Zimbabwe tìm lối thoát mới cho tình trạng khan hiếm USD
Thế giới - Ngày đăng : 17:45, 19/05/2019
Zimbabwe rơi vào tình trạng khan hiếm USD, trong khi đồng nội tệ mới của nước này liên tục mất giá làm gia tăng lạm phát
Thống đốc Ngân hàng trung ương Zimbabwe John Mangudya cho biết đã được bảo đảm một khoản vay trị giá 500 triệu USD từ các ngân hàng quốc tế để hỗ trợ các giao dịch tiền tệ liên ngân hàng từ ngày 20.5 và giải quyết tình trạng khan hiếm USD dẫn tới thiếu nhiên liệu và thuốc men.
Tháng 2 vừa qua, ngân hàng trên đã đưa vào lưu thông một loại tiền nội địa mới, mang tên RTGS dollar, và khởi động nền tảng giao dịch liên ngân hàng, qua đó các doanh nghiệp và cá nhân có thể mua bán đồng USD. Tuy nhiên, đồng USD khan hiếm trên thị trường chính thống, khiến tỷ giá hối đoái lên tới 1USD/3,4 RTGS dollar, so với mức 1USD/6,3 RTGS dollar trên thị trường đen. Thực tế này khiến các công ty và cá nhân làm ăn bằng đồng USD phải bán tiền của mình trên thị trường đen.
Thống đốc Mangudya cho biết ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu tiếp cận với 500 triệu USD từ ngày 20.5 tới "để đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngoại hối của các doanh nghiệp cũng như các cá nhân". Dù không tiết lộ nguồn vay, quan chức trên cho biết khoản tiền này sẽ giúp ổn định tỷ giá hối đoái và giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Tài chính Mthuli Ncube cho biết khoản vay đã được các ngân hàng quốc tế bảo đảm, song cũng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Tuần trước, đồng nội tệ mới của Zimbabwe đã mất 26% giá trị trên thị trường đen, nhưng chỉ giảm 3,6% trên thị trường chính thống. Đồng tiền yếu đi làm gia tăng lạm phát, hiện đã lên tới mức cao nhất trong 10 năm qua, là 75,6% trong tháng 4.
Zimbabwe vốn không được nhận sự hỗ trợ từ các nhà cho vay quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kể từ khi họ vỡ nợ năm 1999, và tình trạng khan hiếm USD ngày càng tồi tệ hơn trong năm nay dẫn tới thiếu nhiên liệu và thuốc men. Nước này lệ thuộc phần lớn vào Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu châu Phi (Afrexim Bank) để có các khoản vay nước ngoài bằng cách thế chấp tiền lãi từ xuất khẩu vàng trong tương lai. Theo Thống đốc Mangudya, năm ngoái ngân hàng trung ương đã vay 985 triệu USD từ Afrexim Bank và các nhà cho vay châu Phi khác để mua nhiên liệu và các mặc hàng nhập khẩu thiết yếu khác.
Theo TTXVN