Nhà máy thông minh ở An Phát
Kinh tế - Ngày đăng : 12:02, 01/05/2019
Rô bốt vận chuyển thay thế từ 3-5 lao động với độ chính xác cao
Không chỉ đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, Tập đoàn An Phát Holdings còn hướng đến xây dựng các nhà máy thông minh ở khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát và cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) để bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Rô bốt thay thế con người
Nhà máy số 6 của Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (công ty thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings) ở cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) ngày càng ít công nhân. Những rô bốt vận tải và dây chuyền sản xuất hiện đại đang dần thay thế con người. Anh Phạm Văn Hải, công nhân ở đây cho biết: “Rô bốt vận tải có thể thay thế được vài ba công nhân vận chuyển sản phẩm từ nhà máy này đến nhà máy khác đều đặn, an toàn và chính xác. Rô bốt có thể làm việc cần mẫn thông trưa mà chẳng đòi hỏi phải tính tiền chuyên cần hay tăng ca”. Cuối năm 2018, Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát chính thức đưa 8 rô bốt vận tải vào sử dụng. Mỗi rô bốt vận tải có thể thay thế từ 2-3 công nhân vận hành và không cần nghỉ ngơi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và điều hành sản xuất hiệu quả.
Để bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà máy của An Phát đều chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất để giảm chi phí sản xuất, bảo đảm tối đa lợi nhuận cho công ty. Đến nay, tỷ lệ tự động hóa của các nhà máy thuộc tập đoàn đã lên đến 60-70%. Một số nhà máy như An Trung, An Cường, tỷ lệ tự động còn lên đến 90%. Ông Mẫn Chí Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP An Trung cho biết: “Để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện cho Tập đoàn Samsung, công ty đã đầu tư hơn 900 tỷ đồng để mua 42 dây chuyền, thiết bị sản xuất hoàn toàn tự động. Những chiếc máy này hoàn toàn có thể tự sản xuất một chiếc vỏ điện thoại mà không cần có sự tham gia của con người”. Một số khu vực sản xuất của nhà máy An Trung hiện không còn bóng dáng của công nhân. Toàn bộ các máy đều được kết nối với trung tâm điều hành và chỉ cần một kỹ sư là có thể giám sát toàn bộ quy trình sản xuất qua internet. Trong bối cảnh tuyển dụng lao động ngày càng khó khăn, việc ứng dụng các phần mềm hay thiết bị máy móc tự động có thể giải được bài toán khó này cho nhà máy của An Trung.
Cần những công nhân thông minh
Sản xuất thông minh được nhận định là xu hướng tất yếu của các nhà máy trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Máy móc được kết nối với internet để tạo nên một quy trình sản xuất khép kín, từ đó vận hành tự động và hiệu quả. Đại diện lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings cho biết tập đoàn đang hướng tới mô hình nhà xưởng tự hành. “Song dù có hiện đại đến đâu thì máy móc cũng không thể thay thế hoàn toàn con người. Chúng tôi rất cần những công nhân thông minh. Bởi các nhà máy thông minh chỉ có thể phát huy được hiệu quả khi máy móc phải trở thành cộng sự ăn ý với con người”.
Thời gian qua, Tập đoàn An Phát Holdings đặc biệt chú trọng đến việc thu hút và giữ lao động giỏi, có khả năng tiếp cận với những thay đổi của công nghệ. 3 năm liên tiếp, An Phát là doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao nhất cho người lao động tại Hải Dương. Công ty thường xuyên tặng ô tô, xe máy cho những lao động có kết quả làm việc xuất sắc. Dịp Tết năm 2019, doanh nghiệp đã mua 45 ô tô và 20 xe máy điện Vinfast để thưởng cho người lao động tiêu biểu. Những công nhân, cán bộ kỹ thuật có khả năng vận hành và quản lý hệ thống máy móc tốt đều được cho đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài. Doanh nghiệp cũng liên tục mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy thông minh và vận hành hệ thống dây chuyền hiện đại đến các nhà máy của An Phát cài đặt hệ thống và hỗ trợ người lao động vận hành.
Không chỉ tại các phân xưởng sản xuất, ở các bộ phận khác như hành chính-nhân sự, kinh doanh, việc sử dụng internet cũng rất hiệu quả. Toàn bộ giao dịch với khách hàng được thực hiện trên mạng, việc quản lý nhân viên, tính lương, bảng biểu cũng được thiết lập bởi hệ thống phần mềm hiện đại. Nếu như trước kia, mỗi ngày quản lý đều phải đến từng dây chuyền để kiểm tra, ghi chép thông số vào sổ, sau đó lại mất công nhập lại dữ liệu vào máy tính thì hiện nay mọi chỉ số đều được cập nhật và lưu trữ, phân tích tự động trên máy tính.
Ở các nhà máy của An Phát, không chỉ kỹ sư, nhà quản lý dần dần được rảnh tay với giấy tờ và tổng hợp, phân tích một khối lượng dữ liệu khổng lồ, mà công nhân cũng được giải phóng bởi những công việc nặng nhọc hoặc đòi hỏi tính chính xác cao. Điển hình như khâu cắt và tạo hèm khóa của sản phẩm sàn nhựa ở Công ty CP An Cường được tự động hóa gần như hoàn toàn bởi khâu này cần độ chính xác rất cao.
“Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta nói rất nhiều về tự động hóa làm cho con người mất việc, thế nhưng tại An Phát, việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường, thậm chí còn tạo ra nhiều việc làm hơn. Bởi lẽ, ngoài phát triển những sản phẩm hiện có, An Phát còn đang hướng tới xây dựng chuỗi nhà máy cung ứng sản phẩm nhựa sinh học, xanh, thân thiện với môi trường và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Để sớm đạt mục tiêu này, An Phát đang hằng ngày nỗ lực xây dựng hệ thống các nhà máy hiện đại, đủ năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, đại diện lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings khẳng định.
HẢI MINH
Đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát diễn ra ngày 16.4 đã thông qua phương án cho Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 51%. Đồng thời đổi tên Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát thành Công ty CP Nhựa An Phát xanh; hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát và hướng đến xây dựng các nhà máy hiện đại, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát, một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Tập đoàn An Phát Holdings phấn đấu đạt doanh thu năm 2019 hơn 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng. |