Chữ khá trong lời khen của Bác
Tin tức - Ngày đăng : 12:23, 18/05/2019
Ngày 26.7.1962, Bác Hồ nói chuyện tại sân Vọng Cung (nay thuộc phường Quang Trung, TP Hải Dương), khen tỉnh ta “Công tác thủy lợi năm ngoái khá”
Sinh thời, Bác Hồ có 5 lần về thăm, làm việc tại Hải Dương và nhiều lần gửi thư, huy hiệu, phần thưởng khen ngợi thành tích của các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Trong những ngày cả nước kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Người, chúng tôi đọc cuốn sách “Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ” (xuất bản năm 2008) và phát hiện một chi tiết khá thú vị. Đó là Bác thường dùng chữ khá để khen ngợi về những thành tích tiêu biểu, nổi bật của các tập thể, cá nhân trong tỉnh.
Khen chân thật
Đọc 6 bức thư và 5 bài nói chuyện của Bác với cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Dương từ trang 106 đến trang 135 sách “Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ”, chúng tôi thấy Bác dùng tổng số 14 từ khá, hầu hết với nghĩa đánh giá, khen ngợi thành tích của tập thể, cá nhân trong tỉnh.
Tháng 3.1948, trong thư gửi lão du kích Đỗ Như Thìn, Bác viết: “Tôi đọc báo Dân Quân khu III, thấy đồng chí đã gần 50 tuổi, mà rất hăng hái tham gia du kích, có nhiều sáng kiến và lập được khá nhiều chiến công”. Ngày 26.7.1962, Bác nói chuyện tại sân Vọng Cung (nay thuộc phường Quang Trung, TP Hải Dương), khen ngợi tỉnh ta: “Công tác thủy lợi năm ngoái khá”, “Tỉnh ta sẵn có một số xã và hợp tác xã tổ chức, quản lý, sản xuất khá như Hiệp Lực, Nhân Quyền, Nguyên Giáp, Kim Đính, Hiệp An…”. Bài nói chuyện của Bác khi về thăm và làm việc tại xã Hồng Thái ngày 15.2.1965, Bác 5 lần dùng từ khá để khen ngợi thành tích của tỉnh nhà như công tác cải tiến quản lý, nuôi lợn tập thể, sản xuất lương thực, thủy lợi. Qua tìm hiểu, không chỉ riêng Hải Dương mà Bác cũng thường dùng từ khá khi đánh giá kết quả công tác của nhiều địa phương khác.
Ở 6 bức thư và 5 bài nói chuyện, Bác cũng nhiều lần dùng từ tốt, song với nghĩa là yêu cầu đặt ra, nhiệm vụ cần đạt được, mục tiêu hướng tới. Chỉ có 3 lần Bác dùng từ tốt để khen ngợi thành tích đạt được. 3 lần dùng từ tốt với nghĩa này xuất hiện trong bài nói chuyện khi Bác thăm xã Hồng Thái. Cụ thể, Bác khen tỉnh Hải Dương: “Nghĩa vụ thu mua lương thực và thực phẩm cho Nhà nước đã làm tốt”, “Đồng bào Hải Dương có những sáng kiến hay và những kiểu mẫu tốt cần được phổ biến”, khen “Xã Hồng Thái là kiểu mẫu về công tác thủy lợi tốt như đã nói ở trên”.
Bút tích bài nói chuyện của Bác Hồ với cán bộ, nhân dân Hải Dương tại xã Hồng Thái ngày 15.2.1965
Bác nhắc không chủ quan, thỏa mãn
Vì sao Bác thường dùng chữ khá, ít dùng chữ tốt? Người đi nhiều nơi, am tường tình hình trong nước, quốc tế, nên sự đánh giá rất toàn diện, đúng mực. Một thành tích có thể nổi bật ở nơi này nhưng chưa chắc đã nổi bật ở nơi khác. Chẳng hạn, xã Hiệp An (Kinh Môn) từng là điển hình của miền Bắc về sản xuất lúa cho năng suất cao, được Bác khen. Trong bài viết trên báo Nhân Dân "Nơi nào nhận thi đua với Hiệp An", Bác khẳng định trong việc bón phân cho lúa thì so với nhân dân ta, xã Hiệp An đã tiến bộ khá, song so với nhân dân Trung Quốc còn phải cố gắng nhiều. Bác dùng nhiều chữ khá khi khen ngợi thành tích là sự đánh giá khách quan, chân thực. Công lao, thành tích ở mức độ nào thì nhận xét đúng mức độ ấy.
Đánh giá ở mức khá tức là trên trung bình nhưng chưa được tốt, cần phải cố gắng đạt mức tốt. Bác nhiều lần nhấn mạnh rằng do ở mức khá nên không được chủ quan, tự mãn về thành tích. "Về việc công ích khác như thuế, sửa sai, sản xuất, đê, đồng bào và cán bộ Hải Dương là khá. Nói cũng khá, không phải trăm phần trăm tốt, để còn phải cố gắng nữa", Bác nói khi về thăm Hải Dương ngày 31.5.1957. Về thăm Hồng Thái, sau khi ghi nhận năm 1964 tỉnh Hải Dương đã làm thủy lợi tương đối khá, Bác căn dặn không vì thế mà chủ quan, thỏa mãn, mà cần thi đua đuổi kịp và vượt Hồng Thái.
Ở một số trường hợp, thành tích chung là khá song Bác chỉ rõ vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót để khắc phục. Trong bài viết "Cần phải tổ chức ngay đội thủy lợi" đăng trên báo Nhân Dân ngày 26.11.1963, sau khi khen một số tỉnh, trong đó có Hải Dương làm thủy lợi khá, Bác nhắc: "Trong những tỉnh khá vẫn còn huyện kém như: huyện Nam Sách ở Hải Dương, huyện Mỹ Đức ở Hà Đông, mỗi huyện mới có 2 đội thủy lợi!".
Hiện nay, công tác thi đua, khen thưởng ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn nặng bệnh thành tích vì đánh giá chưa sát thực tế, dễ làm cho tổ chức, cá nhân được khen ảo tưởng, tự mãn; còn những người chưa được khen thì cũng không "tâm phục, khẩu phục", suy bì, tị nạnh. Những từ như xuất sắc, tiêu biểu, nổi bật, giỏi, tốt thường xuyên bị lạm dụng. Chúng ta cần phải học cách đánh giá chân thực của Bác Hồ để công tác thi đua, khen thưởng thực sự phát huy tác dụng.
NINH TUÂN