30 gian hàng trưng bày tại Ngày hội vải thiều Thanh Hà

Kinh tế - Ngày đăng : 11:13, 23/05/2019

Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019 sẽ có 30 gian hàng trưng bày nông sản đặc trưng của các xã, thị trấn.

Sở Công thương đã kết nối với 10 doanh nghiệp để tiêu thụ quả vải cho nông dân Hải Dương gồm: Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Central Group Việt Nam (doanh nghiệp sở hữu hệ thống Big C), Tập đoàn An Việt, hệ thống siêu thị Saigon Co.op mart, các Công ty: TNHH Rồng Đỏ, TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, CP Nhất Nam, CP Thực phẩm Tinh Túy, CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Liên Hưng Phát. Các doanh nghiệp này đã được Sở Công thương cung cấp các thông tin liên quan đến sản lượng, chất lượng cũng như danh sách các vùng trồng, nhà vườn sản xuất quả vải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP để doanh nghiệp chủ động liên hệ ký kết tiêu thụ.

Một số doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ, xuất khẩu nông sản lớn sẽ được mời tham gia Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019 để ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua ngay tại ngày hội.



Vải sớm là sản phẩm chủ lực để trưng bày tại các gian hàng trong ngày hội

Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019 sẽ có 30 gian hàng trưng bày nông sản đặc trưng của các xã, thị trấn. Ngoài quả vải, các xã Hồng Lạc, Tiền Tiến, Việt Hồng, Cẩm Chế, Quyết Thắng… sẽ trưng bày ổi, rau các loại, gạo nếp, chuối… Bên cạnh đó, các xã còn bày bán thêm các mặt hàng như rươi, cáy, mật ong, cây giống. Ngoài 25 gian hàng của các xã, thị trấn, còn có các gian hàng của một số doanh nghiệp trong huyện như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Bắc, cơ sở nuôi ong Điệp Quyên…

Ngày 25.5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đưa một số công ty lữ hành, cơ quan truyền thông để quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của huyện; đưa đoàn trải nghiệm vườn vải sớm của một gia đình ở xã Thanh Bính; tham quan, khảo sát các địa điểm như khu vực cây vải tổ ở xã Thanh Sơn, vườn ổi xã Liên Mạc...  Do lượng vải thiều năm nay thấp, giá vải sớm lại cao nên hoạt động trải nghiệm vườn vải trong ngày 26 sẽ hạn chế hơn so với lễ hội năm ngoái. 

Do các triền sông không có nhiều vải như năm trước nên trong Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm nay, huyện sẽ không tổ chức dẫn tour trải nghiệm ở khu vực đồng Mẩn (xã Thanh Khê) và trên sông Hương. Tuy nhiên, Ban tổ chức ngày hội đã giao Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp đưa du khách đến những điểm có nhu cầu tham quan. Các điểm tham quan, trải nghiệm sẽ tập trung ở một số vườn vải sớm tại khu Hà Đông, khu vực cây vải tổ và một số di tích như chùa Đồng Ngọ (xã Tiền Tiến), chùa Minh Khánh (thị trấn Thanh Hà).


Do nguồn cung vải sớm chưa nhiều nên vải được bán ở các cửa hàng hoa quả tại TP Hồ Chí Minh ít hơn năm trước

Theo thông tin từ đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), hiện mỗi ngày chợ tiếp nhận từ 50-60 tấn vải sớm, chủ yếu là vải u hồng và u trứng, trong đó khoảng 40% có xuất xứ từ Hải Dương, giảm khoảng 20% so với vụ vải năm trước. Nguyên nhân do giá bán khá cao và nguồn cung cũng chưa nhiều. Hiện giá bán buôn vải sớm tại các chợ đầu mối từ 70.000-80.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Sau khi tập kết tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, vải sớm được chuyển đi các cửa hàng, chợ dân sinh tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận với giá từ 90.000-100.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000-20.000 đồng/kg so với vụ vải trước.

Vải được đóng gói trong các thùng xốp, thùng gỗ và được bảo quản lạnh để vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh nên chất lượng, mẫu mã bảo đảm.

PV