Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh: Thiệt hại nặng do bệnh dịch tả lợn châu Phi

Kinh tế - Ngày đăng : 10:02, 08/05/2019

Nhiều con lợn đực giống của Công ty TNHH MTV Giống gia súc tỉnh bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi nên việc cung ứng liều tinh dịch lợn cho các hộ chăn nuôi đã phải tạm ngừng.


Công nhân trong trang trại của Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh tích cực dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng mầm bệnh khu chuồng trại

Việc này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho công ty mà còn gây khó khăn cho việc khôi phục đàn lợn của tỉnh sau này.

Tạm ngừng cung cấp tinh dịch lợn

Ngày 23.4, sau khi phát hiện 2 con lợn đực giống bị chết bất thường, Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh đã báo Chi cục Thú y và Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, tất cả các mẫu xét nghiệm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).  Những ngày sau, nhiều lợn đực và lợn thịt trong trang trại của công ty bỏ ăn và có dấu hiệu của bệnh DTLCP.  Đến ngày 27.4, công ty đã cho tiêu hủy toàn bộ 100 con lợn đực, 33 con lợn nái hậu bị và hơn 100 con lợn thịt. Trong đó, nhiều con lợn đực và lợn nái thuộc loại thải, già yếu, chất lượng kém. Số tiền bị thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ đồng.

Trước khi bệnh dịch xảy ra, Công ty Giống gia súc tỉnh đã bổ sung lực lượng, tăng cường phun tiêu độc, khử trùng để phòng bệnh DTLCP. Các lao động làm việc và sinh hoạt tại trang trại. Mặc dù vậy, do trang trại nằm trong vùng dịch nên khó tránh khỏi việc lây bệnh. Công ty đã tạm ngừng cung ứng tinh dịch lợn cho các hộ dân từ ngày 23.4. Công ty có văn bản gửi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố về việc tạm ngừng hỗ trợ liều tinh dịch lợn. 

Ông Đinh Xuân Bình, Giám đốc công ty cho biết: "Năm 2019, công ty có kế hoạch hỗ trợ 300.000 liều tinh lợn cho các hộ chăn nuôi lợn nái trong tỉnh. Mặc dù vậy, bệnh DTLCP đang diễn biến phức tạp nên nhiều hộ chăn nuôi cũng tạm ngừng việc phối giống cho đàn lợn nái. Công ty đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép được sử dụng lợn đực của công ty đã đặt mua từ trước. Sau khi được kiểm tra và bảo đảm an toàn dịch bệnh, tinh dịch lợn được khai thác, pha chế, đóng gói tại chỗ sau đó vận chuyển về tỉnh để sử dụng".

Bảo vệ đàn lợn nái

Hơn 1/3 số lợn trong trang trại bị tiêu hủy không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp liều tinh dịch lợn cho các hộ nuôi lợn nái mà còn ảnh hưởng tới việc sắp xếp lao động trong Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh. Khi tạm ngừng cung ứng liều tinh dịch lợn cho các hộ chăn nuôi, công ty đã cho 3 lao động hợp đồng ngắn hạn nghỉ việc. Hiện nay, công ty có 14 người trong biên chế chưa bố trí được việc làm, trong đó có 7 người ở Phòng Kinh doanh và 7 người thuộc Phòng Khai thác, pha chế tinh dịch lợn. Trước mắt, những lao động này được công ty sắp xếp xuống trang trại để dọn vệ sinh và tăng cường tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

Hiện công ty vẫn còn 73 con lợn nái và hơn 500 con lợn thịt. Nhiệm vụ cấp bách lúc này của công ty là bảo vệ đàn lợn nái ông bà và lợn nái hậu bị. Công ty đã tăng cường cử cán bộ xuống để phòng bệnh DTLCP. Tất cả lao động trong trang trại đều ăn ở tại chỗ, hạn chế tối đa việc ra vào trang trại. Người lạ tuyệt đối không được vào khu vực trang trại. Mỗi dãy chuồng được giao cho từng cán bộ phụ trách, sử dụng các thiết bị chăn nuôi riêng biệt để tránh lây mầm bệnh từ dãy chuồng này sang dãy chuồng khác. Việc phun tiêu độc, khử trùng trang trại và các khu vực xung quanh được thực hiện hằng ngày. Do tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nên từ ngày 2.5 đến nay, lợn trong trang trại không bị bệnh DTLCP.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng liều tinh dịch lợn cho các hộ chăn nuôi, công ty đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại nhằm tiêu diệt mầm bệnh và bảo vệ đàn lợn còn lại. Sau khi bệnh DTLCP được kiểm soát, công ty sẽ nhập khoảng 50 con lợn đực giống chất lượng cao để phục vụ việc cung ứng liều tinh dịch cho các hộ nuôi lợn nái. Đồng thời, đề nghị tỉnh cho phép hỗ trợ liều tinh cho các hộ nuôi từ 1 - 50 con lợn nái để sớm khôi phục lại đàn lợn trong tỉnh.

HIỀN LAN