Spinner - trò chơi nguy hiểm
Xã hội - Ngày đăng : 18:04, 17/05/2019
Những viên bi trên cánh quạt spinner có thể rơi bất kỳ lúc nào khiến trẻ nuốt phải rất nguy hiểm
Dễ mua, dễ chơi
Xuất hiện tại nước Mỹ từ năm 2016, spinner nhanh chóng trở thành món đồ chơi gây sốt ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đây là một thiết bị nhỏ trong lòng bàn tay có dạng cánh quạt. Mỗi một con quay spinner có từ 2 cánh quạt trở lên với phần trục giữa có thể xoay tròn và tự quay một thời gian dài sau khi quay mồi. Spinner có thể làm bằng nhựa hoặc kim loại và được lắp thêm bi sắt trên mỗi cánh quạt.
Người chơi dễ dàng tìm mua con quay spinner, từ các cửa hàng tạp hóa, xe đẩy ở cổng trường học, các hiệu sách đến quầy bán đồ chơi trẻ em. Giá bán của loại đồ chơi này cũng khá đa dạng tùy theo chủng loại và mẫu mã, từ 50.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/chiếc. Chính nhờ cách chơi đơn giản nên spinner lôi cuốn nhiều người chơi, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) có con trai vừa tròn 9 tuổi. Khi spinner mới xuất hiện ở Hải Dương, cậu bé đã đòi mẹ mua ngay cho mình một chiếc. Thấy trò chơi này đơn giản, dễ chơi và giá cũng rẻ nên chị Huyền đồng ý ngay. Sau một thời gian ngắn, hầu hết học sinh nam trong trường mà con chị Huyền đang theo học và trẻ nhỏ ở khu phố đều chơi spinner. Một vài trẻ đam mê chơi đến mức có hẳn một bộ sưu tập với gần 20 con spinner khác nhau. Từ loại thông thường làm bằng nhựa phải quay mồi cho đến những chiếc spinner làm bằng kim loại có gắn pin quay tự động.
Chị Huyền cho biết: "Cách chơi khá đơn giản nên chúng tôi dễ dàng chấp thuận theo nguyện vọng của các con. Nhiều khi vài ba bạn cùng chơi với nhau nên chúng tôi có thời gian lo việc nhà. Thấy lạ, chồng tôi cũng mua cả bật lửa, điện thoại thiết kế theo kiểu spinner để sử dụng".
Nhiều mối nguy hại
Theo lời quảng cáo, spinner có tác dụng giúp người chơi tập trung, kích thích học tập và sáng tạo. Tuy nhiên thực tế điều này có vẻ chưa đúng. Chị Huyền chia sẻ: "Bọn nhỏ chơi trò này rất say mê. Có khi chúng tập trung chơi hàng giờ mà không biết chán và quên hết mọi việc xung quanh. Có thời điểm chúng sao nhãng cả việc học, chăm chăm nhìn vào những vòng quay. Vì vậy, sau một thời gian theo dõi, tôi đã phải quy định cho con trai về giờ chơi cụ thể trong ngày để tránh ảnh hưởng đến học tập". Một số phụ huynh có con nhỏ cho biết việc nghiện chơi con quay spinner khiến trẻ ngồi ỳ một chỗ trong thời gian dài dẫn tới lười vận động.
Bên cạnh đó, chơi spinner còn có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe người chơi. Theo quan sát, đối tượng chơi spinner nhiều nhất ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học. Các em nhỏ thường rất hiếu động và chưa làm chủ được hành vi của mình. Việc cho đồ chơi vào miệng hay chọi con quay đều có thể gây tổn thương bất kỳ lúc nào.
Hằng năm, Khoa Hồi sức cấp cứu 1, Bệnh viện Nhi Hải Dương tiếp nhận gần 20 trường hợp trẻ em mắc dị vật trong cơ thể. Đa số trường hợp mắc dị vật trong quá trình chơi đùa, ăn quà vặt và phụ huynh lơ là kiểm soát. Những viên bi trên cánh quạt có thể rơi bất kỳ lúc nào khiến trẻ nuốt phải hay những cánh quạt được thiết kế theo hình mũi dao sắc nhọn có thể cứa xước hoặc đâm thủng da thịt gây tổn thương cho trẻ nhỏ. Một số spinner sử dụng pin quay tự động hoặc dạng bật lửa có chứa gas rất dễ gây cháy nổ. Bác sĩ Phạm Anh Quang, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu 1, Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết: "Năm 2018, chúng tôi tiếp nhận một trẻ nhỏ 3 tuổi ở huyện Nam Sách phải cấp cứu khi nuốt phải dị vật. Trước khi chuyển đến viện, cháu bé đã tím tái do dị vật mắc sâu trong họng và sau đó đã tử vong. Trong thực tế, có nhiều loại dị vật khác nhau nhưng khi trẻ nuốt phải đều nguy hại như nhau. Trường hợp xấu nhất có thể khiến trẻ ngừng thở và tử vong".
Hiện nay, spinner đang trở thành trò chơi khá phổ biến thu hút trẻ nhỏ. Thị trường cũng bày bán các loại con quay spinner khác nhau và rất khó kiểm soát chất lượng. Trong đó chủ yếu là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên giám sát thời gian chơi spinner của con em mình để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
ĐỨC TÂM