Một cuộc hội ngộ
Các em viết - Ngày đăng : 10:30, 05/05/2019
Mấy hôm nay, ông nội tôi cứ đi ra đi vào, lẩm bẩm một mình rồi lại ngồi khoanh tròn trên cái sập giữa phòng khách. Mắt đeo kính lão dày cộp, tay bút, tay giấy, ông ghi ghi chép chép gì đó. Thi thoảng ông lại vỗ đùi, reo lên: “A! Nghĩ ra rồi”. Bà tôi đi qua cứ mủm mỉm cười. Tôi tò mò lại gần ông hỏi:
- Ông có chuyện gì mà vui thế ạ?
Ông lấy tay đẩy gọng kính đang trễ xuống sống mũi, nhìn tôi, cười khà khà:
- Sẽ vui lắm đây. Chả là ngày lễ chiến thắng năm nay, hội đồng ngũ của ông trong huyện sẽ họp mặt ở nhà mình. Ông đang lên kế hoạch tổ chức sao cho long trọng mà ấm cúng. Phải lên thực đơn trước, xem cần chuẩn bị những món gì. Đây, cháu tinh mắt, chữ lại đẹp thì ghi giấy mời hộ ông đi!
- Vâng! Ông để cháu làm cho - tôi hào hứng nói.
Tay tôi nắn nót viết giấy mời. Viết đến họ tên ai là ông thuyết minh về người đó. Ông thuộc lòng lý lịch của từng người. Ai có chiến công gì, bị thương ở đâu, bây giờ cư trú ở xã nào... ông đều kể vanh vách. Lâu lắm rồi tôi mới thấy ông vui như thế, nói nhiều như thế. Bình thường, ông vốn rất ít nói nhưng hễ nhắc đến chuyện chiến đấu ngày xưa là ông kể một thôi một hồi. Bây giờ, sắp được gặp đồng đội cũ, những hồi ức trong ông lại ùa về: “Thật là kỳ tích cháu ạ! Bao máu xương đã đổ xuống để có ngày thống nhất đất nước. Bạn ông người thì cụt chân, người thì bị thương ở đầu, người thì không sinh đẻ được nữa hoặc sinh ra những đứa con dị tật. Ông sống sót, lành lặn trở về cũng là một kỳ tích. Thế hệ các cháu được sống trong hòa bình là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông...”.
Tôi lặng đi nghe ông kể chuyện về ngày chiến thắng. Mắt ông rưng rưng, giọng ông bồi hồi:
- Hôm tới này cháu sẽ được gặp gỡ các ông, các bà ấy. Tha hồ mà nghe kể chuyện chiến trường. Giờ ai cũng già hết rồi, móm mém cả rồi.
Nghe ông nói thế, tôi cũng háo hức chờ mong ngày nghỉ lễ để chứng kiến cuộc hội ngộ của những người thuộc thế hệ ông tôi từng vào sinh ra tử. Bà và mẹ tôi đã đặt thực phẩm đầy đủ để ông tiếp khách chu đáo. Trong thực đơn còn có cả món bánh đúc khiến tôi vô cùng ngạc nhiên bèn thắc mắc:
- Ông ơi! Món bánh đúc dân dã quá!
Ông cười, nhìn tôi trìu mến:
- Không cần sơn hào hải vị đâu cháu ạ! Đồng đội của ông có nhiều người thích món này. Cũng như bọn trẻ các cháu thích trà sữa đấy!
Chẳng mấy chốc mà đã đến ngày hội ngộ của ông cùng các cựu chiến binh. Tiếng nói, tiếng cười vang cả sân nhà. Có ông cụt một chân, phải chống nạng, có ông phải ngồi xe lăn, có ông hỏng hẳn một mắt, có bà đầu rụng sạch tóc phải đội khăn mỏ quạ. Nhưng không ai kêu mệt, không ai than đau. Các ông, các bà đều đã ngoài bảy mươi tuổi, lâu ngày mới được gặp lại nhau nên tay bắt mặt mừng, hồ hởi chuyện trò. Món bánh đúc do bà tôi nấu được khen ngợi...
Trước khi ra về, các ông các bà quyết định chọn ngày lễ chiến thắng để họp mặt hằng năm nhưng mỗi năm sẽ đoàn tụ ở một nhà. “Phải đi thăm lần lượt từng nhà mới được. Vui thì chung mà buồn thì chia sẻ. Thế mới là đồng đội” - ông ngồi xe lăn lên tiếng. Ông tôi và mọi người đều vui vẻ nhất trí.
VŨ THỊ THANH ANH(Lớp 9A, Trường THCS Nam Hồng, Nam Sách)