Đàn chim Soi Nam giờ ở đâu?

Môi trường - Ngày đăng : 18:09, 07/05/2019

Cách đây 5 năm có người phát hiện ra có nhiều cò vạc và nhiều loài chim nước khác nữa đến kiếm ăn và cư trú ở Soi Nam.

Khu vực cánh đồng bỏ hoang ở thôn Đông Quan, xã Tân Hưng giàu động vật thủy sinh, là nơi trú ngụ tốt cho nhiều loài chim

Nơi đây thuộc địa bàn 2 phường Ngọc Châu và Hải Tân (TP Hải Dương), một vùng ngập nước kế sát đê sông Thái Bình. Đàn cò vạc ấy đã làm tổ, đẻ trứng trong bụi lau sậy giữa đầm, có người đã lấy về được hàng nón trứng.

Vào lúc ấy, đã có một số ý kiến rằng nên tôn tạo Soi Nam thành một vườn chim. Được vậy thì TP Hải Dương sẽ có vườn chim trong nội thành, có thể trở thành một địa điểm hấp dẫn khách du lịch. Đã đành tỉnh Hải Dương đã có Đảo Cò Chi Lăng Nam, nhưng vườn chim này lại như một sự bổ sung vì ngoài cò vạc ra còn có nhiều loài chim khác nữa như le le, vịt trời, gà đồng, giẽ, bói cá... mà Đảo Cò Chi Lăng Nam không có được.

Nhưng bãi Soi Nam ngày nào giờ đã thành khu đô thị mới. Những người quan tâm băn khoăn không biết tập đoàn chim ấy đi về đâu? Cho đến gần đây có nhiều thông tin xác nhận chúng đã di chuyển về bãi sậy hoang vu bên cạnh chùa Sếu ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương). Đến gặp sư thầy trụ trì chùa thì biết tin ấy là thật. Mùa đông vừa qua, chúng về tới cả nghìn con, nhưng hiện tại chúng đi đâu thì chưa rõ. May mắn là sư thầy cũng muốn đàn chim này tồn tại trong 1,8 ha đang có nhiều lau sậy mọc um tùm ở phía đông của chùa và tỏ ý nhờ các nhà chuyên môn giúp cho chuyện ấy. Buổi khác đến chùa vào lúc hoàng hôn, chúng tôi thấy cảnh cò trắng bay phấp phới rồi đậu ở thôn Đông Quan, xã Tân Hưng.

Đến thôn Đông Quan khảo sát, chúng tôi vui mừng thấy một vùng ruộng ngập nước khá rộng. Nhờ con sông Cống Câu chảy qua đây tưới nước mà đồng ruộng nơi đây rất giàu động vật thủy sinh. Cũng lại nhờ nhiều thửa ruộng để hoang, không chịu ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu nên cua, cáy, lươn, chạch, ếch, nhái, tôm, cá... rất phong phú. Chúng là nguồn thức ăn của chim nước. Trong thời gian 1 tuần khảo sát, chúng tôi thấy cò vạc kiếm ăn từng đàn trên cánh đồng, có đêm ngủ trắng trên các cành cây cối trong vùng. Các loài chim khác như sẻ, chích, chèo bẻo, én, khuyên, bìm bịp... buổi sáng hót ríu rít.

Gần TP Hải Dương vẫn có vài nơi có cò vạc sinh sống như khuôn viên nhà ông Xuyên ở thị trấn Nam Sách hay vườn tre nhà ông Hậu ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) nhưng không có điều kiện thu hút khách đến tham quan vì quy mô quá nhỏ và thiếu một hồ nước có thể đi thuyền xung quanh để thưởng thức cảnh sinh hoạt của cò vạc như ở Đảo Cò Chi Lăng Nam.

Nhưng nếu tạo được vườn chim ở cạnh nhánh sông Cống Câu thuộc thôn Đông Quan thì khách đến tham quan có thể đi thuyền trên sông, vừa ngắm chim, vừa thưởng thức quang cảnh sông nước thơ mộng không kém gì ở Chi Lăng Nam. Nếu lại có vài nhà nổi ven sông cung cấp các món ăn đồng quê như tôm, cá, lươn, chạch... tự nhiên ở đây nữa thì thật tuyệt vời. Con sông Cống Câu đi ngoằn ngoèo qua nhiều xã về tận làng Cốc ở xã Gia Khánh (Gia Lộc). Nếu biết cách khai thác như ở một số tỉnh khác thì có thể hình thành một tuyến du lịch miệt vườn không chỉ để ngắm vườn chim, mà còn thưởng thức các đặc sản đồng quê và các hoa trái trong vùng như vải, nhãn, ổi, táo, cam, quýt, mít... Nếu được như thế thì TP Hải Dương sẽ có thêm một điểm du lịch hấp dẫn...

NGUYỄN VĂN KHANG