Rào cản khó vượt

Bình luận - Ngày đăng : 19:37, 11/05/2019

Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được thỏa thuận cụ thể nào sau vòng đàm phán thương mại thứ 11 kéo dài hai ngày tại thủ đô Washington, Mỹ.

Container hàng của công ty vận tải Trung Quốc COSCO tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ ngày 27.2.2019. Ảnh: THX/TTXVN

Đây không phải một kết quả đáng ngạc nhiên mà đã được dự báo từ khi hai bên chưa bắt đầu cuộc thương lượng. Rào cản mới xuất hiện với việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại những cam kết trong đàm phán, khiến cuộc đàm phán “đã hoàn tất đến 90%” bị thụt lùi, và điều đó làm thay đổi thỏa thuận một cách căn bản, buộc Tổng thống Donald Trump áp dụng trở lại biện pháp tăng thuế. Quyết định của Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10.5, được coi như “giọt nước làm tràn ly”, khiến khả năng hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài trong hơn 1 năm qua giống như hành trình “mò kim đáy biển”.

Tăng thuế là động thái leo thang căng thẳng lớn nhất mà Tổng thống Trump thực hiện với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại hiện tại, một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của ông chủ Nhà Trắng trong việc thực hiện chương trình nghị sự bảo hộ thương mại ông theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền. Tổng thống Trump tuyên bố việc áp mức thuế quan mới sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp quốc gia này trở lên vững mạnh hơn chứ không phải yếu đi, và nếu không đạt được thỏa thuận, ông sẵn sàng tiến xa hơn. Đúng như tuyên bố, chưa đầy 24 giờ sau khi Washington tăng thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, Tổng thống Trump đã ra lệnh áp một đợt thuế mới đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế quan mới có thể khiến Trung Quốc đáp trả và đẩy cuộc chiến thương mại tưởng như sắp kết thúc này leo thang trở lại. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc đưa ra quyết định trên đã được chính quyền Tổng thống Trump cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng cả về mặt lợi ích chính trị cũng như lợi ích kinh tế. Trong bức tranh tổng thể về đối nội, trong bối cảnh Tổng thống Trump đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía, thì việc duy trì và thậm chí gia tăng sức ép với Trung Quốc về mọi mặt là một trong những vấn đề hiếm hoi mà ông nhận được sự đồng tình của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Chính vì vậy, để xoa dịu những chỉ trích về khả năng thương thuyết, sự mất kiên nhẫn và nghi hoặc từ trong nội bộ về khả năng Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến gây thiệt hại lớn này, cũng như tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri, Tổng thống Trump có vẻ đang ưu tiên áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” nhằm “dồn Trung Quốc vào đường cùng” để giành lợi ích lớn nhất. Với Tổng thống Trump, việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã là một biểu tượng chính trị và ông khó có thể đồng ý một thỏa thuận không cho phép ông tuyên bố chiến thắng trên vấn đề đó.

Xét về mặt kinh tế, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông hiện đang rất tự tin rằng chính sách thuế quan của Washington sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, đồng thời mang lại lợi ích đáng kể cho người nông dân và các doanh nghiệp Mỹ. Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 9.5 cho thấy thâm hụt thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, theo đó, hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lại giảm. Kết quả này phần nào củng cố thêm lòng tin vào tính hiệu quả của các biện pháp thuế quan như một “công cụ quyền lực” nhằm giải quyết những bất đồng thương mại với các nước. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump tin rằng với sức mạnh và sự tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế, Mỹ có thể chống trả tất cả các biện pháp trả đũa thương mại cả các nước, trong đó có Trung Quốc. Chính vì vậy, Washington sẽ có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc và “hoàn toàn không vội” để hoàn tất một thỏa thuận nửa vời, mà thay vào đó, phải là một thỏa thuận rốt ráo và cụ thể. Thậm chí, có những tín hiệu chỉ ra rằng dường như chính quyền Tổng thống Trump đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến dài lâu với Bắc Kinh khi cho biết sẽ sớm đưa ra một chương trình mới hỗ trợ người nông dân Mỹ. 

Mặc dù vậy, việc hai bên không đạt được thỏa thuận tại vòng đàm phán lần này rõ ràng có nguy cơ đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào vòng xoáy rủi ro mới. Chính sách tăng thuế của Tổng thống Trump vẫn bị coi là “con dao hai lưỡi”. Đơn cử như với ngành nông nghiệp Mỹ, một trong những ngành chịu tổn thương lớn nhất kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng phát. Giá đậu nành của Mỹ hiện đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua khi Trung Quốc giảm bớt sức mua những mặt hàng nông sản chủ chốt từ Mỹ. Chắc chắn ngành nông nghiệp của Mỹ sẽ còn phải hứng chịu nhiều khó khăn hơn nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, đây được xem là một chủ đề quan trọng có thể chi phối nỗ lực của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020. Bà Jessica Wasserman, chuyên gia thuộc công ty Greenspoon Marder LLP nhận định rằng Trung Quốc biết rõ nông nghiệp của Mỹ sẽ là ngành thua thiệt nhất khi Bắc Kinh trả đũa Washington bằng thuế quan, trong khi ngành này lại rất có tầm ảnh hưởng đối với nghị viện Mỹ và cũng là ngành đã ủng hộ và bỏ phiếu cho ông Trump bước vào Nhà Trắng. 

Đó là chưa kể những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp hay người tiêu dùng Mỹ nếu cuộc chiến thương mại leo thang với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, đặc biệt khi người tiêu dùng Mỹ hiện đang phải trực tiếp gánh những chi phí phát sinh từ việc tăng thuế. Trên thực tế, bản thân việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “đình chiến thương mại” từ cuối năm ngoái để đàm phán, và triển vọng khá sáng sủa rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại thông qua “những tín hiệu lạc quan” phát đi sau các vòng đàm phán gần đây, phần nào cũng tạo lòng tin cho giới đầu tư và góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định cũng như mức thất nghiệp thấp cho nền kinh tế Mỹ trong quý I vừa qua. Nay vòng xoáy thuế quan mới giữa hai nước sẽ ảnh hưởng nặng nề tới lạm phát và thị trường lao động của Mỹ

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh phải chịu thiệt hại lớn hơn bởi nền kinh tế nước này dựa nhiều vào xuất khẩu hơn. Theo nhà kinh tế tại Viện Chính sách kinh tế (EPI), trung tâm nghiên cứu phân tích của Mỹ, ông Robert E Scott, trong năm 2018, Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ với tổng giá trị hàng hóa là 540 tỉ USD, chiếm 4% của nền kinh tế, trong khi chỉ nhập khẩu hàng hóa của Mỹ có giá trị 120 tỉ USD. Như vậy, Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn 7 lần so với Mỹ khi thương mại bị gián đoạn trong cuộc tranh chấp này. Tổng  sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm 1,6% trong năm nay nếu mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty của Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ.

Đương nhiên việc Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại là “tin xấu” đối với nền kinh tế thế giới. Cuộc chiến thuế quan mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde coi là “ mối đe dọa chính đối với kinh tế thế giới”, và IMF đã một lần nữa phải hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,3%.

Mặc dù đàm phán thương mại Mỹ -Trung Quốc đã đi tới giai đoạn cuối cùng, song giới phân tích đều nhận định vòng đàm phán then chốt trước vạch đích sẽ là khó khăn nhất bởi những rào cản còn lại trên hành trình này đều mang tính lợi ích cốt lõi và thực sự không dễ vượt qua. Trung Quốc khó có thể dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi từ phía Mỹ đối với những thay đổi mang tính hệ thống, như cải tổ cơ cấu kinh tế, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hạn chế việc tiếp cận thì trường tài chính… bởi những yếu tố này sẽ tạo cho Mỹ ưu thế cạnh tranh lớn hơn trong tương lai, thậm chí có thể phần nào giúp Mỹ “kiểm soát” nền kinh tế Trung Quốc. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố rằng những khác biệt còn lại giữa Trung Quốc và Mỹ là “những vấn đề về nguyên tắc rất quan trọng”, mà theo ông, Trung Quốc”chắc chắn không thể nhượng bộ ở những vấn đề nguyên tắc đó”. Có thể thấy lập trường đàm phán quá khác biệt đang cản trở hai bên thu hẹp được bất đồng và tiến tới một thỏa thuận, chấm dứt thế “đối đầu” giữa hai cường quốc kinh tế thế giới kéo dài hơn 1 năm qua. Giờ đây cuộc chiến thương mại giữa hai nước lại bước vào một giai đoạn mới khốc liệt hơn bao giờ hết.

Theo TTXVN