Tiến sĩ ngữ văn chia sẻ cách ôn tập và làm bài thi
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:14, 08/05/2019
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ diễn ra. Nhằm giúp học sinh ôn tập trong giai đoạn nước rút này, tiến sĩ (TS) Trịnh Thu Tuyết, từng là giáo viên dạy ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã có những chia sẻ về cách ôn tập và phương pháp làm bài môn ngữ văn.
Ở giai đoạn “nước rút”, TS Trịnh Thu Tuyết khuyên thí sinh: Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội là kiến thức nằm ngoài sách giáo khoa, người học chỉ cần quan tâm tới những vấn đề của cuộc sống, xã hội xung quanh mình thì sẽ có kiến thức. Tiếp theo, cần dành thời gian luyện đề theo những cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
Phần cần dành thời lượng nhiều nhất cho giai đoạn ôn tập này là 11 tác phẩm văn học. Đó là: 4 bài thơ Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Sóng; 2 đoạn trích tuỳ bút, bút ký: Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông; 4 đoạn trích tự sự: Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa; 1 trích đoạn kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.
Từ nay tới ngày thi môn Ngữ văn (25.6) còn gần 1,5 tháng, trừ thời gian cho bế giảng, nghỉ ngơi trước khi thi và những phân tâm khó tránh... các học sinh còn ít nhất một tháng - thời gian không quá ngắn để ôn tập những tác phẩm đã được học kỹ trong cả năm. TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, các em chỉ dành cho môn văn khoảng 1 giờ mỗi ngày thì cũng đã có được 30 + 3 giờ cho 11 tác phẩm, nghĩa là có quỹ thời gian từ 2- 3 ngày để ôn một tác phẩm.
“Không hề gấp nếu các em biết phương pháp ôn khoa học, thông minh, tránh học vẹt, học thuộc lòng. Ví dụ với 3 giờ trong ba ngày, ngày đầu các em đọc toàn bộ đoạn trích trong sách giáo khoa để ghi nhớ cốt truyện, chi tiết dẫn chứng, những lời thoại quan trọng hoặc nhớ những đoạn thơ, câu thơ quan trọng... Bên cạnh đó, các em kết hợp đọc bài giảng của thầy cô đã được ghi lại trong vở. Ngày thứ hai có thể tách khỏi sách vở, tự hệ thống hoá lại kiến thức đã được tiếp nhận khi nghe giảng theo kiểu lập sơ đồ tư duy. Tiếp đó, các em đọc lại vở ghi để kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung phần kiến thức đã tiếp nhận và hệ thống hoá. Ngày thứ ba, các em xác định các đoạn trong bài thơ, các chi tiết trong văn xuôi, kịch có khả năng xuất hiện trong tình huống đề, tìm mối liên hệ, hướng triển khai ý… Các em có thể xin ý kiến thầy cô. Như vậy sau 3 ngày học các em cũng không chiếm dụng thời gian các môn khác mà vẫn có thể nhớ dẫn chứng, hệ thống kiến thức theo bài giảng và luyện kỹ năng”, TS Trịnh Thu Tuyết gợi ý.
Về cách làm bài thi ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh: “Người học cần xác định đúng mức độ yêu cầu của 4 câu hỏi Đọc hiểu để trả lời phù hợp: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tránh dài dòng câu nhận biết hoặc sơ sài câu thông hiểu, vận dụng... Xác định đúng một nội dung hẹp của vấn đề được yêu cầu nghị luận, tập trung bàn luận duy nhất bình diện ấy, không sa đà, lan man. Tuyệt đối không viết đoạn văn nghị luận xã hội thành bài văn thu nhỏ với sự triển khai hệ thống ý của cả vấn đề nghị luận. Nội dung nghị luận cần viết chân thực, tránh sáo rỗng theo mẫu, luôn thể hiện quan niệm, suy nghĩ độc lập của chính mình”.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, câu nghị luận văn học cần giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận trước khi triển khai hệ thống ý nghị luận. Theo mô hình đề tham khảo của Bộ Giáo dục - Đào tạo năm nay, câu nghị luận văn học có thể đi vào phân tích các chi tiết nhỏ của tác phẩm để làm rõ một vấn đề trong nội dung tác phẩm. Người học cần tránh hai xu hướng: Hoặc hoà tan hai/ ba chi tiết được yêu cầu phân tích trong cả hệ thống chi tiết toàn bài, khiến bài luận không thực hiện được yêu cầu của đề; hoặc cắt rời hai/ ba chi tiết đó, phân tích độc lập, không hề kết nối với hệ thống chi tiết của tác phẩm. Khi ấy, bài làm sẽ không thể phát triển được ý, sự phân tích sẽ rất sơ sài và thậm chí sai lệch với chủ đề tác phẩm.
Người học cần xác định vị trí của chi tiết với một nội dung nào đó của tác phẩm, phân tích chi tiết như hệ quả của hệ thống chi tiết liên quan. Chi tiết nhỏ sẽ góp phần thể hiện một giá trị nội dung nào đó của tác phẩm. Ví dụ đề tham khảo yêu cầu phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần ăn - cần thấy lần ăn bánh đúc ngoài chợ là chi tiết khắc hoạ sâu sắc hình ảnh người đàn bà bị sự đói khát huỷ hoại nhân cách. Nhưng nếu chỉ phân tích một chi tiết độc lập như vậy sẽ không thể triển khai được ý và không chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa mạch truyện với chi tiết. Với đề này, TS Trịnh Thu Tuyết gợi ý dàn ý: “Tái hiện bối cảnh xuất hiện của người đàn bà trong nạn đói 1945 với những chi tiết ấn tượng về hình ảnh người sống/chết, âm thanh, mùi vị, không gian ngập tràn khí; Hình ảnh người đàn bà trong nạn đói thông qua các hình ảnh quần áo, bộ dạng, lời nói, cử chỉ, nét mặt, dáng vẻ, hành động...; Tái hiện lại chi tiết bánh đúc. Phần tái hiện hai ý trên (bối cảnh và hình ảnh người đàn bà trong nạn đói) tránh lan man dàn trải, phân tích tất cả các chi tiết trong hai ý này chỉ nhằm hướng tới làm nền giúp nổi bật chi tiết ăn bánh đúc... Cuối cùng cần có đánh giá: Chi tiết cho thấy thân phận, phẩm giá con người bị chà đạp vì đói khát. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm đã hiện ra qua một chi tiết nhỏ”.
Nhấn mạnh cách làm bài với đề mở ở câu hỏi nghị luận xã hội, TS Trịnh Thu Tuyết khuyên: Hướng ra đề mở cũng đòi hỏi cao ở tư duy học trò, các em phải thoát cách học vẹt, học tủ, học văn mẫu, luôn tự tin vào khả năng xác định và giải quyết vấn đề của mình sau khi đã được nghe giảng, đã tiếp nhận những giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Các em cần làm chủ kiến thức, nắm chắc kĩ năng phương pháp, đưa ra những cách nhìn riêng, chân thực của chính mình và khẳng định nó bằng sự kiến giải thuyết phục nhất.
Theo báo Tin tức