Thủ tướng gặp gỡ công nhân kỹ thuật bậc cao: Tận dụng nguồn chất xám

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:33, 03/05/2019

Ngày 5.5, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân kỹ thuật bậc cao của 16 ngành.

Đây là cuộc gặp mang ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở đề xuất Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân bậc cao.

Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển lao động kỹ thuật cao, tận dụng có hiệu quả nguồn nhân lực kỹ thuật từ nước ngoài về để xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao cho kỷ nguyên 4.0.

Đó là đề xuất của các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế về lao động trước thềm sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này.

Định hướng nghề nghiệp cho lớp trẻ

Nhận định về nguồn nhân lực trẻ hiện nay, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai - một doanh nghiệp (DN) chuyên về đào tạo và phái cử lao động Việt Nam sang Nhật Bản - cho rằng thanh niên Việt Nam có tố chất tốt, năng lực, tinh thần và sự cố gắng cao. Nếu được định hướng và đầu tư tốt, các bạn trẻ sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước.

Trong quá trình học tập và làm việc tại đất nước mặt trời mọc, ông Sơn nhận ra nền công nghiệp Nhật Bản phát triển lớn mạnh như hôm nay là nhờ hệ thống DN nhỏ và vừa. Các DN này có quy mô khác nhau về nhân lực nhưng đều chuyên môn hóa rất cao. Họ sở hữu máy móc, quy trình công nghệ chuyên nghiệp, kỹ thuật sản xuất với độ chính xác cao, tạo ra nhiều sản phẩm thuộc hàng tinh xảo. "Với tiềm lực sẵn có, Việt Nam có thể phát triển mạnh về công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ như Nhật Bản. Nhưng điểm yếu của Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, con đường nhanh và thực tế nhất giúp lao động Việt Nam đạt trình độ như người Nhật là đưa họ trực tiếp vào làm việc trong các nhà máy của Nhật Bản để rèn luyện, học tập" - ông Sơn nói.

Điều ông Sơn trăn trở nhất lúc này là việc tận dụng hiệu quả nguồn lao động trở về từ Nhật Bản. Thực tế cho thấy lao động trẻ Việt Nam sau 3 - 5 năm thực tập tại Nhật có thể sản xuất được những chi tiết linh kiện sản phẩm với chất lượng Nhật Bản. Họ làm chủ được máy móc, công nghệ và tạo ra những sản phẩm khiến người Nhật ngạc nhiên. Họ học rất nhanh và cũng rất sáng tạo. Mỗi năm, số lượng thực tập sinh hoàn thành hợp đồng thực tập tại Nhật trở về là rất lớn, lên tới hàng chục ngàn mỗi năm. Đây là lực lượng lao động có tay nghề cao, đa số trong đó là lao động kỹ thuật với kỹ năng nghề chuẩn Nhật Bản sẽ bổ sung rất hiệu quả cho nhân lực ngành này nếu Chính phủ có kế hoạch sử dụng. "Hiện nay, lượng thực tập sinh trở về nước vẫn tự mình tìm việc làm, tự mình khởi nghiệp để kiếm sống. Nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp khi không tìm được việc làm, buộc phải làm nghề khác chuyên môn được học tập tại Nhật, xem như họ phải làm lại từ đầu" - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, sự phí phạm nguồn nhân lực chất lượng cao này là rất đáng tiếc. Do vậy, trước khi có chiến lược phát triển lao động kỹ thuật tay nghề cao, việc sử dụng những lao động kỹ thuật từ nước ngoài trở về cần được đưa vào chính sách nhằm tạo điều kiện tối đa cho nguồn lao động này đóng góp tích cực cho sự phát triển chung.

Thủ tướng gặp gỡ công nhân kỹ thuật bậc cao: Tận dụng nguồn chất xám - Ảnh 1.

Học viên đang được đào tạo tại Esuhai để sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh kỹ năng

Cần có chính sách bài bản

Là chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cũng là người tiên phong trong việc đào tạo, đưa lao động sang Đức học tập và làm việc, ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET) cho biết một nền công nghiệp phát triển chỉ khi lực lượng lao động kỹ thuật chất lượng cao phát triển.

Ông Du nhìn nhận Nhật có được sự phát triển như hiện nay là nhờ một phần chính sách đưa hàng vạn thanh niên sang Đức học tập, thực tập trong các nhà máy sau Thế chiến thứ hai. Hàn Quốc có được sự phát triển rực rỡ như ngày nay cũng phần lớn nhờ vào việc họ lấy chuẩn giáo dục nghề nghiệp của Nhật. Gần hơn là Trung Quốc, họ đang là công xưởng của thế giới, sản xuất hàng hóa cho cả thế giới tiêu dùng là nhờ đội ngũ thực tập kỹ thuật được gửi sang Nhật, Mỹ, châu Âu trước đó. Điều đó khẳng định giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là khối ngành kỹ thuật, là vô cùng quan trọng.

Ông Du cho biết mỗi năm, IET đào tạo và đưa được trên 1.000 lao động trẻ sang Đức và chỉ sau 3 hoặc 5 năm, những lao động này hoàn thành khóa học và trực tiếp làm việc tại Đức, được cấp chứng chỉ nghề có giá trị toàn cầu. Họ chính là những lao động có chuyên môn đẳng cấp quốc tế, sẽ phát huy hết những gì đã học tập được ở Đức vào công việc ở quê nhà, thúc đẩy nền công nghiệp, dịch vụ Việt Nam đi lên nhanh hơn. "Tôi nghĩ việc tận dụng nguồn lao động từ nước ngoài trở về rất quan trọng trong việc thúc đẩy khối ngành kỹ thuật cao trong nước phát triển. Nếu có một chính sách bài bản, cụ thể thì việc sử dụng nguồn lực này sẽ là đòn bẩy để kéo nguồn lao động trong nước nâng cao tay nghề. Chẳng hạn, việc tận dụng những kỹ sư, lao động kỹ thuật tại các nhà máy sản xuất ô tô từ Đức về đưa vào các dự án sản xuất ô tô, các công ty phụ trợ ngành ô tô sẽ giúp lao động trong nước học tập được các kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp kiểu Đức, từ đó giúp nâng cao năng suất lao động, nâng cao tay nghề, hoàn thiện kỹ thuật..." - ông Du phân tích. 

Kỳ vọng giải pháp đột phá

Trong chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và công nhân (CN) kỹ thuật bậc cao, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ có những đề xuất để Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách tạo động lực, hỗ trợ xây dựng và phát triển đội ngũ CN bậc cao trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. "Việc Thủ tướng muốn lắng nghe ý kiến từ CN, lao động kỹ thuật cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc nhìn nhận, đánh giá tầm quan trọng của nguồn lao động này. CN kỹ thuật cao trong kỷ nguyên 4.0 là động lực trong phát triển đất nước, là đích hướng tới của người lao động, bởi trở thành CN kỹ thuật cao sẽ giúp người lao động ổn định việc làm, thu nhập cao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và DN. Chúng tôi kỳ vọng cuộc gặp gỡ này sẽ tạo sự lan tỏa và tạo động lực mới để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển dựa trên khoa học - công nghệ chứ không phải chỉ là tài nguyên, lao động giá rẻ" - ông Du bày tỏ.

Hỗ trợ công nhân nâng cao trình độ

89-phanthanhngan

Công ty TNHH Datalogic có môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định, ban giám đốc luôn tạo điều kiện để CN phát huy sáng kiến, sáng tạo. Điển hình như phong trào "Kaizen - thay đổi để tốt hơn", theo đó, ai đề xuất ý tưởng mới và có tính ứng dụng cao sẽ được công ty khen thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, càng làm việc và tiếp cận công nghệ mới, tôi càng nhận thấy kiến thức của mình còn hạn hẹp, kỹ năng nghề chưa cao, cần phải rèn giũa nhiều. Hiện nay, các DN tự đào tạo là chính, nhà nước chưa có nhiều chính sách hỗ trợ. Do vậy, ngoài nỗ lực của các DN, Chính phủ và các hiệp hội, ngành nghề nên xây dựng chính sách hỗ trợ cho CN bậc cao, chẳng hạn gửi theo học các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc chuyên sâu trong nước và ngoài nước để họ được tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, các DN cùng lĩnh vực, cùng ngành nghề nên tạo điều kiện để CN bậc cao giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Với sự hỗ trợ nói trên, tôi tin CN kỹ thuật cao sẽ tự tin và đầy đủ bản lĩnh, kỹ năng để làm việc, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.

PHAN THANH NGÀNcông nhân Công ty TNHH Datalogic (Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh)

Xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề

89-huynhkimkhoa

Hằng năm, bên cạnh việc đào tạo tại chỗ do cấp quản lý hoặc chuyên gia từ Nhật sang, công ty còn cử rất nhiều kỹ sư và CN sang Nhật học tập nâng cao trình độ. Không chỉ được cập nhật kiến thức và có cơ hội tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại, CN còn được đào tạo kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là cách giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn, tác phong công nghiệp, ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường... Nhờ chính sách đào tạo xuyên suốt, có định hướng mà công ty sở hữu một thế hệ CN có trình độ, có ý thức, tác phong công nghiệp và chỉn chu trong ứng xử.

Xuất phát điểm của đại bộ phận CN còn thấp, kiến thức nghề nghiệp lẫn kỹ năng nghề còn yếu. Trong khi đó, để bắt nhịp với tốc độ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi CN phải có kỹ năng hội nhập, nhất là kỹ năng mềm. Nâng cao chất lượng đội ngũ CN không phải là việc có thể làm trong một thời gian ngắn, trái lại cần có nhiều thời gian cũng như chính sách phù hợp từ Chính phủ, các bộ, ngành và DN. Khó nhưng không có nghĩa là không làm được, nếu chúng ta có quyết tâm và chiến lược phù hợp.

HUỲNH KIM KHOA, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impluse Việt Nam - KCX Linh Trung I, TP Hồ Chí Minh

Chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý

89-han

Từng là thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản, khi trở về, tôi rất may mắn khi được tiếp tục làm công việc mà mình yêu thích ngay trên quê hương. Theo tôi biết, mỗi năm có hàng chục ngàn thực tập sinh làm việc tại Nhật hết hạn về nước và đây là nguồn lao động có kiến thức, trình độ tay nghề cao, cần phải tận dụng. Thế nhưng, không phải ai trong số họ cũng có cơ hội việc làm, thu nhập như mong muốn bởi mức lương các DN Việt Nam đưa ra thường thấp hơn yêu cầu.

Để tận dụng chất xám đội ngũ lao động trình độ cao này, thiết nghĩ Chính phủ, các bộ, ngành và tổ chức công đoàn cần có nhiều chính sách hỗ trợ căn cơ. Chẳng hạn, ngoài xây dựng chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý, Nhà nước cần quan tâm xây dựng các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho đối tượng này. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho các DN chuyển đổi công nghệ lạc hậu lên công nghệ máy móc hiện đại để CN có thể tăng năng suất, tăng thu nhập.

LÊ MINH HẬN, Công ty TNHH Lead Giken Việt Nam

Theo Người lao động