Tình hữu nghị thủy chung, bền chặt qua thời gian
Chính trị - Ngày đăng : 15:46, 20/05/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev trong chuyến thăm Nga năm 2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trải qua gần bảy thập kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, thủy chung, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực…
Tình hữu nghị thủy chung, nồng ấm
Ngày 30.1.1950, Việt Nam (lúc đó là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô). Ngày này đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt-Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia.
Từ những ngày đầu lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đặc biệt, tháng 7.1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ sang thăm Liên Xô nhằm củng cố tình đoàn kết hữu nghị, tăng cường mối quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước.
Đáp lại tình cảm chân thành của Việt Nam, Liên Xô cũng dành cho Việt Nam những tình cảm nồng thắm và sự giúp đỡ hào hiệp. Trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, Liên Xô không chỉ giúp đỡ Việt Nam về tiền bạc, hiện vật mà các chuyên gia nước bạn còn sang tận nơi giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều công trình do nước bạn giúp xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, đến nay vẫn phát huy hiệu quả, như: Trường Đại học Bách Khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô...
Sau chiến tranh, với sự hỗ trợ của Liên Xô, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-giáo dục... đã được xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước. Hàng chục ngàn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam-Nga ngày nay đã kế thừa quan hệ Việt-Xô với tài sản quý báu là những thành quả to lớn của tình hữu nghị và quan hệ hợp tác truyền thống khởi nguồn từ những năm trước. Sau những nỗ lực khôi phục và phát triển quan hệ song phương trong những năm 90 của thế kỷ XX, năm 2001 Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đến năm 2012 nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng nhu cầu hợp tác song phương trong thời kỳ mới.
Quan hệ chính trị với độ tin cậy cao
Trong những năm qua, quan hệ chính trị Việt-Nga với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược. Từ năm 2008, Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao-quốc phòng-an ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN…
Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).
Đến nay, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký hơn 30 văn kiện cấp Nhà nước và Chính phủ, một cơ sở pháp lý đồ sộ cho sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trong giai đoạn mới.
Hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu
- Kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đã tăng mạnh. Đặc biệt, sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10-2016, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 30%/năm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, kim ngạch thương mại Việt-Nga đạt 3,55 tỷ USD năm 2017, tăng 31% so với năm 2016; Năm 2018 là 4,57 tỷ USD, tăng khoảng 28,6% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt trên 2,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt trên 2,1 tỷ USD. Nhiều mặt hàng của Nga, như: nông sản, nhiên liệu, than... đã được xuất khẩu sang Việt Nam. Ngược lại, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, như: nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép… ngày càng hiện diện nhiều hơn tại thị trường Nga. Về tổng thể, hiện Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu.
Về đầu tư, tính đến đầu năm 2019, Nga có 123 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần một tỷ USD, cao thứ 24 trong số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cũng có 23 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đứng thứ 3/75 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam, tập trung trong các lĩnh vực như: khai thác dầu khí, viễn thông, trung tâm thương mại, nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa...
- Tích cực triển khai các dự án hợp tác về năng lượng
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.
Phát huy những thành công trong hợp tác trên lĩnh vực năng lượng truyền thống, hai bên đang tích cực nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác về năng lượng tái tạo, giống cây trồng, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp. Hợp tác trong sản xuất thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, như: thuốc chữa ung thư, thuốc đông y cũng có nhiều triển vọng.
- Hợp tác khoa học, giáo dục, du lịch, tiếp tục được duy trì
Về khoa học, đến nay, hai nước đã thực hiện khoảng 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 6.2017), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt nam.
Ở lĩnh vực du lịch, Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam đón trên 570.000 lượt khách du lịch Nga, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2018, lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam đạt mức kỷ lục với trên 600.000 lượt. Ở chiều ngược lại, Nga cũng trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch Việt Nam.
Các hoạt động giao lưu văn hóa cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga.
Về giáo dục, hàng năm Chính phủ Nga đều gia tăng số lượng học bổng miễn phí dành cho công dân Việt Nam. Năm 2016 là 855 suất, năm 2017 là 953 suất và đến năm 2020 dự kiến sẽ là 1.000 suất. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga.
Hợp tác giữa các địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Moskva, Saint Peterburg. Cộng đồng người Việt Nam với khoảng 60.000-80.000 người hiện đang sinh sống tại Nga, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình.
Nhìn lại chặng đường 69 năm đã qua, có thể tự hào rằng, quan hệ Việt Nam-Nga, với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tôn trọng, tin cậy sâu sắc và tương trợ lẫn nhau, đã vượt qua nhiều thử thách và đang vươn đến những tầm cao mới. Đặc biệt, năm nay, hai nước tổ chức Năm Chéo - Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam. Đây là một sự kiện lớn, mang nhiều ý nghĩa trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Theo TTXVN