Nêu gương vì miền Nam ruột thịt

Chính trị - Ngày đăng : 13:28, 30/04/2019

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với vai trò hậu phương lớn, các lớp cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã dấy lên tinh thần nêu gương tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Nữ quân nhân Nguyễn Thị Lào và bức chân dung chụp năm 1971 trước khi vào chiến trường

Hừng hực khí thế

Ông Đinh Văn Kế (91 tuổi) ở thôn Hoàng Xá, xã Nam Chính (Nam Sách) nhớ lại: "Năm 1960, tôi làm Bí thư Đảng ủy xã. Hồi ấy, cán bộ, đảng viên, người dân Nam Chính đều một lòng hướng về miền Nam. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mỗi cán bộ, đảng viên đều hăng hái lao động, sản xuất, đi đầu thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Công tác giao nộp sản phẩm của xã thường xuyên hoàn thành sớm".

Khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn khốc liệt, công tác tuyển quân càng được coi trọng. Những đợt học tập chính trị lớn, sâu rộng được tổ chức trong các đoàn thể và quần chúng nhân dân như học tập gương chiến đấu của các anh hùng liệt sĩ ngoài mặt trận, học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… tạo nên khí thế cách mạng sôi nổi chưa từng thấy. Thời kỳ đó, Đảng ủy xã Nam Chính chủ trương mỗi cán bộ, đảng viên làm gương vận động người thân lên đường chiến đấu. Nhiều người thân là con em các cán bộ, đảng viên trong xã đã xung phong nhập ngũ. Một số cán bộ trẻ đang tham gia công tác cũng xung phong tòng quân như Bí thư Chi đoàn thôn Hoàng Xá Vương Đình Xuyên là con gia đình công giáo, sau ông đã hy sinh nơi chiến trường. Là Bí thư Đảng bộ xã, bản thân ông Kế cũng vận động người thân lên đường nhập ngũ, tái ngũ. Nhiều người trở thành những sĩ quan phục vụ lâu dài trong quân đội. Người con trai đã nhập học ngành công an cũng được ông gọi về quê nhập ngũ. Ông bảo: "Mình là cán bộ đứng đầu một xã. Bản thân không gương mẫu đi đầu trong các phong trào thì ai theo, ai tin”. 

Cựu quân nhân Đinh Quang Hoạch, con trai ông Đinh Văn Kế kể: “Cuối học kỳ 2 năm lớp 10, một số bạn bè cùng lớp với tôi ở xã Nam Hưng đã xung phong lên đường nhập ngũ. Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp phổ thông thì có giấy gọi vào ngành công an. Nhập học chưa được bao lâu thì gia đình gọi về. Lúc về, bố tôi bảo: Giờ cả nước đều hướng về miền Nam, bố muốn con thay mặt gia đình thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc”. Theo lời cha, tháng 8.1970, ông Hoạch lên đường tòng quân rồi vào chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh cho đến năm 1976 ra quân về công tác tại Tòa án Nhân dân tỉnh.  

Cộng thêm tuổi để được lên đường

Ai cũng biết chiến trường là nơi hòn tên, mũi đạn song vì miền Nam ruột thịt, những cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội thời bấy giờ cũng sẵn sàng nhận thiệt thòi, hy sinh, thậm chí động viên cả con gái chân yếu tay mềm của mình lên đường nhập ngũ. Bà Nguyễn Thị Lào (sinh năm 1954), hiện đang ở khu dân cư số 4, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) là một trong những nữ quân nhân xung phong lên đường từ sự động viên của mẹ. Lấy cho chúng tôi xem bức ảnh chân dung chụp năm 1971 trước khi vào chiến trường với bộ quân phục rắn rỏi, bà Lào bồi hồi nhớ lại: "Những năm kháng chiến chống Mỹ, việc tuyển quân chi viện cho chiến trường miền Nam trở thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi miền quê". 

Năm 1971, cô gái Nguyễn Thị Lào mới 17 tuổi, đang sinh hoạt tại Chi đội Thiếu niên của thôn An Liệt, xã Thanh Hải (Thanh Hà). Hằng ngày, trong các buổi sinh hoạt, các đội viên được nghe những câu chuyện chiến đấu nên lúc nào cũng sục sôi hướng về miền Nam. Học hết lớp 7, bà Lào nghỉ học làm việc đồng áng giúp gia đình. Mẹ bà là đảng viên, cán bộ tham gia công tác từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc đó là Hội trưởng Phụ nữ xã. "Một hôm, mẹ về bảo tôi: Giờ cả nước đang hướng về miền Nam, động viên cả nữ giới nữa. Mẹ là cán bộ nên muốn gia đình ta gương mẫu. Con muốn đi bộ đội không, mẹ cho phép. Nghe mẹ nói tôi sung sướng đồng ý ngay bởi được ra tiền tuyến là mơ ước lớn nhất. Đợt khám tuyển đó, vì đang sinh hoạt ở đội thiếu niên, lại nhỏ con, tôi khai mình sinh năm 1952. Không ngờ lần đó cả xã Thanh Hải chỉ có tôi và một chị ở làng Thừa Liệt trúng tuyển. Khỏi phải nói tôi sung sướng đến mức nào". 

Ngày nhập ngũ, bà Lào cùng các nữ tân binh được bà con hàng xóm láng giềng đến tiễn đưa rất đông. Sau này, chị bà mới kể lúc con gái đi rồi, hằng tuần liền bố mẹ ở nhà âm thầm lau nước mắt vì thương con gái ra nơi chiến trường hòn tên mũi đạn. Sau khi nhập ngũ, bà Lào vinh dự trở thành quân nhân của Đại đội nữ Hoàng Ngân1, đại đội nữ đầu tiên được thành lập năm 1971 tại Trường Quân sự Kẻ Sặt. Sau nửa năm huấn luyện, cô tân binh vào chiến trường, được phân về đại đội thông tin của Binh trạm 27 đóng ở Khe Sanh (Quảng Trị). 

Dốc lòng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, Hải Dương đã làm tròn bổn phận hậu phương lớn, góp phần sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975.

NGUYÊN DÃ