Vì sao các điều luật cấm quảng cáo, bán rượu bia trên mạng bị ''đẩy ra ngoài''?

Chính trị - Ngày đăng : 11:43, 23/05/2019

Với việc bỏ và "đẩy ra ngoài" nhiều quy định gây tranh cãi từ kỳ họp trước, dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội thảo luận tiếp tục làm nóng nghị trường sáng 23.5.


Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Dự thảo nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, có đến 30 đại biểu đăng ký phát biểu.

Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet

Một trong những điều luật trong dự thảo luật gây tranh cãi từ kỳ họp trước là quy định cấm bán rượu, bia trên internet tiếp tục có thêm nhiều ý kiến trái chiều về việc bỏ hay không bỏ quy định này.

Trong dự thảo lần này, quy định trên đã được bỏ và chỉ giữ quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.

Ngoài ra, dự thảo chỉ quy định cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên thay vì cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên như dự thảo trước.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết có ý kiến cho rằng quy định cho phép quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn nhưng cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên là bất công, không hợp lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng độ cồn trong sản phẩm rượu, bia quyết định những tác động có hại của rượu, bia đến sức khoẻ con người, nên việc quản lý quảng cáo rượu theo độ cồn là cần thiết.

Kinh nghiệm quốc tế cũng như Việt Nam, thường căn cứ trên nồng độ cồn của sản phẩm mà quy định các giải pháp quản lý phù hợp.

Do đó, dự thảo luật đã quy định những biện pháp quản lý quảng cáo rượu theo hướng quản lý chặt với rượu có độ cồn cao, từ 15 độ cồn trở lên. Giảm nhẹ hơn đối với rượu từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn và bia từ 5,5 độ cồn trở lên.

Quản lý ở mức thấp đối với rượu, bia dưới 5,5 độ cồn.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật lần này là khung thời gian cấm không được quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn được "thu hẹp" xuống còn 19 -20 giờ.


Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên). Ảnh: Quochoi.vn

Điều khoản luật càng ngày càng yếu

Việc bỏ ra khỏi dự thảo một số điều luật về quảng cáo, cũng như thu hẹp khung giờ cấm quảng rượu, bia dưới 15 độ cồn khiến một số đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng không cần dẫn chứng những vụ việc nhức nhối của những vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục do rượu bia ai cũng có nhận thức được tác hại từ rượu, bia.

Nếu dùng rượu bia nếu không kiểm soát thì bất kỳ ai cũng trở thành nạn nhân, thậm chí trở thành tội phạm.

Bà Hiền bày tỏ băn khoăn khi các giải pháp "mạnh" của dựa thảo lần trước đã bị bỏ hoặc giảm nhẹ liệu có tạo rào cản đủ chắc để giải quyết việc phòng chống tác hại của rượu bia đối với trẻ em, vị thành niên.

"Tôi thấy bất ngờ vì dự thảo lần này không còn quy định cấm bán rượu, bia trên 15 độ cồn trên internet. Không thể bỏ qua đánh giá tác hại của việc trẻ em tiếp cận quảng cáo rượu bia trên mạng trong khi nội dung này thực tế đã quy định tại nghị định Chính phủ. Nên giữ lại quy định", bà Hiền nói.

Cũng theo bà Hiền, khung giờ 19 - 20 giờ là thời gian quảng cáo. Đây chỉ là khung giờ vàng theo quan điểm của người lớn, nhưng không có ý nghĩa ưu tiên để hạn chế người trẻ tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia. Bà đề nghị tăng khung cấm quảng cáo lên 18 - 21 giờ.

Cũng theo bà Hiền, thực tế các loại bia phổ biến trên thị trường hiện nay có độ cồn 4,2 - 5. Tài liệu tổ chức y tế thế giới nêu rõ bia đang là đồ uống phổ biến tại Việt Nam và trong điều kiện các nhà sản xuất quảng cáo rộng rãi như hiện nay, bia sẽ là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu lựa chọn nước uống có cồn.

Bà đề nghị quy định độ cồn từ 4 độ trở lên thay vì 5,5 độ như hiện nay.

Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) thì cho rằng nội dung quy định như dự thảo luật lần này sẽ thiếu tính khả thi, không hiệu quả khi đưa vào áp dụng thực tế cuộc sống. Bà Ksor H'Bơ Khăp lấy ví dụ: Rượu, bia tác động mức độ như thế nào tùy thuộc vào thể trạng của từng người.

"Kể cả khi đo nồng độ cồn cùng một lượng bia, rượu bằng máy, không phải người nào cũng có kết quả như nhau. Có người uống một ly đã tắc thở nhưng có người uống một lít vẫn bình thường. Có khi một đứa trẻ uống không sao nhưng người trưởng thành lại say xỉn. Bản thân tôi ngay từ bé đã được uống rượu, là ví dụ rất thực tiễn bản thân tôi trải nghiệm”, bà Ksor H'Bơ Khăp chia sẻ.

Mâu thuẫn, "cài cắm" hay "thiếu sót đầy chủ ý" về luật?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng một số điều luật được cho là "xương sống" của dự thảo luật lần trước như cấm quảng cáo, cấm bán rượu, bia trên internet… đã bị "đẩy ra ngoài" làm những vấn đề đặt ra tại kỳ họp trước không được giải trình thỏa đáng.

Theo ông Nhân, với xu thế phát triển của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa hiện nay, việc bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên 15 độ cồn trên internet bị bỏ ra là "vẽ đường cho hươu chạy".

"Thật lạ là báo cáo giải trình cho việc bỏ này là vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ tác hại đến đến trẻ em, những đối tượng yếu thế của xã hội.

Việc vừa cho rằng không đủ nguồn lực hiện có không đảm bảo, vừa cho phép bán rượu, bia trên internet, trong khi biện pháp kiểm soát là không thể thì nên hiểu đây là sự mâu thuẫn, cài cắm hay sự thiếu sót đầy chủ ý về mặt lập pháp", ông Nhân nói.

Theo Tuổi trẻ