Ký ức không phai
Chính trị - Ngày đăng : 14:32, 11/05/2019
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hệ thống giao thông hầm, hào chằng chịt dài tới hơn 400 km của quân ta theo nhiều cấp độ khác nhau như chiếc thòng lọng từng ngày thít chặt quân địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Phá "lá chắn thép" đồi A1
Dù đã ở tuổi 86, sức khỏe giảm sút, bước chân không còn nhanh nhẹn, nhưng khi được hỏi về những ngày đánh Pháp ở Điện Biên, đôi mắt ông Nguyễn Văn Vững ở thôn Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An (Ninh Giang) vẫn ánh lên niềm tự hào.
Tháng 2.1954, đơn vị ông Vững được giao nhiệm vụ hành quân về khu Tà Lèng thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên) để chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch. Nhiệm vụ của đơn vị ông Vững lúc đó là vừa chiến đấu vừa đào công sự, giao thông hào từ Tà Lèng xuống đồi A1 - nơi có hỏa lực rất mạnh, được mệnh danh là "lá chắn thép" của địch. Mỗi chiến sĩ được giao mỗi đêm phải đào được 2 m giao thông hào. Mỗi đêm hành quân người này cách người kia 5 m, lúc đầu nằm sát xuống mặt đất đào, vì nếu đứng quân địch sẽ phát hiện ra, sâu hơn một chút thì ngồi đào, đào sâu rồi thì đứng đào. Cứ thế người này nối người kia đào hào, tạo thành hệ thống chiến hào như mạng nhện bao vây quân địch.
Ngoài đào hào, đơn vị ông Vững còn đào hầm hàm ếch để rút ngắn cự ly đi lại, tranh thủ nghỉ ngơi, tránh pháo của địch. Hầm hàm ếch nằm ven đường trục chính, được lát cành cây ngụy trang, đủ rộng cho tổ 3 người nằm. Sau một đêm đào hào, làm trận địa, đơn vị cử người về phía sau lấy cơm, nước uống, còn lại về các hầm hàm ếch nghỉ. Cả đêm đào hào, ban ngày bộ đội ta lại tranh thủ vào rừng chặt gỗ để chuyển vào làm mái hầm hàm ếch. Mỗi chiến sĩ được phát ít vải dù, mọi người xé ra thành từng mảnh nhỏ, khâu lại làm bao đưa cho các đơn vị bộ binh cho đất vào để đắp thành giao thông hào. "Công việc vất vả, anh em không dám nghỉ ngơi, đến độ mỗi bữa ăn cũng phải tranh thủ. Mỗi chiến sĩ được phát nắm cơm ăn ngay tại giao thông hào. Nhiều ngày đào hào giữa thời tiết mưa dầm, đêm sương muối lạnh thấu xương, nước trên đồi chảy xuống hào ngập ngang đầu gối", ông Vững nhớ lại.
Lúc đào hầm sâu vào lòng đồi A1 để đặt gần 1 tấn thuốc nổ, đoạn đường chỉ dài hơn 40 m nhưng cả đơn vị ông Vững rất khó khăn mới hoàn thành nhiệm vụ. Bởi khu vực này địch bố trí hệ thống bảo vệ chắc chắn từ hàng rào dây thép gai đến lô cốt, xe tăng, súng đại liên sẵn sàng bắn trả. Hơn nữa, khi gần tới cứ điểm, kẻ địch điên cuồng bắn phá, chúng dùng cả xe tăng lẫn pháo cối ngày đêm bắn từ đồi A1 xuống công sự của ta. Phải mất tới 12 ngày đào hầm, các đơn vị mới hoàn thành đưa bộc phá vào vị trí. Đêm 6.5.1954, khối bộc phá được kích nổ, tiêu diệt gần một đại đội của địch, cũng báo hiệu cho bộ đội ta xung phong chiếm lĩnh đồi A1. "Đã có nhiều đồng đội của tôi mãi mãi nằm lại chiến trường. Chỉ riêng tiểu đội của tôi đầu chiến dịch có 12 người nhưng đến khi giành chiến thắng chỉ còn lại 6 người", ông Vững trầm buồn nói.
Kéo pháo lên núi
Đó là nhiệm vụ của người lính Nguyễn Văn Hách, 84 tuổi, ở thôn Duẩn Khê, xã Long Xuyên (Kinh Môn) trong những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954, ông Hách cùng Tiểu đoàn Bạch Đằng (Quảng Yên) được lệnh bổ sung cho Trung đoàn Sơn pháo 675 thuộc Đại đoàn Công pháo 351. Khó khăn nhất của công tác bảo đảm vũ khí cho chiến dịch là đường vận tải xa, đầy gian khó. Vào tháng 4, những trận mưa rào làm cho đường lầy, sụt lở gây thêm khó khăn cho các lực lượng vận tải. Đặc biệt, do ta chủ trương thay đổi phương châm tác chiến, từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" nên việc cơ động pháo càng phức tạp hơn, ban đầu đã kéo pháo vào, rồi lại phải kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào… "Đêm Điện Biên Phủ sương mù dày đặc, cả trung đoàn miệt mài kéo pháo ra, toàn thân người nào cũng ướt đẫm. Để có thể kéo được pháo ra vào trận địa, chúng tôi phải dùng dây rừng bện lại rồi buộc vào kéo. Đường vào trận địa Điện Biên Phủ núi cao dốc thẳm, việc di chuyển các khẩu pháo vô cùng khó khăn, nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy, pháo sẽ rơi xuống vực sâu", ông Hách nhớ lại.
Khi đã kéo pháo vào trận địa, rồi lại nhận lệnh phải khẩn trương kéo pháo ra, cả tiểu đội khóc như mưa vì mất công kéo vào mà chưa được bắn. Sau này, khi biết đó là chủ trương của cấp trên để bảo đảm phương châm "đánh chắc thắng" nên ông Hách cùng đồng đội không cảm thấy luyến tiếc. Khi được lệnh kéo pháo vào, ông Hách cùng đồng đội đã vượt qua bao gian khổ, bom đạn địch, đưa pháo vào trận địa đúng thời gian quy định. Trong chiến dịch, nhằm đối phó với lực lượng trinh sát tối tân của quân Pháp, các đơn vị của ta đã đào hầm vào lòng núi để làm công sự cho pháo. Nóc hầm được ghép bằng các thân cây gỗ to rồi đổ đất đá lên trên, bảo đảm chống được sức công phá của bom, pháo địch. Bên ngoài trận địa được ngụy trang kỹ lưỡng. Do đó, khi các khẩu pháo đã yên vị trong công sự, nòng hướng vào cứ điểm của Pháp trong thung lũng mà các máy bay trinh sát Pháp không biết. Bắn pháo từ trên cao xuống là cách đánh rất sáng tạo của pháo binh ta. Ở Điện Biên Phủ, quân ta đã đặt các khẩu pháo rải rác ở các ngọn núi xung quanh thung lũng. Việc đặt pháo phân tán và làm hầm cho pháo nhằm hạn chế các thiệt hại khi bị địch phản pháo.
Ông Hách không quên giây phút nghe địch ra hàng vào chiều tối 7.5.1954. Khi đó, ông vẫn cùng đồng đội làm nhiệm vụ vận chuyển đạn từ phía ngoài vào trong trận địa phục vụ các mặt trận. "Chúng tôi đã ôm nhau cười rồi khóc như những đứa trẻ. Bởi ai cũng biết hòa bình đã đến rất gần và chúng tôi sẽ sớm được trở về nhà", người lính già xúc động nhớ lại.
TÂM PHÚC