Những chiến công vang dội của S20
Tin tức - Ngày đăng : 15:54, 07/05/2019
Chiếc xe tăng của Pháp bị du kích Hải Dương dùng mìn đánh hỏng. Ảnh tư liệu
Trong kháng chiến chống Pháp, Đội "Giao thông chiến" (bí danh S20) của tỉnh Hải Dương đã đánh gần 200 trận mìn lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm xe của địch, góp phần chặn đường tiếp viện của chúng tới chiến trường Điện Biên Phủ.
Làm địch khiếp sợ
Những năm 1952-1953, phong trào đánh Pháp trên các tuyến đường giao thông ở Hải Dương diễn ra mạnh mẽ. Nhận thấy cần thành lập một đơn vị chiến đấu là nòng cốt cho phong trào đánh giao thông địch, ngày 22.12.1952, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Hải Dương đã thành lập Đội “Giao thông chiến” gồm 30 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ bộ đội địa phương các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Bình Giang và Gia Lộc. Đơn vị này có nhiệm vụ đánh địch, vừa dìu dắt dân quân du kích đánh mìn trên các tuyến đường giao thông trong tỉnh.
Qua lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Tân, nguyên đội trưởng đầu tiên của S20 ở thôn Ghẽ, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), khoảng tháng 2.1953, đơn vị nhận nhiệm vụ đánh trận đầu tiên tại đường 20 từ Kẻ Sặt đi Phủ Vạc. Đơn vị đã nghĩ ra cách đánh là làm hố mìn giả để qua mặt lính dò mìn của Pháp. Sau khi địch rút, một chiến sĩ đóng giả người dân đi qua hố mìn giả cho mìn thật vào, nhanh chóng ngụy trang lại. Khoảng 9 giờ sáng, khi chiếc xe Zip có 2 tên sĩ quan Pháp và 1 tên lính đi qua hố, quân ta kích nổ quả mìn làm chiếc xe nổ tan tành, tiêu diệt 3 tên địch. “Sau chiến công đầu tiên trên đường 20, đơn vị được đặt bí danh là S20. Theo thứ tự đây là đội được thành lập sau đơn vị S19 thuộc Ban Tham mưu của Tỉnh đội Hải Dương”, ông Tân nhớ lại.
Ông Tân vẫn nhớ trận đánh cầu Quảng Bí (cầu Bía) trên đường 17 nối thị xã Hải Dương với Ninh Giang đêm 14.5.1953 do ông chỉ huy. Địch thường xuyên cho quân đi theo tuyến đường này càn quét ở các vùng Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc… “Nếu đánh phá được cây cầu này thì chiến công ngang với tiêu diệt được một tiểu đoàn địch”, ông Tân nhắc lại lời vị Chỉ huy trưởng Tỉnh đội khi giao nhiệm vụ cho đơn vị. Nhận nhiệm vụ, ông Tân cùng các chiến sĩ tinh nhuệ nhất của đơn vị đã mất nhiều đêm trinh sát khu vực cầu. Hai đầu cầu đều có lính Pháp canh gác, thường xuyên tuần tra trên cầu và rọi đèn xuống mặt sông. Các chiến sĩ chỉ có cách duy nhất là phải bơi lặn dưới sông, vượt qua hàng rào dây thép gai, tiếp cận các trụ cầu để treo thuốc nổ. “Trước khi nhận nhiệm vụ, các chiến sĩ đều dặn dò kỹ anh em ở bên này sông, khi ngòi nổ đã đặt xong, ngòi điện đã nối với nơi điều khiển, nếu địch phát hiện thì các chiến sĩ sẽ hô xung phong, anh em ở ngoài cứ việc chập ngòi điện cho mìn nổ, họ sẵn sàng hy sinh miễn là tiêu diệt được kẻ địch”, ông Tân kể. Nhưng rất may đêm đó, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Sau khi lực lượng ta rút, mìn phát nổ phá hủy cầu Bía.
Kể từ khi thành lập cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, S20 đã đánh gần 200 trận mìn lớn nhỏ, diệt và phá hủy 145 xe (có 20 xe tăng, xe bọc thép), lật đổ 17 đoàn tàu, tiêu diệt hàng nghìn tên địch. Trong đơn vị có đội phó Nguyễn Huy Trường, sau này là đội trưởng, quê ở huyện Kim Thành được mệnh danh là “vua mìn đường 5”.
Chia lửa cùng Điện Biên Phủ
Với nhiều thành viên của S20, những trận đánh phá hủy đường 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng để phối hợp với quân dân ta tổ chức Chiến dịch Điện Biên Phủ khiến họ tâm đắc nhất vì đã góp một phần nhỏ vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Khi đó, đường 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có vị trí quan trọng đối với địch để vận chuyển đạn dược, lương thực, thuốc men từ cảng Hải Phòng lên Điện Biên Phủ. Bộ đội địa phương Hải Dương nhận nhiệm vụ phải phá hủy cầu đường, gây khó khăn cho địch. Ngày 13.3.1954, ở Điện Biên Phủ quân ta nổ súng mở màn chiến dịch, thì ở Hải Dương, bộ đội ta cũng nổ súng tiến công hàng chục đồn bốt của địch trên đất Kim Thành, Cẩm Giàng. S20 được giao nhiệm vụ dùng mìn đánh chặn quân tiếp viện của địch tại đường 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Lúc này, đội S20 được chia thành 2 đơn vị nhỏ, một làm nhiệm vụ đánh trên các tuyến đường bộ, một thực hiện đánh đường sắt tại khu vực phía bắc Cẩm Giàng, dùng một số loại mìn mới tạo ra như “mìn điện tự động”, “mìn sờ” và “mìn chống tăng”. Từ ngày 13-19.3.1954, phối hợp với Điện Biên Phủ, S20 đã liên tục đánh địch trên đường 5, đường 17, phá hủy 1xe tăng, 2 xe vận tải, 1 xe Zip, diệt 26 tên địch. Trên đường sắt, S20 đã đánh hàng chục trận mìn trên đoạn từ thị xã Hải Dương đến thị trấn Cẩm Giàng.
Ngày 6.4.1954, trên đoạn đường Đồng Niên - Cao Xá, S20 đã đánh liên hoàn ở cả đường bộ và đường sắt. Cả 6 quả mìn nổ rất chính xác, lật đổ 2 đoàn tàu trong ngày, phá hủy một xe tăng, 1 xe Zip, diệt 10 tên địch. Đường sắt bị cắt đứt, giao thông vận tải trên đoạn đường này bị ngưng trệ trong 3 ngày. Tiếp đến vào khoảng 9 giờ ngày 3.5.1954, S20 bố trí 2 hố mìn 40 kg cách nhau chừng 400 m. Đợi tàu địch đi qua, đơn vị kích nổ đã phá hủy 2 đoàn tàu, tiêu diệt 120 tên địch. “Đơn vị chôn mìn dọc tuyến đường sắt, đường 5. Khi địch đi qua, anh em kích nổ, tiếng mìn nổ liên tiếp, vang rền, nghe như tiếng sấm”, ông Tân kể.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, năm 1956, S20 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên được giải thể. Chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng những chiến công của S20 đã góp phần tô hồng trang sử vẻ vang của lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương.
THANH HOA