Vào Đoàn rồi ra trận

Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 30/04/2019

Một trong những động lực để thanh niên bừng bừng khí thế lên đường tiếp sức cho miền Nam, bảo vệ Tổ quốc là được đứng trong hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ông Trần Minh Huấn kể cho các cháu nghe những kỷ niệm về một thời thanh xuân chiến đấu gian khổ để bảo vệ Tổ quốc 

Đó là nơi nuôi dưỡng tinh thần, bản lĩnh và ý chí kiên cường cho thanh niên. 

Niềm tự hào của tuổi trẻ

"Tôi luôn phấn đấu, khát khao, mong chờ từng ngày để được đứng trong hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ngày có ý nghĩa đặc biệt đó đã đến với tôi", bà Vũ Thị Thành ở phố Nhữ Đình Hiền (TP Hải Dương) bồi hồi kể lại.

Ở tuổi 70, giọng bà Thành vẫn còn đầy khí thế khi nói về câu chuyện từ hơn 50 năm trước. Ngày đó bà còn ở thôn Nhuận Đông, xã Bình Minh (Bình Giang). Tối 28.6.1968 khi được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bà 18 tuổi. Với bà đó không chỉ là niềm vui mừng, hãnh diện của bản thân mà còn là niềm tự hào của cả gia đình. Vì thời điểm đó gia đình bà chưa có ai được kết nạp vào Đoàn. Tối hôm đó có cả lãnh đạo địa phương và Bí thư Huyện đoàn về dự, tận tay trao Huy hiệu Đoàn cho bà. Bà Thành được kết nạp Đoàn do có thành tích học tập tốt, tham gia tích cực, nổi trội trong các chiến dịch như nuôi bèo hoa dâu làm phân bón; gánh bùn khắc phục đồng chua nước mặn... Được kết nạp Đoàn là mốc thời gian đáng nhớ với bà.

Ông Trần Minh Huấn (72 tuổi, ở thị trấn Phú Thái, Kim Thành) cũng không quên ngày ông đứng vào hàng ngũ của Đoàn. Năm 1964, ông được kết nạp vào Đoàn lúc 17 tuổi. Ngày đó, cả trường chỉ chọn 3 người để kết nạp. Trong lễ kết nạp trang nghiêm, có thầy hiệu trưởng, nhiều thầy, cô giáo đến dự và đông đủ các bạn. "Lúc đó trong tâm trí tôi tràn ngập hoài bão, lý tưởng, tự hứa với tổ chức và bản thân sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao", ông Huấn xúc động nhớ lại. Theo ông Huấn, Đoàn xem xét những người kết nạp phải có bản lĩnh vững vàng và đạt nhiều thành tích xuất sắc về nhiều mặt. Quá trình xem xét để kết nạp kỹ lưỡng, có thử thách lâu dài.

Xung phong vì Tổ quốc

Sau khi được kết nạp Đoàn không lâu, mùa xuân năm 1972, bà Thành tình nguyện đi thanh niên xung phong mở đường, lấp hố bom ở Quảng Trị để cho những đoàn xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí từ Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày đó, bà Thành cùng hơn 600 thanh niên xung phong trong tỉnh vào khu vực đường Hồ Chí Minh để làm đường giao thông. Với suy nghĩ: "Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc", họ dồn nhiệt tình, sức lực vào công việc lấp hố bom, sửa đường. Bà Thành nhớ mãi về những khoảnh khắc chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống vì trong lúc làm đường vướng bom mìn, bị chất độc hóa học. "Cái chết cận kề trong gang tấc. Ngày hôm nay sống thì cố gắng, dốc sức làm nhiệm vụ, còn ngày mai không thể nghĩ đến", bà Thành khẽ lau giọt nước mắt nhớ lại.

Tôi luôn phấn đấu, khát khao, mong chờ từng ngày để được đứng trong hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ngày có ý nghĩa đặc biệt đó đã đến với tôi.

Đến năm 1975, đất nước thống nhất cũng là lúc bà hoàn thành nhiệm vụ. Bà Thành là một trong 10 thanh niên xuất sắc được cử đi học chuyên môn. Bà chọn nghề giáo viên. Trong suốt quá trình công tác, bà luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ban đầu bà làm hiệu trưởng một trường mầm non ở Chí Linh, đến năm 1982, về công tác tại Trường Mầm non Bình Minh (TP Hải Dương). Năm 2005, bà Thành về hưu nhưng vẫn tham gia công tác Hội Cựu thanh niên xung phong ở phường Tân Bình. Điều bà mong mỏi nhất là các cấp, các ngành quan tâm để những cựu thanh niên xung phong, nhất là nữ cựu thanh niên xung phong không bị thiệt thòi. "Cùng đi với tôi vào chiến trường năm đó, có nhiều người đã hy sinh, nhiều người không chồng, không con, không nơi nương tựa, hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi may mắn còn sống, vì thế luôn cố gắng hết mình giúp đỡ hội viên, đồng đội làm hồ sơ để được hưởng chế độ", bà Thành nói.

Sau khi được kết nạp Đoàn trên ghế nhà trường, ông Huấn được Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu) về chọn đưa đi học lái xe. Ngày đó, ông Huấn là học sinh xuất sắc của trường, đặc biệt giỏi các môn địa lý, lịch sử. Sau khi học xong, năm 1967, ông được phân công vào Đoàn 559. Ông lái xe vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam, ngày đêm đối mặt với bom đạn, nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh. Những hình ảnh khốc liệt đó chưa lúc nào phai mờ trong trí nhớ của ông. "Những năm tháng ấy, dù trên từng đoạn đường đi, bom mìn, cái chết chờ sẵn nhưng ai cũng rạo rực khí thế góp sức trẻ của mình cho Tổ quốc", ông Huấn nhớ lại. Sau năm 1975, ông Huấn được cử đi học tại Trường Sĩ quan hậu cần (nay là Học viện Hậu cần), rồi về công tác ở một số đơn vị bộ đội. Đến năm 1986, ông về hưu và tham gia các phong trào tại địa phương.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều thanh niên Việt Nam thời đó theo tiếng gọi của Đảng, Đoàn, Tổ quốc ra trận. Sự kiên cường, bất khuất của lớp thanh niên từng cống hiến cả thanh xuân cho đất nước ngày đó mãi là biểu tượng đẹp của thanh niên Việt Nam.

MINH NGUYỆT