Bốc thăm phân công giám thị nhằm tránh gian lận thi THPT quốc gia

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:34, 11/05/2019

Rút kinh nghiệm từ vụ gian lận chấn động năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhiều giải pháp để có một kỳ thi khách quan.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh. Ảnh: Dương Tâm

Ngày 11.5, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có nhiều điều chỉnh về tổ chức và kỹ thuật nhằm tránh tình trạng gian lận thi cử, như: giao các trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm, để thí sinh tự do thi chung với thí sinh lớp 12, lắp camera quan sát 24/24 giờ nơi chứa đề thi, bài thi và khu vực chấm thi...

Để kỳ thi an toàn, nghiêm túc, theo ông Trinh, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều yêu cầu trong việc lựa chọn cán bộ tham gia làm thi. Với coi thi, khâu luôn chứa đựng nhiều rủi ro, bộ yêu cầu các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ.

"Trách nhiệm của người coi thi rất lớn. Mỗi phòng có 24 em và sẽ có hai cán bộ coi thi. Như vậy mỗi cán bộ coi 12 em. Bất kỳ động thái nào của thí sinh trong phòng có thể dễ dàng quan sát, phát hiện nếu cán bộ coi thi làm tròn nhiệm vụ", ông Trinh nói.

Việc phân công cán bộ giám sát phải thực hiện theo quy định mỗi người đảm nhiệm không quá bảy phòng thi. Bộ đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc khâu chọn người tham gia làm thi và tập huấn chuẩn bị cho kỳ thi.

Một thay đổi nữa liên quan đến việc coi thi là ở khâu phát đề thi trắc nghiệm. Nếu như mọi năm, một cách phát đề được vạch ra và bất kỳ cán bộ coi thi nào cũng phải phát theo cách đó thì năm nay cách phát đề thi cũng được bốc thăm.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm, năm nay bộ sẽ phân tích, đánh giá chỉ số thống kê kết quả thi của các Hội đồng thi và của cả nước. "Việc phân tích chỉ số thống kê nhằm kịp thời phát hiện và chủ động có phương án xử lý các sai sót hay gian lận nếu có trước khi công bố kết quả thi. Vì thế, điểm thi sẽ được công bố chậm hơn ba ngày so với những năm trước", ông Trinh nói.

Năm 2019, có hơn 887.000 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia, giảm hơn 4% so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên  gần 330.000, số lựa chọn bài Khoa học xã hội hơn 561.000.

Năm 2018, có 222 thí sinh của ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La được nâng điểm. Trong đó, Hà Giang có 39 em vẫn đang được theo học tại 23 đại học. Với Hòa Bình và Sơn La, kết quả chấm thẩm định cho thấy 108 thí sinh bị hạ điểm. Sau rà soát, có một thí sinh Hòa Bình bị trượt tốt nghiệp, 13 em không nhập học và 94 em trúng tuyển vào 26 trường đã nhập học.

Trong 94 thí sinh đã nhập học, 82 em bị hủy kết quả do không đủ điểm trúng tuyển hoặc đủ điểm nhưng vi phạm quy định về tuyển sinh của ngành công an. 12 thí sinh được tiếp tục theo học tại 10 đại học do đăng ký xét tuyển bằng kết quả học tập lớp 12, môn hạ điểm không nằm trong tổ hợp xét tuyển hoặc thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển. Như vậy, có 51 thí sinh bị hạ điểm thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn được tiếp tục theo học.

Tại hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm 8.5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết ngày 25.5, quá trình điều tra gian lận thi cử tại ba tỉnh sẽ kết thúc.

DƯƠNG TÂM (VnExpress)