Người họa sĩ say mê sáng tạo
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 15:09, 11/05/2019
Tác phẩm của họa sĩ Phạm Trí Tuệ có mặt ở nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước
Từ làng Vũ La đến với thế giới hội họa
Ngôi nhà của người họa sĩ từng có nhiều năm công tác trong ngành văn hóa của tỉnh khá cổ kính, đậm phong cách truyền thống Việt, nằm dưới tán cây cổ thụ ở thôn Vũ La, xã Nam Đồng (TP Hải Dương). Người họa sĩ 78 tuổi này có dáng người hao gầy, râu tóc bạc phơ, đôi mắt tinh anh và đầu thường đội chiếc mũ nồi đã sờn vải.
"Năm tôi 16 tuổi, tôi có dịp gặp danh họa Nguyễn Sĩ Ngọc đang có chuyến sáng tác dài ngày tại Vũ La. Thấy tôi cứ mải mê nhìn ông vẽ, danh họa đưa giấy bút cho tôi vẽ thử. Qua nét vẽ ông thấy tôi có năng khiếu hội họa, nên đã tận tình hướng dẫn, khuyên tôi lên Hà Nội. Không phụ tình cảm của người thầy đầu đời, tôi đã miệt mài theo đuổi nghiệp vẽ đến tận bây giờ”, họa sĩ kể.
Lúc nhỏ, họa sĩ Trí Tuệ ở trong chùa “Sùng Quang Tự” cùng cha. Chính tại đây, những nét văn hóa truyền thống từ phù điêu hoa văn tứ linh, tứ quý, sơn son thếp vàng... đã thấm đượm vào tâm hồn ông. Đây chính là cảm hứng để họa sĩ sáng tác hàng loạt tác phẩm liên quan đến chất liệu sơn mài nổi tiếng, dòng tranh mà ông cho là đỉnh cao và đặc sản của mỹ thuật Việt Nam.
Phong cách vẽ chủ đạo hiện thực, lãng mạn đã quán xuyến hầu hết tác phẩm hội họa của ông với màu sắc và chủ đề đậm tính dân tộc. Tác phẩm tranh cổ động “Hồ phân rễ mạ” ra đời năm 1971 đưa tên tuổi Phạm Trí Tuệ đến với đông đảo công chúng và là bước ngoặt trên con đường mỹ thuật của ông. Tác phẩm được triển lãm tại Hà Nội, rồi Thượng Hải (Trung Quốc). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua bản quyền tác phẩm để trưng bày. Nhưng tác phẩm tranh nghệ thuật ông tâm đắc nhất trong cuộc đời cầm cọ vẽ lại là “Dáng lụa”, được thể hiện trên chất liệu sơn mài truyền thống, tôn vinh phẩm chất và nét đẹp của 12 cô gái Việt Nam có dáng vẻ khác nhau qua tà áo dài và chiếc nón lá truyền thống. Ông là người duy nhất ở Việt Nam đến nay sáng tạo chuyển thể bức tranh từ 1 thành 6 tác phẩm. Đây là tác phẩm đinh chốt trong cuộc triển lãm cá nhân gần đây nhất của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cuộc triển lãm đã tổng kết 60 năm theo đuổi con đường mỹ thuật với 46 tác phẩm hội họa độc đáo.
Nhiều thành công
Tác phẩm của ông thể hiện qua nhiều chất liệu: Sơn mài, lụa, mực nho, màu nước, sơn dầu, khắc gỗ, bột màu, màu nước… không những nổi tiếng trong nước mà còn vươn tầm ra nước ngoài. Năm 1987, 24 tác phẩm với chủ đề quê hương Việt Nam của ông được mang sang Paris (Pháp) triển lãm, được người Việt tại đây khen ngợi và mua hết. Công chúng đã biết đến họa sĩ Phạm Trí Tuệ nhiều hơn qua 2 cuộc triển lãm cá nhân về sưu tập chân dung và ký họa “Gương mặt thời gian I, II", cùng nhiều tác phẩm trưng bày tại các Bảo tàng: Mỹ thuật Việt Nam, Hồ Chí Minh, Quân sự Việt Nam, Cách mạng Việt Nam và sưu tập cá nhân tại Việt Nam, Pháp, Nhật, Anh.
Nhiều tác phẩm hội họa của ông đã đoạt các giải thưởng như: Giải nhất triển lãm tranh cổ động toàn quốc năm 1978; giải nhì triển lãm tranh cổ động toàn quốc về chủ đề quốc khánh năm 2000; tranh cổ động về quốc khánh năm 1995 được phát hành toàn quốc.
Anh Nguyễn Tiến Quân, Trưởng Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết: "Họa sĩ Phạm Trí Tuệ có sự ảnh hưởng tích cực, là người truyền lửa cho thế hệ họa sĩ trẻ trong tỉnh. Hàng loạt tác phẩm của ông được giải thưởng cũng như in ấn trong các cuốn sách, kỷ yếu... Ông có đóng góp lớn cho mỹ thuật tỉnh nhà". Còn họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật việt Nam chia sẻ: “Ở anh toát lên một con người bình dị, khiêm nhường, dễ gần. Anh chăm chỉ học tập, say mê sáng tạo”.
THẾ ANH