Người nuôi lợn chuyển hướng chăn nuôi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:00, 11/05/2019

Nhiều chủ trang trại đã chuyển hướng từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm nhưng do chuồng trại xây dựng chưa phù hợp cộng với thiếu vốn... nên gặp không ít khó khăn.

Nhiều chủ trang trại tu sửa chuồng lợn để chuyển sang nuôi gia cầm

Để khắc phục thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhiều chủ trang trại đã chuyển hướng sang nuôi gia cầm nhưng do chuồng trại xây dựng chưa phù hợp cộng với thiếu vốn... nên không ít hộ gặp khó khăn.

Biến chuồng lợn thành chuồng gà

Gần nửa tháng sau khi hơn 1.000 con lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP, gia đình anh Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) đã sửa sang lại trang trại với tổng kinh phí khoảng 50 triệu đồng để nuôi gà, vịt. Trong đó, anh cải tạo lại dãy chuồng nuôi lợn thịt để nuôi vịt. Dãy chuồng nuôi lợn nái bầu trước đây được cắt vách ngăn và láng nền để chuẩn bị nuôi gà. Khu vực chuồng nái đẻ được chuyển thành nhà kho để cất các dụng cụ chăn nuôi lợn. 

"Đến thời điểm này, trang trại của gia đình tôi bị tiêu hủy nhiều lợn nhất, số tiền Nhà nước hỗ trợ khoảng 4,7 tỷ đồng. Nếu nhận được số tiền hỗ trợ, tôi sẽ nuôi khoảng 8.000 con gia cầm. Nhưng do chưa có vốn nên tôi chỉ nuôi tạm 1.000 con vịt để giải quyết nốt chỗ cám lợn còn thừa. Nuôi gia cầm chỉ là giải pháp tạm thời, nếu có vaccine phòng bệnh DTLCP thì tôi sẽ lại nuôi lợn", anh Học cho biết.

Toàn bộ 25 con lợn nái và đàn lợn con theo mẹ của trang trại gia đình anh Đặng Quốc Hải ở thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện) cũng bị tiêu hủy do bệnh DTLCP. May mắn hơn anh Học, trang trại của anh Hải vẫn giữ được hơn 100 con lợn thịt không bị bệnh DTLCP do ở khu chuồng khác. Kinh tế của cả gia đình đều phụ thuộc vào chăn nuôi nên anh không đành lòng nhìn chuồng trại bị bỏ trống.

Theo anh Hải, thời điểm này nên đầu tư vào nuôi gia cầm là hợp lý bởi vốn đầu tư ban đầu ít mà gia cầm lại không bị ảnh hưởng bởi bệnh DTLCP. Chưa kể, thời gian nuôi gà ngắn nên thu hồi vốn nhanh. Đây là cách khắc phục thua lỗ do bệnh dịch gây ra. Để chuyển sang nuôi gà, anh phải bỏ kinh phí để tu sửa trang trại, phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và các khu lân cận.  

Nuôi gia cầm vốn đầu tư ít và không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tránh nuôi gia cầm ồ ạt

Nhiều năm nuôi lợn nên anh Học, anh Hải đều chưa có kinh nghiệm nuôi gia cầm. Ngoài tu sửa chuồng trại để phù hợp cho nuôi gia cầm, chủ các trang trại còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật... Anh Hải băn khoăn: "Chuyển từ nuôi lợn sang nuôi vịt, gà, tôi cũng rất lo bởi lâu nay chưa từng có kinh nghiệm nuôi gia cầm. Để bảo đảm nguồn thu nhập của cả gia đình, tôi đành phải chuyển sang nuôi gà với số lượng vừa phải. Bên cạnh sửa sang chuồng trại cho phù hợp, tôi thuê nhân viên của các công ty cám tư vấn kỹ thuật nuôi gà. Gà trắng rất nhạy cảm với thời tiết và dễ chết trong quá trình nuôi nên cũng dễ gây thiệt hại cho người chăn nuôi".

Chuyển sang nuôi gia cầm là lựa chọn của nhiều hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP. Bởi đến nay các hộ chưa thể tái đàn nuôi lợn do mầm bệnh có thể tồn tại rất lâu trong môi trường. Thêm nữa, bệnh dịch này chưa có vaccine phòng và đặc trị nên các hộ cũng không dám nuôi lợn trở lại. So với các vật nuôi khác, vốn đầu tư nuôi gia cầm ít, giá cả ổn định, thời gian nuôi ngắn nên nhiều hộ chọn lựa đầu tư. Do nhu cầu tăng nên giá các loại gia cầm cũng tăng cao so với trước đó.

Tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh có 12.350.000 con gia cầm, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với tình hình như hiện nay, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ để giúp nông dân, chủ trang trại đầu tư phát triển gia cầm. Trước mắt là bù đắp cho lượng thịt lợn có thể bị thiếu hụt vào dịp cuối năm do ảnh hưởng của bệnh DTLCP. Mặc dù vậy, việc nuôi gia cầm phải theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh để phát sinh dịch bệnh. Trước khi chuyển sang nuôi gia cầm, các hộ cần tìm hiểu kỹ thị trường, tránh nuôi ồ ạt.

TRẦN HIỀN