Bớt nói thành tích, hãy nói yếu kém để khắc phục

Kinh tế - Ngày đăng : 10:58, 06/05/2019

Chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sáng 6.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nói đến hạn chế, yếu kém để tìm giải pháp triển kinh tế cho vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: A LỘC

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo 8 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Trong nhiều năm liền, chúng ta có vùng kinh tế trọng điểm. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI đã đặt ra vấn đề liên kết, phát triển kinh tế vùng trọng điểm để phát triển đất nước nhưng chưa được làm đến nơi đến chốn. 

Riêng vùng kinh tế trọng phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng. Các nhà nghiên cứu đều nhận thấy đây là khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực… 

Đặc biệt, đây cũng là vùng công nghiệp lớn nhất cả nước, là vùng duy nhất hội tụ đủ điều kiện phát triển đất nước. Đây là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực đất nước".

Vì vậy, theo Thủ tướng, tại hội nghị này, các địa phương, hiệp hội, học giả, chuyên gia, nhà đầu tư… cần cho ý kiến để làm sao cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đi đúng hướng và phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành đầu tàu của cả nước.

Cụ thể, nêu những mục tiêu, nguyên nhân yếu kém, vướng mắc để kiến nghị Chính phủ, Trung ương sửa đổi… Đồng thời nêu giải pháp để TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có cơ chế phát triển vùng.

"Bớt nói thành tích mà nói đến yếu kém để khắc phục, để Trung ương nắm được, tháo gỡ, thúc đẩy phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo…", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: A LỘC

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, thu ngân sách vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt khoảng 608.000 tỷ đồng (chiếm 42,6% tổng thu của cả nước). Vùng cũng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Đến tháng 4.2018, trên địa bàn các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư 15.716 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 157,48 tỷ USD. TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về thu hút vốn FDI với 8.382 dự án với tổng vốn đăng ký 45,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều tồn tại khó khăn và thách thức của vùng cũng đặt ra. Cụ thể, tăng trưởng có xu hướng chậm. Hai ngành mũi nhọn là công nghiệp, dịch vụ của vùng tăng trưởng giảm dần so với cả nước… 

Chất lượng nguồn nhân lực đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm trước thách thức của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Vấn đề tăng dân số cơ học cao nhất cả nước cũng gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ngập úng, kẹt xe ở TP Hồ Chí Minh

Theo Tuổi trẻ