Cấm bán rượu trên internet không khả thi

Xã hội - Ngày đăng : 12:48, 14/05/2019

Mặc dù dự thảo luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp vào tháng 5 và 6.2019 nhưng nhiều chuyên gia cho rằng rất khó đi vào cuộc sống.

Việc cấm bán rượu trên internet khiến người tiêu dùng bị hạn chế tìm hiểu thông tin sản phẩm, lựa chọn các chủng loại khi mua sắm

Quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp vào tháng 5 và 6.2019.

Thực tế, việc cấm bán rượu trên mạng đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể, điều 7 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14.9.2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu quy định: hành vi bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng, bán rượu bằng máy bán hàng tự động là vi phạm pháp luật về kinh doanh rượu bia. Trước đó, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12.11.2012 về sản xuất và kinh doanh rượu cũng đã quy định cấm bán rượu trên mạng. 

Dù đã có quy định nhưng hoạt động mua bán rượu trên mạng vẫn diễn ra công khai. Chỉ cần gõ từ khóa “rượu ngoại” trên thanh công cụ tìm kiếm Google lập tức có hơn 41.700.000 kết quả trong vòng 0,72 giây. Hàng trăm trang thông tin điện tử bán rượu các loại, giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Trên mạng xã hội Facebook, Zalo cũng có nhiều nhóm bán hàng, tài khoản quảng cáo rao bán từ rượu ngoại, rượu thuốc, rượu “quốc lủi”… 

Việc đưa ra quy định cấm bán rượu bia trên mạng được kỳ vọng sẽ hạn chế hoạt động buôn bán rượu bia tự do, giảm cầu, giảm cung, phòng tránh tác hại của tình trạng lạm dụng rượu bia. Song nhiều ý kiến cho rằng quy định cấm bán rượu trên mạng không khả thi. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người kiểm soát, xử lý hành vi bán rượu bia trên mạng. Kiểm soát việc bán rượu bia trên các trang thông tin điện tử thì có thể thực hiện nhưng đối với những người bán rượu bia trên mạng xã hội thì không hề đơn giản do có nhiều tài khoản ảo. Ngoài ra, người tiêu dùng vẫn có thể mua rượu qua các trang thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon, Alibaba với đủ các hãng, chủng loại... 

Nhiều người tiêu dùng, kể cả chủ một số cơ sở nấu rượu nhỏ lẻ ở các khu dân cư cũng không biết đến quy định này. Anh Nguyễn Văn Toàn ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) thường nhờ người nhà ở Ninh Giang đặt giúp 5-10 lít rượu quê mỗi dịp lễ, Tết hoặc có công việc. Theo anh Toàn, nhờ người quen mua rượu quê sẽ an tâm hơn vì hiện có nhiều thông tin về các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, được pha chế từ những hóa chất độc hại. Anh Toàn cũng không biết có quy định cấm bán rượu trên mạng và cho rằng rượu bia không phải mặt hàng bị cấm sản xuất, kinh doanh nên không có lý do gì nó bị cấm bán trên mạng. 

Chủ một doanh nghiệp sản xuất rượu ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) nêu quan điểm nếu muốn hạn chế thấp nhất tác hại của rượu bia thì cần quản ở khâu cấp phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chứ không nên siết ở khâu đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Việc cấm bán rượu trên mạng gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc vì mất đi một kênh quảng bá sản phẩm. Người tiêu dùng bị hạn chế tìm hiểu thông tin sản phẩm, lựa chọn các chủng loại khi mua sắm. 

Theo Luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh, hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, việc giao thương trên internet là xu thế toàn cầu. Kinh doanh trên mạng hay bán trong cửa hàng cũng chỉ là hình thức kinh doanh. Không nên đối xử bất bình đẳng giữa các hình thức kinh doanh. 

Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Úc… không hạn chế việc bán rượu qua mạng, song chỉ những người đủ tuổi theo quy định mới có thể mua rượu. Khi mua rượu, người mua phải có giấy tờ chứng minh đã đủ tuổi. 

Việc tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ nhằm hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng rượu bia là cần thiết. Song quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet vẫn còn gây nhiều tranh luận về tính khả thi vì đi ngược với xu hướng của thời đại 4.0 và khó đi vào cuộc sống. 

HÀ NGA