Nhiều "gánh nặng" đang chờ đợi tân Tổng thống Ukraine
Bình luận - Ngày đăng : 14:38, 21/05/2019
Tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Ngày 20.5, ông Volodymyr Zelensky chính thức nhậm chức, trở thành tân Tổng thống của đất nước Ukraine. Lên nắm quyền lãnh đạo trong bối cảnh đất nước này đã có 5 năm chìm trong bất ổn dưới thời người tiền nhiệm Petro Poroshenko, vì vậy con đường trước mặt tân Tổng thống Volodymyr Zelensky được xem là vô cùng khó khăn và thách thức.
Sự kỳ vọng của người dân Ukraine
Trải qua 2 vòng bầu cử vào ngày 31.3 và ngày 21.4, ông Zelensky, 41 tuổi, đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ là đương kim Tổng thống Petro Poroshenko với 73% số phiếu ủng hộ.
Trở thành Tổng thống Ukraine, ông Zelensky phải đối mặt với những thách thức như tình trạng đất nước Ukraine kiệt quệ vì suy thoái kinh tế, chia rẽ và xung đột triền miên, tương lai khó đoán định. Ukraine sau 5 năm dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Petro Poroshenko đã khiến người dân thất vọng vì vấn nạn tham nhũng vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho kinh tế nước này. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2017, Ukraine xếp hạng 130/180 về Chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu. Ngoài ra, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đến nay vẫn gây chia rẽ đất nước.
Các nhà phân tích cho rằng có lẽ chính bối cảnh này đã gây ra sự thất vọng và chán nản trong lòng người dân Ukraine, và điều này lý giải về chiến thắng của ông Zelensky trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, bất chấp ông không phải là chính trị gia và cũng không đưa ra một chương trình hành động cụ thể nào.
Nhưng cũng chính vì là người chưa có bất kể kinh nghiệm chính trường nào nên không ít người đã lo ngại tân Tổng thống Ukraine khi nhậm chức sẽ có thể bị chi phối bởi phía Nga hay một số thế lực tài phiệt Ukraine thao túng. Vì vậy, nhiệm vụ của ông Zelensky được cho là không chỉ khắc phục những “mục tiêu còn dang dở” của chính quyền tiền nhiệm mà còn phải giải quyết cả những thách thức mang tính địa chính trị như sự lựa chọn giữa Nga và châu Âu, hoặc có thể là một tương lai trung lập hơn cho Ukraine.
Và câu hỏi được nhiều người đặt ra hiện nay là tân Tổng thống Zelensky sẽ làm gì với những công việc ngổn ngang mà người tiền nhiệm để lại?
Cam kết "bảo vệ chủ quyền và độc lập của Ukraine"
Phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội ngày 20.5.2019, tân Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ "bảo vệ chủ quyền và độc lập của Ukraine". Ông khẳng định điều quan trọng nhất hiện nay là chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine, đồng thời cam kết "tái khởi động" tiến trình hòa đàm với các bên theo thỏa thuận Minsk. Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố chính quyền sắp tới ở Ukraine sẽ tuân thủ lộ trình chính sách đối ngoại của nước này trong việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Về đối nội, các nhà phân tích nhận định, ông Zelensky sẽ phải đối mặt với một số khó khăn. Đó là việc phải giải quyết rất khẩn cấp việc xây dựng lực lượng chính trị trong đảng "Người phục vụ nhân dân” của mình, có tuổi đời chỉ tính từ ngày bầu cử, thành một đảng chính trị đúng nghĩa. Nhiều người cho rằng, khó khăn đối với ông Zelensky hiện nay là dù giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua song hiện nay Đảng "Người phục vụ nhân dân” mới thành lập của ông lại thiếu đại diện trong Quốc hội. Trong khi đó, nhóm trung thành với cựu Tổng thống Poroshenko hiện vẫn là lực lượng lớn nhất trong Quốc hội. Trong bối cảnh này, ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Zelensky đã tuyên bố giải tán Quốc hội. Các nhà phân tích cho rằng nếu tiến hành bầu cử sớm thì nhiều khả năng sẽ có lợi cho ông Zelensky bởi điều này giúp ông tranh thủ sự ủng hộ đối với ông đang ở mức cao, qua đó giúp đảng của ông có cơ hội giành chiến thắng.
Bên cạnh đó, vực dậy nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn cũng là một trong những nhiệm vụ nặng nề đối với tân Tổng thống Ukraine. Ông Zelensky tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và cam kết làm tất cả những gì cần thiết để giải quyết số nợ của Ukraine. Giải quyết tình trạng thất nghiệp cũng là một bài toán hóc búa. Hiện tình trạng thất nghiệp đã khiến 3,2 triệu người dân Ukraine phải tìm kiếm việc làm ổn định tại các quốc gia khác, trong khi tỷ lệ đói nghèo và bất bình đẳng xã hội trong nước ở Ukraine hiện cũng vẫn đang ở mức cao.
Về đối ngoại, ông Zelensky vẫn muốn theo đuổi mục tiêu hội nhập với châu Âu, giống như quan điểm của người tiền nhiệm Poroshenko, song ông cũng không lựa chọn “đối đầu” với Nga như cách mà chính quyền Poroshenko đã làm. Ông Zelensky cam kết chính quyền sắp tới sẽ tuân thủ lộ trình chính sách đối ngoại của nước này trong việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU. Tuy nhiên, cho tới nay, cả EU và NATO đều tuyên bố rằng hiện còn quá sớm để nói về việc Ukraine gia nhập, cho tới khi nào nước này đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết và tiến trình vốn có thể mất nhiều năm.
Hơn nữa, các chuyên gia nhận định, nếu ông Zelensky theo đuổi đường lối thân phương Tây thì việc cải thiện quan hệ với Nga sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Trong khi đó, đến nay ông Zelensky vẫn khẳng định mong muốn đàm phán với Nga trong vấn đề lớn nhất hiện nay của Ukraine là khủng hoảng ở miền Đông. Về vấn đề ở miền Đông Ukraine, mới đây cố vấn của Tổng thống đắc cử Ukraine về các vấn đề quốc tế, kinh tế và tài chính, ông Oleksandr Danylyuk, cho biết việc nối lại vòng đàm phán theo thể thức Normandy là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống đắc cử Volodymyr Zelenskiy sau khi nhậm chức. Theo đó, Tổng thống Zelensky sẽ đặt ưu tiên hàng đầu trong việc nối lại đàm phán của nhóm Bộ Tứ Normandy, song mục đích chính của ông không phải là tổ chức hội nghị càng sớm càng tốt mà là biến hội nghị thành sự kiện có ý nghĩa. Tổng thống Zelensky hy vọng đây là bước đi quan trọng mà cử tri Ukraine kỳ vọng trong việc từng bước tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông đất nước.
Bộ tứ Normandy là nhóm gồm 4 nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine ra đời vào tháng 6.2014 nhằm giải quyết những xung đột và tái thiết hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, do mâu thuẫn giữa các bên đã khiến cuộc họp của nhóm bị trì hoãn. Lần gần đây nhất vào tháng 6.2018, Ngoại trưởng 4 nước đã nhóm họp tại Berlin (Đức) thảo luận về việc giảm bớt căng thẳng tại Ukraine và triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ngoài các cuộc đàm phán hòa bình Minsk, tân Tổng thống Zelensky cũng khẳng định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ông là đưa tất cả các công dân, binh lính Ukraine bị bắt giữ trở về nước, bao gồm cả các thủy thủ bị Nga tạm giữ hồi năm ngoái. Vào năm ngoái, mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và Ukraine kể từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea, đã bị đẩy lên một nấc thang nghiêm trọng sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực Biển Đen gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải. Vì vậy, các nhà phân tích nhận định, việc đàm phán với Nga để đưa được các thủy thủ Ukraine bị bắt trong sự việc trên cũng được xem là một bài toán khó với tân Tổng thống Ukraine.
Mặc dù vậy, việc đối thoại với Nga hiện nay được xem là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với tân Tổng thống Ukraine khi mà mới đây, giữa hai nước lại bùng phát căng thẳng xoay quanh việc Tổng thống Nga Putin ký một sắc lệnh cho phép công dân của một số khu vực nhất định ở Ukraine, thuộc vùng Donetsk và Lugansk, được cấp quyền công dân Nga một cách dễ dàng. Trên thực tế, việc Nga đề xuất cung cấp “quy chế mở” cho những người thuộc Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine được có hộ chiếu Nga đã được đề cập từ năm 2014. Đến đầu năm 2019, Nga đã nhắc lại quy chế này và đến ngày 24.4.2019, Nga đã chính thức ban bố sắc lệnh trên. Kể từ tháng 4.2014 đến tháng 4.2019, Nga đã tiếp nhận hơn 900.00 người dân từ Donetsk và Lugansk. Nga hiện cũng là nhà của 2,3 triệu người Ukraine nói chung.Do đó, phản ứng lại động thái của Nga, hồi tháng 1.2019, Ukraine đã lên án chính sách này một cách mạnh mẽ. Ngày 24.4, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavel Klimkin đã mô tả sắc lệnh này của Nga là “một hành động gây hấn và xâm lược Ukraine”. Những tuyên bố này của ông Klimkin đã lại một lần nữa gây sóng gió trong quan hệ giữa Nga và Ukraine liên quan đến vấn đề Donetsk và Lugansk. Điều này đặt Tân tổng thống Zelensky trước thách thức không nhỏ. Và để giải quyết triệt để vấn đề hộ chiếu này, tân Tổng thống Ukraine sẽ buộc phải đối thoại với nhà lãnh đạo Nga, điều được cho là một nhiệm vụ rất khó khăn…
Theo TTXVN