tải từ Lào về Việt Nam...
QUỲNH VY