Nhiều sai phạm ở Công ty Kim Sơn
Bạn đọc - Ngày đăng : 17:56, 16/05/2019
Công ty Kim Sơn sử dụng củi, mùn cưa cho hệ thống lò hơi
Vừa qua, Báo Hải Dương nhận được kiến nghị của người dân khu dân cư Trại Sen, phường Văn An (TP Chí Linh) phản ánh về việc Công ty TNHH Phát triển và dịch vụ thương mại Kim Sơn (gọi tắt là Công ty Kim Sơn) sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhận chuyển nhượng đất trái quy định và sử dụng đất không đúng mục đích.
Theo đơn kiến nghị của người dân, Công ty Kim Sơn xây dựng và hoạt động tại khu dân cư Trại Sen từ năm2010. Cách nay gần 3 năm, khi công ty mở rộng quy mô, đưa lò hơi nước đốt bằng nhiên liệu không bảo đảm vệ sinh môi trường vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân sống xung quanh. Biết chúng tôi có mặt tại khu dân cư Trại Sen tìm hiểu vấn đề, đại diện gần hai chục hộ dân đã có mặt thể hiện sự bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty Kim Sơn gây ra. Anh Đặng Văn Hiểu nhà ở ngay phía sau Công ty Kim Sơn phản ánh: "Công ty này thường xuyên đốt vải vụn phát sinh trong quá trình cắt may thải ra. Ngoài ra, công ty còn nhận đốt thuê vải vụn, chất thải cho các cơ sở may khác. Quá trình đốt tạo ra mùi khét, tro bụi bay khắp nơi. Thời tiết ẩm thấp, không khí không bay xa được khiến các hộ dân vô cùng khổ sở". Đại diện hàng chục hộ dân khác có mặt cũng đồng tình với phản ánh của anh Hiểu. Chị Đặng Thị Vân, một người dân sống gần công ty cho biết thêm: "Ngoài mùi khét, bụi phát sinh từ việc đốt chất thải, nước thải của hàng trăm công nhân không được xử lý xả thẳng ra môi trường. Tiếng ồn do hoạt động của máy móc cũng ảnh hưởng rất lớn tới người dân sinh sống ngay bên cạnh công ty". Cũng theo người dân ở đây, công ty còn nhận chuyển nhượng đất trái phép, xây dựng lán xe, trạm biến áp không phép.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Toản, Phó Trưởng Công an phường Văn An cho biết sau khi nhận được những nội dung phản ánh của nhân dân, UBND phường Văn An đã thành lập tổ công tác để làm việc với Công ty Kim Sơn. Tại buổi làm việc, lãnh đạo công ty cung cấp được các giấy tờ liên quan đến hoạt động của lò đốt và nhiên liệu đốt như giấy chứng nhận kết quả kiểm định lò hơi, hóa đơn thu gom rác thải sinh hoạt, hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải... Tuy nhiên, công ty chưa xuất trình được giấy nhận chuyển nhượng hoặc hợp đồng thuê đất vị trí xây dựng nhà để xe và trạm biến áp, không có đề án bảo vệ môi trường theo quy định. "Tại buổi kiểm tra, lò đốt đang hoạt động, nhiên liệu đốt là gỗ và mùn cưa. Chúng tôi không phát hiện thấy vải vụn trong khu vực lò. Việc khói lò đốt có ô nhiễm môi trường hay không phải nhờ các cơ quan chuyên môn kiểm tra mới khẳng định được", ông Toản thông tin.
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Hải Dương và cán bộ môi trường phường Văn An, ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc Công ty Kim Sơn cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc từ năm 2010. Đơn vị sử dụng 1 nồi hơi phục vụ sản xuất, nhập khẩu nguyên chiếc, nguyên liệu được phép sử dụng gồm củi, mùn cưa, vải vụn. Lúc bắt đầu nhóm lò, do lò còn ẩm, củi, vải vụn chưa khô nên có phát sinh khói ra môi trường. Từ khi có ý kiến của người dân, công ty không còn sử dụng vải vụn để nhóm lò nữa mà đã chuyển sang sử dụng củi và mùn cưa. Vải vụn đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Môi trường đô thị Hùng Phát (Bắc Ninh) xử lý theo quy định. Quan sát trực tiếp tại xưởng sản xuất chúng tôi thấy công nhân vận hành lò hơi sử dụng củi, mùn cưa làm nhiên liệu đốt lò. Khu vực kho chứa nhiên liệu không thấy vải vụn hoặc nguyên liệu khác. Tiếng ồn do máy nén khí gây ra đã được hạn chế do máy được công ty đặt trong nhà kín.
Về diện tích xây dựng lán xe và trạm biến áp, ông Luyện cho biết công ty mới nhận chuyển nhượng khoảng 300 m2 của một công dân ở phường Văn An. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng theo quy định. Đối với các biện pháp bảo vệ môi trường, ông Luyện cung cấp cho phóng viên 1 giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản do UBND thị xã Chí Linh (nay là TPChí Linh) cấp ngày 9.5.2017. Mặc dù hoạt động từ năm 2010 nhưng phải 7 năm sau công ty mới có giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Trong suốt thời gian đó, toàn bộ khí thải từ lò đốt, nước thải của trên 200 công nhân phát sinh hằng ngày đều không được xử lý trước khi xả ra môi trường. Việc xây dựng đề án bảo vệ môi trường đơn giản năm 2017 có lẽ cũng chỉ làm cho có vì toàn bộ các công trình phục vụ sản xuất đã được xây dựng hoàn chỉnh trước đó.
Đối với diện tích đất xây lán xe và trạm biến áp, mặc dù là đất trồng lúa do UBND phường Văn An cho 1 người trong xã nhận thầu nhưng khi nhận chuyển nhượng lại, công ty đã tiến hành san lấp, xây dựng các công trình kiên cố dù chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định, vi phạm các quy định của pháp luật.
Đề nghị UBND TP Chí Linh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm của Công ty Kim Sơn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật.
VỊ THỦY