Brexit đang giết chết mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ

Bình luận - Ngày đăng : 18:02, 03/05/2019

Mối quan hệ đối tác của Anh với Mỹ luôn phụ thuộc vào những lợi ích mà nó tạo ra, và mối quan hệ này hiện đang bắt đầu tụt dốc nghiêm trọng.


Tổng thống Mỹ D. Trump và Thủ tướng Anh T. May

Một năm sau chuyến thăm đầu tiên tới Anh, vốn chứng kiến một sự vi phạm quy tắc ngoại giao hoàng gia, một vụ tranh cãi nhỏ với báo chí Anh và một quả khí cầu hình “em bé” Trump đang đóng bỉm, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Vương quốc Anh vào mùa Hè này. Thông báo đưa ra hồi tuần trước đã lập tức làm dấy lên một làn sóng giận dữ từ công chúng Anh, vốn có tới 70% phản đối vị tổng thống này, cũng như từ Quốc hội Anh, hiện đang cấm Tổng thống Trump không được phát biểu tại đây. Tại Mỹ, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn khi Trump ngay hôm sau đã lên Twitter chỉ trích các cơ quan tình báo anh vì do thám ông.

Những rạn nứt trong mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Vương quốc Anh hiện đã rõ ràng. Mặc dù chúng có thể xuất phát từ cá nhân tổng thống, song lại không chỉ dừng lại ở đó. Sự rối loạn trong nội bộ cả hai đất nước và sự xóa bỏ trật tự Anh-Mỹ đã đẩy mối quan hệ song phương cũng như kỷ nguyên mà mối quan hệ này góp phần định hình đi chệch hướng.

Những diễn biến hồi tháng 4 vừa qua càng khiến sự chệch hướng này khó có thể cải thiện. Bắt đầu là một chuyến công du London của Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, và sự can thiệp của bà vào vấn đề Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu-EU) cách đây hai tuần về chủ đề gây tranh cãi nhất: Biên giới Ireland. Một mặt, Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành quy định biên giới này vẫn phải mở. Mặt khác, Brexit lại đòi hỏi có những quy định mới và sự kiểm soát hải quan giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Anh) và một đường biên giới cứng để các quy định này có hiệu lực. Thế nhưng, Pelosi đã phản đối và nhắc lại lời cam kết lớn nhất thời hậu Brexit: “Nếu có bất cứ hành động nào làm suy yếu các thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành, sẽ không có cơ hội nào, không có bất cứ triển vọng nào cho một thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh”.

Trong tuần lễ sau đó, tình hình cũng không mấy cải thiện. Một thông tin mà Hội đồng An ninh Quốc gia Anh rò rỉ với tờ Telegraph đã tiết lộ các kế hoạch hợp tác đầy tranh cãi về các thiết bị công nghệ 5G với hãng Huawei, một công ty công nghệ Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc là ăn cắp thông tin tình báo, và Giám đốc tài chính của công ty này, bà Mạnh Vãn Châu, cũng đang bị Mỹ nỗ lực đẩy vào vòng lao lý. Vấn đề ở đây thậm chí còn nghiêm trọng hơn: Bằng cách cho phép Huawei phát triển các thiết bị công nghệ 5G, Anh đang tự nguyện gây nguy hiểm cho vị thế của mình - đối tác chia sẻ thông tin tình báo thân thiết nhất của Mỹ, và là một thành viên của nhóm Five Eyes. Sau khi xuất hiện thông tin này, Robert Strayer, quan chức ngoại giao phụ trách chiến dịch chống Huawei của Washington, đã chỉ trích Anh vì trao cho Trung Quốc một “khẩu súng đã nạp đạn” và tuyên bố rằng Mỹ sẽ phải “đánh giá lại” mối quan hệ chia sẻ thông tin tình báo với Anh. Ngày 1/5, bà May đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson vì vụ rò rỉ này, tuy nhiên nguyên nhân chính gây ra sự căng thẳng với Washington là kế hoạch hợp tác với Huawei thì vẫn được duy trì.

Hiện nay, trong bối cảnh danh sách các nhà lập pháp Anh dự định tẩy chay chuyến thăm của Trump ngày một dài khi mà những nhân vật quyền lực nhất của đảng Dân chủ tại Washington đe dọa cản trở một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh, và Anh thì đang xoay trục sang Trung Quốc để phục vụ ngành công nghệ chiến lược của mình, thì mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự của Mỹ với Anh chưa bao giờ tồi tệ đến thế. Vậy tại sao nó lại tụt xuống tận mức độ này?

Christopher Coker, giảng viên tại Trường Kinh tế London và là tác giả của cuốn "Twilight of the West" (tạm dịch “Chạng vạng phương Tây”), một trong những cuốn sách nói về chủ đề này, nhận định: “Tôi không thể thấy được Anh đang đóng vai trò gì trong mắt Mỹ. Anh có thể mang lại điều gì lên bàn đàm phán?”.

Trước đây, câu trả lời cho câu hỏi này từng có thời rất rõ ràng: Vào giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai, Anh sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Vào thời Chiến tranh Lạnh, họ tạo ra một sự hiện diện đế quốc trên toàn cầu và sở hữu những mối liên hệ ngoại giao phong phú. Và chỉ ngay sau Chiến tranh Lạnh, họ có kinh nghiệm trong việc xử lý các phong trào nổi dậy mà Mỹ không hề có- và điều này thể hiện rõ trong thành công của Anh tại Malaysia và sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam. Thế nhưng, những điều này không đồng nghĩa với việc mối quan hệ song phương luôn suôn sẻ. Thật vậy, mối quan hệ đặc biệt, thuật ngữ thịnh hành dưới thời cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, con trai của một người mẹ gốc Mỹ, đã dần phai nhạt. Kori Schake, Phó tổng giám đốc Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tác giả của cuốn "Safe Passage: The Transition From British to American Hegemony" (tạm dịch “Chuyến đi An toàn: Sự chuyển đổi quyền bá chủ từ Anh sang Mỹ”), chia sẻ: “Vào mùa Hè năm 1942, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã đưa ra lý lẽ biện hộ cho việc từ bỏ Anh và áp dụng chiến lược “Thái Bình Dương trước tiên”. Không may thay, chỉ có Tổng thống Franklin D. Roosevelt  thúc đẩy mối quan hệ với Anh, nhưng không phải vì họ là bạn”.

Theo Coker, sóng gió trong mối quan hệ Mỹ-Anh và giữa những lãnh đạo của hai nước- điển hình là việc Churchill từ chối đến lễ tang của Roosevelt- đã lên đến đỉnh điểm sau đó một thập kỷ, khi Mỹ soạn ra các quy tắc của trật tự thời hậu chiến còn Anh thì cố bám trụ các thuộc địa của mình. Những mối quan tâm của họ đã nhanh chóng chia rẽ, và vào năm 1956, Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower đã đe dọa khiến Anh phá sản nếu nước này còn nỗ lực tái chiếm Kênh đào Suez. Cho đến tận bây giờ, sau một nửa thế kỷ, cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez vẫn là nỗi nhục nhã lớn nhất trong ký ức của người Anh- và nó luôn được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về Brexit.

Mặc dù vậy, thế kỷ 20 vẫn được coi là thế kỷ của mối quan hệ Anh-Mỹ, bởi bản thân Anh thích gọi như vậy, và rốt cục thì không gì có thể xen vào giữa họ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và hệ thống tự do thời hậu chiến bắt đầu định hình, mối liên minh kín đáo lại càng chặt chẽ hơn. Coker nói: “Chỉ có chúng tôi mới có thể hợp tác với Mỹ trong các cuộc chiến, và mối quan hệ đối tác có ý nghĩa rất quan trọng đối với các vị tổng thống”. Từ cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh đầu tiên cho đến thứ hai, mối quan hệ đặc biệt này vẫn luôn đặc biệt như nó từng thế. Trong những năm đó, Thủ tướng John Major đã điều một sư đoàn thiết giáp đến Chiến tranh Vùng Vịnh và tuân thủ sự chỉ đạo của Tổng thống Mỹ George H.W. Bush. Những người kế nhiệm là Thủ tướng Tony Blair và Tổng thống Bill Clinton cũng từng nắm tay nhau trong cuộc chiến Kosovo. Và không lâu sau đó, Blair cũng đã dũng cảm (hoặc mạo hiểm) sát cánh bên George W. Bush trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Theo TTXVN