Phòng chống dịch chưa hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:10, 25/05/2019
Điều này cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, nhưng cũng thể hiện công tác phòng chống bệnh DTLCP ở nhiều tỉnh, thành phố còn hạn chế, chưa hiệu quả.
Đến nay, bệnh DTLCP đã xuất hiện ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, từ khi bắt đầu phát sinh ở tỉnh Hưng Yên ngày 1.2, bệnh lây lan với tốc độ “chóng mặt” và gây thiệt hại lớn chưa từng có đối với ngành chăn nuôi. Đến ngày 21.5 có 35 tỉnh, thành phố trong cả nước có bệnh DTLCP với hơn 1,5 triệu con lợn bị tiêu hủy. Tỉnh ta thuộc nhóm các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nhất. Theo Chi cục Thú y tỉnh, đến ngày 21.5, toàn tỉnh có gần 248.000 con lợn bị tiêu hủy, chiếm khoảng 16% tổng số lượng phải tiêu hủy của cả nước; 254 xã, phường, thị trấn đã xuất hiện bệnh DTLCP, chỉ còn 10 đơn vị cấp xã chưa bị dịch lây lan.
Ngoài các lý do khách quan như đây là loại bệnh mới, chưa có vaccine điều trị, cơ quan chức năng và người dân cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống dịch thời gian qua để kịp thời rút kinh nghiệm.
Những thiệt hại lớn cho thấy cơ quan chức năng và người dân ở nhiều địa phương còn chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Khi bệnh DTLCP chưa phát sinh tại tỉnh ta, ít người nghĩ rằng nó sẽ gây thiệt hại nặng nề đến vậy. Ở một số địa phương, công tác phòng chống bệnh DTLCP chưa ngang tầm với mức độ nguy hiểm của bệnh này, còn có biểu hiện bị động, lúng túng. Nhiều nơi không thực hiện nghiêm túc các biện pháp kinh tế - kỹ thuật để ngăn ngừa bệnh, hoặc có làm nhưng chỉ qua loa, đại khái. Tình trạng vứt lợn chết bừa bãi còn xảy ra. Người dân bức xúc vì hố chôn lấp lợn bệnh không bảo đảm, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng vận chuyển lợn ra vào vùng dịch vẫn xuất hiện. Nhiều xã đã tạm khống chế được bệnh DTLCP song để bùng phát lại. Một người dân ở xã Thanh Giang (Thanh Miện) còn lấy lợn từ nơi khác về báo xin tiêu hủy để trục lợi hỗ trợ của Nhà nước. Đàn lợn của Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh cũng bị bệnh DTLCP. Tất cả 100 con lợn đực và nhiều lợn nái, lợn thịt ở đây phải tiêu hủy. Việc một đơn vị chuyên cung cấp liều tinh dịch lợn cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh để xảy ra bệnh cho thấy những hạn chế trong công tác phòng dịch ở đây. Dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao nhiều trang trại chăn nuôi nằm trong vùng dịch vẫn không bị nhiễm bệnh mà một cơ sở lẽ ra cần phải phòng bệnh tốt nhất lại bị?
Với thiệt hại nặng như vậy, mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ta năm 2019 tăng từ 8,5% trở lên đang đứng trước thách thức lớn. Không chỉ người chăn nuôi bị ảnh hưởng mà toàn tỉnh cũng phải chi nhiều kinh phí để phòng chống dịch và hỗ trợ người dân.
Dù dịch bệnh chưa chấm dứt song ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo: Có đủ nguồn giống để tái đàn kịp thời không? Nguồn giống đó có bảo đảm chất lượng không? Làm gì để tránh bỏ trống chuồng trại, nhưng cũng không nên tái đàn ồ ạt khi giá thịt lợn tăng? Việc tổ chức lại chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư thế nào để hạn chế thiệt hại khi có dịch bệnh lớn xảy ra?...
Việc rút ra những kinh nghiệm, bài học trong phòng chống bệnh DTLCP càng quyết liệt, càng sớm bao nhiêu thì càng góp phần khống chế bệnh sớm hơn bấy nhiêu. Những kinh nghiệm ấy cũng không chỉ áp dụng với "cơn bão" bệnh DTLCP mà cần thực hiện khi đối phó với các loại bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi.
NINH TUÂN