Say xỉn lái xe là tội ác
Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 11/05/2019
Sau khi lái xe bị bắt giữ, cơ quan chức năng phát hiện lái xe có nồng độ cồn 0,751 mg/l khí thở.
Thời gian qua, liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc có nguyên nhân từ những “ma men”. Chỉ một tích tắc không làm chủ được tay lái do đã bị hơi men làm mụ mị, rất nhiều người lương thiện đã cướp đi sinh mạng của người khác, trở thành kẻ tội đồ, để lại gánh nặng cho chính vợ con, cha mẹ.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2018, toàn quốc có 91.000 trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn bị lực lượng chức năng xử lý. 4 tháng đầu năm nay, con số này là hơn 50.000 trường hợp. Số liệu trên cho thấy rất nhiều lái xe chủ quan, coi thường tính mạng của bản thân và người khác.
Cách đây vài năm, các cơ quan chức năng đã lắp máy đo nồng độ cồn tại các cửa hàng ăn uống, quán bar để nhắc nhở mọi người có trách nhiệm hơn, chủ động không lái xe khi rời quán mà có hơi men. Trước đó nữa, lực lượng chức năng đã triển khai các chốt kiểm tra gần các quán nhậu, để kiểm soát, nhắc nhở và ngăn chặn những người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông. Khi đó, đã có những ý kiến phản đối, thậm chí nhạo báng các biện pháp này. Dần dần, trước và trong các đợt ra quân của lực lượng cảnh sát giao thông nhằm kiểm soát tình trạng lái xe lạm dụng rượu bia, chất kích thích, có những lái xe rỉ tai nhau các “mẹo” nhằm đối phó mỗi khi phải thổi vào máy đo nồng độ cồn. Điều đó cho thấy nhiều lái xe chưa nghiêm túc, thiếu trách nhiệm.
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện lạm dụng rượu bia, dư luận cho rằng cần có những chế tài xử phạt nặng hơn nữa đối với hành vi này. Ngoài tăng nặng các mức phạt về tiền, cần sửa đổi bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, quy định tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc buộc học lại pháp luật giao thông, kể cả buộc phải thi cấp bằng lái xe mới. Nếu tái phạm nhiều lần mà không có sửa chữa thì tước bằng lái xe vĩnh viễn. Cần nhanh chóng xây dựng hệ thống các giải pháp phục vụ cho việc xử lý theo mức độ vi phạm, cho người dân cơ hội sửa chữa lỗi lầm nếu thành tâm cải hối; phạt lũy tiến và phạt nặng với những hành vi tái phạm nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm cao. Thậm chí, nếu cần có thể sửa đổi Bộ luật Hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vào nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp, người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự. Ở góc độ kinh tế, cùng với đồng bộ dữ liệu để giám sát mức độ, tần suất vi phạm, cần có các quy định về bảo hiểm tăng dần đối với các lái xe có hành vi vi phạm. Trên thế giới, mức bảo hiểm (bắt buộc) với những lái xe “có phốt” này rất nặng, là “đòn đánh” về kinh tế rất hiệu quả.
Với xu thế này, thời gian tới đây, các quy định pháp luật có thể sẽ nghiêm khắc hơn đối với hành vi lạm dụng rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, quy định chỉ là quy định, nếu tất cả mọi người, trong đó có những người cầm lái, vẫn còn giữ tâm lý sĩ diện hay sự chủ quan khi đứng trước những ly rượu mời mọc hay ép uổng.
Trong những ngày đầu tháng 5.2019, sau hai đám tang với những vòng khăn trắng của những đứa trẻ mất mẹ do tai nạn gây ra bởi những lái xe quá chén, trên internet và ngoài xã hội, phong trào phản đối việc lái xe sau khi uống rượu bia được cộng đồng khởi xướng và hưởng ứng. Người tham gia không chỉ là những người mẹ, người vợ lâu nay vẫn thấp thỏm chờ chồng con về sau trận nhậu say, với những tiếng phản đối yếu ớt, mà các đấng nam nhi thực thụ, khi chứng kiến cảnh những trẻ thơ bơ vơ khi cha mẹ đã tử vong bởi tai nạn giao thông, cũng lên tiếng tẩy chay những hành vi ép rượu, nài rượu trong các cuộc tụ họp, đãi đằng. Nhiều lái xe chính thức dán lên cánh cửa hay vô lăng những tấm đề can phản đối việc có hơi men khi lái xe. Nhiều thông điệp được mọi người hưởng ứng: “Không lái xe khi đã uống rượu bia”, “Đã uống không lái - Đã lái không uống”, “Say xỉn lái xe là tội ác”, "Đã uống rượu bia - không được lái xe". Hy vọng những thông điệp ấy sẽ phát huy tác dụng trong thực tế để bớt đi những nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra.
THÙY HƯƠNG