Mùa hè đứt gãy

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:50, 19/05/2019

Gã đi học cũng chẳng khác gì người nông dân cấy trồng trên mảnh ruộng của mình, có vụ được vụ mất, vụ này thất bát lại phải cày cuốc chuẩn bị gieo hạt cho vụ sau...



Chiếc xe ga rẽ trái, cua rộng, phóng nhanh nên đâm sầm vào xe thồ đồ gốm của gã. Tiếng vỡ giòn như ngô nổ, ngực gã rực lên, cảm thấy khó thở, mắt hoa đi. Người đàn ông dựng xe chạy lại đỡ gã dậy. Gương mặt quen quen, cũng có nốt ruồi bên cằm trái, mắt to, mày rậm như gã, thì ra là Lê Tưởng.

- Chú em cầm tạm chỗ này. Giờ anh đang bận, mười một giờ chú ra quán cà phê Thu gặp anh.

Gã gặp Tưởng trong trận cầu lông giao hữu giữa trường gã và trường Lê Tưởng đang theo học tại chức. Cặp nam nữ của gã đã thắng với tỷ số sát nút, dù gã đã phải bao sân cho Nhi rất nhiều vì Nhi đuối hơn tay vợt nữ bên đội bạn. Gã rủ Nhi ra ghế đá ngồi ăn mía xả hơi. Với cương vị là đại diện nhà tài trợ phía bên kia, Lê Tưởng cũng ra ghế đá ngồi bắt chuyện với hai đứa. Chuyện qua chuyện lại, biết gã và Nhi đều học năm ba loại giỏi, gã từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cầu lông của trường, Tưởng vồn vã ra mặt. Bắt tay gã và Nhi, còn hẹn hai người tối ra quán Thu uống cà phê.

Tối, trời mưa, Nhi hơi sốt nên không đi. Gã đành đi một mình. Lê Tưởng vồn vã tiếp đón gã như bạn quý lâu ngày mới gặp.

- Sáng thứ sáu này, công đoàn cơ quan anh có tham gia thi cầu lông, ngặt nỗi toàn tay đánh dở. Muốn mời chú đi thi đấu hộ?

- Kiểu như lính đánh thuê ấy ạ?

- Chú hiểu vấn đề nhanh đấy. Bồi dưỡng cho chú nửa triệu, nếu giành giải sẽ có thưởng lần hai, tùy mức độ giải thưởng, còn tiền thưởng trong giải chú lĩnh, cờ cơ quan anh giữ.

Lê Tưởng đưa trước cho gã hai trăm đặt cọc rồi trả tiền cà phê. Gã ra hiệu thuốc mua mấy liều thuốc cảm cúm cho Nhi, đong cho bản thân năm cân gạo. Gã đuối hơi cơm đã lâu, chẳng qua là trong cuộc thi đấu, gặp hai đôi bên trường kia đều yếu về kỹ thuật chứ không thì gã cũng bị di chết từ vòng gửi xe. 

Qua phòng Nhi, thấy Nhi đang đắp chăn, gã vào đưa cho gói thuốc bảo uống đi. Gã còn dúi cho Nhi mấy quả cam sành, rồi chạy biến về phòng mình, trong lúc mặt gã đang lên màu đỏ gay như hồi nhỏ bị bắt quả tang xuống ruộng ăn trộm dưa.

Từng giọt cà phê vẫn cần mẫn rơi xuống cốc, gã nhìn thôi đã cảm thấy vị đắng ở đầu lưỡi.

Lê Tưởng xuất hiện. Chị phục vụ bê cà phê ra cho Tưởng, nhìn gã và Tưởng thì thốt lên, đúng là anh em trai giống nhau thế. Lê Tưởng cười, nốt ruồi đến duyên. Gã cũng cười, nốt ruồi có lẽ cũng duyên không kém. Nhi từng khen, gã cười rất duyên ngay từ hôm tới trọ đầu tiên, khi đó gã đang xách hộ Nhi hòm tư trang quần áo.

- Đi Sầm Sơn thi đấu hai ngày được không?

- Hai ngày?

- Giải này đẳng cấp hơn giải trước nhiều, công ty anh thuê chú, trả giá cao hơn.

Gã nhận lời. Về phòng trọ gã viết giấy xin phép với lý do là ông ngoại mất, dù rằng ông ngoại hắn đã sang tiểu sành từ hai chục năm rồi. Gã rất quyết tâm nhưng chỉ dành được giải ba cuộc thi, song tiền thưởng và tiền boa còn lớn hơn lần trước. 

Vì đi xa hai ngày không nói với Nhi nên Nhi giận không thèm chuyện trò gì với gã. Đành phải chơi bài lì ra để làm lành. Mất một thời gian khá lâu, gã mới có được một cái hẹn với Nhi, gã liền bỏ lửng đám bạn cầu lông, về nhà tắm rửa sớm, rồi đưa Nhi ra bờ hồ. Hai đứa ngồi trên ghế đá, gã từng có ý định sẽ tỏ tình với Nhi và giờ ý định đó lại trỗi dậy. Không thể vừa đi vừa nói chuyện này được, thế là gã kéo Nhi ngồi xuống chiếc ghế đá cạnh cây phượng già. Kem còn đang tan chảy trong họng chưa kịp giúp gã thốt lời ngọt ngào thì Tưởng ở đâu xuất hiện.

- Sao điện thoại mãi mà chú em không nghe máy?

Hỏi xong thì Tưởng quay sang chào Nhi. Gã lần túi quần tìm điện thoại mới biết mình đã quên ở nhà. Chắc trong lúc vội vàng lai Nhi đi, gã đã quên béng mọi sự.

Lê Tưởng dẫn gã và Nhi vào một quán cà phê. Sau vài câu xã giao, lúc Nhi xin phép đi vào toilet, Tưởng đưa cho gã tám bộ câu hỏi ôn tập của tám môn và muốn gã làm đề cương giúp cho lớp học tại chức của Tưởng để lớp chuẩn bị ra quân trong kỳ thi sắp tới.

- Trả công chú hẳn hai triệu, làm xong phô tô mỗi loại thành năm mươi bản, anh chỉ việc phát là xong. OK?

- Gấp quá. Kể mà đi thi cầu lông thì ngay được chứ cái này...

- Đợi giải sang năm. Mà chú phải năng động, làm lính đánh thuê thời buổi này, cái gì cũng phải khật được.

Mẹ gã nhờ cái Ngần là hàng xóm điện thoại xem gã có ổn không? Mẹ còn động viên cố chờ thêm ít ngày nữa mẹ thu hoạch dưa sẽ có tiền gửi lên nộp học phí. Gã bảo cái Ngần dặn mẹ không phải lo gì cả, gã đã xoay xở xong.

Hai cái sọt thồ hàng với ít đồ gốm còn ế mấy buổi trước được xếp gọn vào góc phòng. Ngoài việc tới giảng đường, gã ở lì trong nhà, xoay trần làm đề cương cho Tưởng, không săn đón gặp Nhi nhiều như trước nữa.

Hôm nhận hàng, Tưởng đã gật gù khen gã làm thế này rất ổn, sẽ còn hợp đồng cho gã đánh thuê lâu dài. Nhận tiền công xong, gã chợt nhớ tới Nhi, chạy sang phòng Nhi thì khóa cửa, không biết Nhi đi đâu.

Ngần lại gọi điện. Mẹ gã ốm nặng, ruộng dưa đang đến kỳ thu hoạch mà nắng cháy quá, nhiều cây héo úa, quả cứ nẫu ra. Dù sao thì gã vừa thi xong, được nghỉ học mấy ngày, gã vội vàng nhảy tàu về quê.

4. Mẹ nằm trên giường, người quắt lại như dây dưa héo. Bà Hớn sang thăm, bảo mẹ bị đậu lào. Gã đi lùng khắp làng mua được con gà đen về nhờ bà Hớn cắt tiết, nhổ lông gà đánh đậu lào cho mẹ. Hiệu nghiệm ngay. Chiều thì mẹ đã nhúc nhắc ngồi dậy ăn được bát cháo. Mẹ lại chỉ lo ruộng dưa sẽ chết nẫu vì trời nắng như đổ lửa cả tuần nay, lại lo chuột, chim phá hoại. Động viên mẹ yên tâm, đoạn gã chặt một cây tre nhỏ, pha tre, vơ ít quần áo rách, rút rơm, quang gánh, phăm phăm lên đồng.

Việc đầu tiên là gã đi rảo quanh ruộng dưa một vòng. Gã vớ một quả bị chim khoét, bẻ đôi, vập răng vào chỗ tươi ngon nhất mà ngoạm lấy ngoạm để cái vị ngọt mát của nó, nước chảy ròng ròng xuống hai bên miệng. Ngon thật. Gấp tỷ lần tách cà phê đắng ngắt mà gã uống ở quán Thu. 

Ruộng dưa bị nắng táp, lại không có nước tưới đã héo mất nhiều dây, nhiều quả bị chuột, chim khoét đang thối luỗng, cũng còn nhiều quả đã căng vỏ, hái được rồi, gã định đợi trời râm chút nữa hái cho đỡ hại dây, nên gã xoay ra làm thằng bù nhìn trước. Đóng khung tre, bện, đan, nhồi rơm, mặc quần áo, vẽ mặt, đội nón, buộc hai dải nilon tua rua vào tay bù nhìn thế là xong. Bù nhìn dựng lên, bầy chim trên ngọn tre không dám sà xuống ruộng nhà gã nữa. Rồi bù nhìn sẽ thay gã canh ruộng dưa tối ngày. Các ruộng dưa khác cũng lác đác dựng bù nhìn như ruộng nhà gã. 

Gã đi ra ao cá gánh nước tưới cho dưa. Ruộng bên cạnh, Ngần và lão Ngang đang cắt dưa. Khi gã tưới được hai luống dưa thì xe dưa của lão Ngang cũng đầy. Hai bố con kéo mãi không qua được cái ổ gà ngay đầu bờ mương, gã nhảy lên cầm càng, Ngần và lão Ngang bậm môi, người đùn, người bánh bắt. Xe trườn lên thì lão Ngang trượt chân, khụy xuống ôm đầu gối kêu đau, gã đành phải kéo xe giúp Ngần.

Trưa hôm sau, Lê Tưởng điện than thở thi tám môn trượt sáu, cần gặp gã ngay tối nay để bàn chuyện quan trọng. Chiều ấy gã vội bắt xe đi ngay. 

Lê Tưởng gặp gã ở quán cũ. Chị bán hàng vẫn chào hỏi hai anh em trai uống gì?

- Trượt nhiều thế mới đau chứ. Môn tiếng Anh còn được có một điểm.

Gã an ủi:  

- Trượt thì thi lại.

- Kiểu gì lần thi lại này, chú cũng phải giúp anh.

- Em thì giúp được gì nữa?

Lê Tưởng rút ra một xấp tiền năm trăm nghìn đưa cho gã.

- Chú thi lại giúp anh.

Gã giẫy lên:

- Đi đánh thuê cầu lông còn được chứ đánh thuê cái này thì em vái cả nón. Họ bắt được hàng giả thì tội lớn.

- Đó là bọn non mưu. Riêng anh em mình, chú yên tâm, không cần phải làm giả gì cả. Chú xem đi.

Lê Tưởng chìa chứng minh thư ra. Ảnh chụp lúc Tưởng hai mươi tuổi, trông hao hao giống gã bây giờ, cũng có nốt ruồi nhận dạng bên cằm trái, mắt to, lông mày rậm.

Đêm hôm ấy, gã mất ngủ, mớ tiền cứ nhảy múa trước mắt gã. Ba giờ sáng, gã quyết định điện lại cho Lê Tưởng.

Môn thi đầu tiên là môn tiếng Anh. Gã qua mặt hai giám thị vào chỗ ngồi như đúng rồi. Song anh số báo danh 27 bên cạnh đã phát hiện ra gã là hàng nhái nên liên tục uy hiếp tinh thần của gã buộc gã phải cho chép bài toàn phần. Nộp bài thi và ra khỏi phòng rồi mà tim gã vẫn đập thình thịch. Gã vào toilet, vuốt keo cho tóc dựng ngược lên, ngắm bộ râu ria đã tuần nay không cạo cũng góp phần kiến tạo cho con người gã già hơn mấy tuổi. Gã gọi điện cho Tưởng, thông báo an toàn nhưng gã khó chịu với số báo danh 27, Tưởng động viên gã bình tĩnh, có thể giúp đỡ anh em thì cứ ra tay làm phúc.

Đến môn thứ hai, số báo danh 27 lại ngồi đằng sau liên tục dùi thước vào lưng gã và hăm dọa bằng ánh mắt, bằng lời gằn sẽ báo giám thị nếu gã không cứu trợ 27, trong lúc gã đang nhức đầu vì câu thứ hai đã khó như hóc phải xương cá, không kìm chế được gã văng tục, “đ. mẹ, đang sai đây, thích thì chép đi”, gã quay xuống giằng cái thước ném vào ngăn bàn mình. Mặt báo danh 27 đanh lại.

Tới môn thứ ba, gã chìa chứng minh thư ra, giám thị đeo kính lão soi đi soi lại, rồi điềm nhiên bảo: “Nhìn qua thì ảnh và người hao hao giống nhau nhưng nhìn kỹ thì anh không thể ba mươi lăm tuổi được. Anh chắc chắn không phải là Lê Tưởng!”. Lập tức hai giám thị biên cùng tiến vào áp sát gã, họ rút điện thoại ra chụp lại hiện trường. Gã bị bắt quả tang thi hộ. 

Gọi cho Lê Tưởng không được, gã thất thểu đi dọc bờ hồ bộ dạng chẳng khác gì một kẻ hành khất, đầu gã quay chong chóng, mắt gã hoa đi đến nỗi nhìn đôi tình nhân ngồi trên ghế đá ăn túi hạt dẻ cười gã cứ ngờ ngợ giống Nhi và Tưởng. Gã đổ người xuống một chiếc ghế đá, lúc tỉnh lại thì không thấy đôi tình nhân kia đâu nữa.

Gã bị đình chỉ học một năm.

Gã khăn gói về quê với mẹ. Mẹ bảo, sông có khúc người có lúc, gã đi học cũng chẳng khác gì người nông dân cấy trồng trên mảnh ruộng của mình, có vụ được vụ mất, vụ này thất bát lại phải cày cuốc chuẩn bị gieo hạt cho vụ sau.

Dưa đã vào đợt thu hoạch cuối cùng, dây cũng đang tàn dần. Gã theo mẹ ra đồng dọn ruộng. Bên kia ruộng, Ngần cũng đang thu dưa như gã, thỉnh thoảng ngẩng lên lau mồ hôi rơi lã chã lại liếc trộm gã một cái, gã thấy nóng ran đằng gáy nhưng tịch không nói một câu nào.

Cắt xong quả dưa cuối cùng, gã gánh dưa lên, dưa nặng, cỏ rối vướng chân, loạng choạng gã dẫm phải một thằng bù nhìn đã gãy rục xuống sau trận mưa gió lần trước. Chân gã đau nhói, gã lầm bầm điều gì đó, tức mình quay lại, gã nhổ hết bọn bù nhìn vứt lên bờ.

Truyện ngắn củaNGUYỄN THU HẰNG