Không tước quyền lên tiếng của học sinh, giáo viên
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:02, 14/05/2019
Một trong những điều đáng chú ý tại thông tư này là quy định giáo viên, học sinh không được lên mạng xã hội phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin, hình ảnh làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục. Quy định gây nhiều lo ngại về những “tác dụng phụ” của nó khiến chính quy định trở thành lực cản xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh.
Việc ban hành một thông tư với các quy định về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngành giáo dục thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ bê bối liên quan tới đạo đức ứng xử trong nhà trường giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh. Tuy nhiên, nhiều quy định trong thông tư mới ban hành, trong đó có quy định học sinh, giáo viên không được lên mạng xã hội bình luận làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục không thật sự rõ ràng, mang nặng định tính, khiến việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một bất cập nữa là việc cấm đoán được xác định bằng hậu quả của hành vi gây khó cho những người thuộc diện điều chỉnh mà cụ thể ở đây là giáo viên, học sinh. Làm sao một người có thể xác định được trước rằng lời bình luận của mình có thể gây ra hệ quả tốt hay xấu vì điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố ngoài chủ thể bình luận. Quy định này cũng dẫn đến tình huống cùng một hành vi bình luận nếu ở nơi này gây ra “ảnh hưởng xấu” thì bị xử phạt, nếu ở nơi khác không gây ra “ảnh hưởng xấu” thì không bị xử phạt.
Quy định trên cũng khiến nhiều người lo ngại sẽ hạn chế quyền được lên tiếng về cái xấu, cái bất cập trong giáo dục của học sinh, giáo viên; ngăn cản việc hình thành tư duy phản biện của các em ngay trong những ngày đầu tiếp xúc với tri thức và xã hội. Trong thực tế, có nhiều vụ bạo lực học đường đã diễn ra từ lâu nhưng chỉ được dừng lại sau khi thông tin, hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội và bị dư luận lên tiếng phản đối. Có những vụ việc nếu không được công khai trên mạng xã hội và báo chí thì có lẽ đã “chìm xuồng” từ lâu hoặc việc xử lý không được rốt ráo. Việc nói lên sự thật về cái xấu, sự bất công, bất cập cần được khuyến khích vì nó giúp xây dựng nhân cách trung thực, dũng cảm cho học sinh.
Mạng xã hội hiện là một kênh cung cấp thông tin và là nơi mọi người có thể bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề trong xã hội, trong đó có giáo dục. Tất cả mọi người khi tham gia các hoạt động trên internet đều phải tuân thủ theo Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Nếu học sinh, giáo viên tham gia cung cấp, bình luận thông tin, hình ảnh về ngành giáo dục đúng với quy định của luật này thì không nên bị ngăn cản bởi một quy định riêng của ngành giáo dục.
Để học sinh, giáo viên tham gia cung cấp thông tin, hình ảnh và bình luận trên mạng xã hội với tinh thần xây dựng, đóng góp hữu ích thì ngành GDĐT cần xây dựng được nhận thức đúng đắn, bản lĩnh vững vàng cho những đối tượng này. Bên cạnh đó, cũng cần hướng dẫn cách sàng lọc thông tin tốt - xấu để tiếp nhận những thông tin hữu ích, tránh xa những thông tin vô bổ, sai lệch, thậm chí là độc hại. Ngành GDĐT cần dũng cảm nhìn thẳng vào những hạn chế của mình để khắc phục chứ không nên hạn chế quyền được lên tiếng của học sinh, giáo viên. Có như vậy, học sinh, giáo viên sẽ hình thành được cách cư xử chuẩn mực trên mạng xã hội và ngành GDĐT cũng không cần chạy theo cấm đoán để giữ gìn hình ảnh của mình.
LAM ANH