Ký ức vẻ vang
Xã hội - Ngày đăng : 09:36, 28/04/2019
Ông kể trong bữa cơm, lúc sáng sớm, khi nửa đêm thắp hương lên bàn thờ bà. Ông kể không cần biết có ai đang lắng nghe mình không, kể chỉ như cách giãi bày của một người già cô đơn, lạc lõng trong thực tại. Những chương trình ti vi toàn game show dành cho giới trẻ, nhàm chán, cãi vã, tranh nhau nói cười ầm ĩ làm ông chẳng hiểu gì. Phim ảnh bây giờ toàn chiếu của nước ngoài, phim Việt trẻ thì yêu đương nhố nhăng ông đâu thể thích. Nếu ông có bật chương trình thế giới động vật, hoặc tìm hiểu về văn hóa Việt thì thể nào con cháu cũng chuyển kênh. Con trai, con dâu thì bận chuyện buôn bán làm ăn đầu óc toàn số má, cũng vì mưu sinh đâu thể trách. Các cháu đứa nào cũng iPhone, iPad nghe nhạc đập uỳnh uỳnh, thần tượng mấy anh chàng ca sĩ nước ngoài hát hò ầm ĩ. Thế hệ của ông hồi bằng tuổi các cháu bây giờ đã hừng hực khí thế ra mặt trận, không nghĩ đến bản thân mà gánh vác trách nhiệm với giang sơn, đất nước, đồng bào. Nhưng ông cũng hiểu được mỗi thời mỗi khác. Chỉ là xót xa khi thấy thế hệ trẻ bây giờ tự soi mình vào những giá trị méo mó và có phần bàng quan trước thời cuộc đất nước. Giống như cách chúng không thích môn lịch sử trong trường học. Chúng coi những ký ức của ông chỉ là câu chuyện của một người già lẩn thẩn.
Đã có lần anh Hoàng nghe con trai kêu ca:
- Ông hay đãng trí. Có khi quên uống thuốc đúng giờ, quên đóng cửa nhà khi ra ngoài, quên tắt nước trong nhà vệ sinh. Ấy vậy mà chuyện ngày xưa sao ông nhớ dai thế không biết. Nhớ đến từng trận đánh, bao nhiêu người hy sinh, đồng đội ngã xuống ở chỗ nào, chôn tạm ở khoảng rừng nào. Chẳng biết ông nhớ những thứ đó làm gì bố nhỉ? Chiến tranh qua lâu rồi.
- Đó là cả tuổi trẻ của ông con ạ.
- Ai mà chẳng có tuổi trẻ. Chiến tranh bom đạn thì có tốt đẹp gì để nhớ đâu bố.
- Tuổi trẻ của ông khác với các con bây giờ. Đó là những ký ức vẻ vang làm nên lịch sử. Không có những người lính như ông thì làm sao có ngày hôm nay để các con được sống trong hòa bình, được cắp sách đến trường và hưởng bao điều tốt đẹp. Các con nói những lời như thế sẽ khiến ông buồn đấy.
Đối với anh Hoàng, bố giống như một ngọn đèn không bao giờ tắt, bền bỉ cháy những giá trị tốt đẹp, làm gương để con cháu noi theo. Những khi chớm lầm đường lạc lối, anh Hoàng lại nhìn vào cuộc đời của bố để sống có ý nghĩa hơn. Anh Hoàng không dám làm điều gì sai trái với lương tâm nghề nghiệp, đạo đức xã hội để bố phải phiền lòng. Một phần cơ thể bố còn để lại chiến trường. Đồng đội của bố biết bao người nằm xuống còn chưa tìm thấy dù là một nắm xương. Đúng là chiến tranh đã kết thúc lâu rồi nhưng lịch sử vẫn mãi mãi còn đó. Anh thấy buồn khi các con không hiểu được những giá trị mà thế hệ cha ông phải đánh đổi bằng máu và tuổi trẻ để giữ gìn. Vợ chồng anh Hoàng thì bận rộn tối ngày. Đã vài lần anh Hoàng nói với các con chăm chuyện trò cùng ông cho tuổi già đỡ quạnh. Nhưng thế giới ngoài kia có biết bao điều lôi cuốn chúng…
Ông ốm đã mấy ngày nay. Các cháu không còn thấy ông hoạt bát nói cười kể chuyện như mọi khi. Đôi mắt ông buồn, mờ ảo nhìn vào khoảng nắng ngoài cửa sổ. Thỉnh thoảng môi ông mấp máy như đang gọi ai đó hoặc là đang muốn nói điều gì. Ông gầy xọp đi dù chẳng có bệnh tật gì, chỉ có vết thương ở chân là lên cơn tấy nhức. Con cháu vây quanh, hỏi gì ông cũng chỉ lắc đầu. Chỉ đến khi Hội Cựu chiến binh đến chơi, hào hứng kể chuyện chiến đấu năm xưa thì mắt ông sáng lên, khuôn mặt bỗng tươi tỉnh lại. Lúc mọi người về hết anh Hoàng thấy con trai lại gần ông thủ thỉ: “Ông khỏe nhanh ông nhé. Để còn kể cho chúng cháu nghe về ký ức vẻ vang của một thời oanh liệt chiến trường”. Trên ti vi đang phát lại bộ phim tài liệu “Mùa xuân toàn thắng”. Khi tiếng nhạc chiến thắng vang lên anh Hoàng thấy bố khẽ mỉm cười…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG