Quỳ hay không quỳ?
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:25, 26/05/2019
Một phụ huynh có con học tại Trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã viết đơn kiến nghị gửi UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Thường Tín về việc cô giáo chủ nhiệm bắt con trai mình phải quỳ gối trong giờ học. Ngay sau khi xác minh thông tin, Phòng GDĐT huyện Thường Tín đã ra quyết định đình chỉ dạy học đối với cô giáo. Câu chuyện này nhiều ngày qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và dấy lên những ý kiến trái ngược.
Quan điểm “quỳ không chết, con hư mới chết” cho rằng khi học sinh phạm lỗi nhiều lần, không có ý thức tiến bộ thì quỳ một lần để nhìn nhận ra cái sai không phải điều gì to tát. Chỉ sợ dung túng cho con em trước cái sai, từ đó nảy sinh suy nghĩ hư hỏng, lệch lạc thì hậu quả sau này mới khiến người ta “chết”. Trong khi đó, những người ủng hộ quan điểm trái ngược cho rằng tâm lý lứa tuổi học sinh rất nhạy cảm. Việc bắt các em quỳ trước lớp có thể nảy sinh tâm lý tiêu cực, dẫn đến những hậu quả khó đoán định. Đây là những điều đi ngược lại quy định của ngành giáo dục, vi phạm đạo đức nghề giáo và làm xấu đi hình ảnh người thầy trên bục giảng. Họ cho rằng đây là cách dạy dỗ học sinh phản giáo dục.
Bất kỳ sự việc nào cũng đều có tính hai mặt và trong câu chuyện này, quan điểm nào cũng đều có những lý lẽ thuyết phục nhất định. Tuy nhiên, đứng trên góc độ “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, nếu bắt học sinh quỳ gối xuất phát từ cái tâm của người thầy giáo thì đây lại là một câu chuyện khác. Không phải vô cớ mà người thầy bắt học sinh phải chịu phạt và hầu hết các trường hợp này đều bị dư luận lên tiếng. Song, phần lớn nguyên nhân lại đến từ phía học sinh: quậy phá, lười học, học tập không nghiêm túc… Ngoài giảng dạy chuyên môn, không ít giáo viên phải chịu nhiều áp lực, từ việc lên lớp, soạn bài đến công tác chủ nhiệm lớp, công việc gia đình, đặc biệt với những giáo viên mà ở lớp có nhiều học sinh cá biệt.
Nếu như ngày trước, người thầy có quyền áp dụng nhiều hình phạt với học sinh mắc lỗi thì nay giáo viên có thể bị mất việc nếu làm điều tương tự. Nhớ thời mỗi sáng chào cờ đầu tuần, những em mắc lỗi phải chịu phạt dưới cờ trước toàn trường, hay trong giờ học nói chuyện riêng sẽ “ăn nguyên viên phấn vào đầu”… nhưng không ai cho rằng đó là hành vi xúc phạm học sinh của giáo viên. Ngày nay, giáo viên gần như chỉ có thể làm công tác giảng dạy, rất khó kỷ luật học sinh, học sinh dường như là "vùng cấm". Không ai muốn đề cao tác dụng của những hình phạt, càng không có bậc cha mẹ hay thầy cô nào lại muốn thiên về “roi vọt” với con cái, với học trò của mình. Bởi tất cả đều biết rằng đó chỉ là phương tiện thứ yếu trong giáo dục, là việc làm bất đắc dĩ.
Có lẽ đến lúc nên có cái nhìn khách quan hơn với câu chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ gối trước lớp trong giờ học hoặc các giáo viên áp dụng hình thức xử phạt các em. Cần phân biệt việc bắt học sinh quỳ để dạy dỗ khác với trù dập, ghét bỏ, bạo hành học sinh. Thương cho roi cho vọt trong một số trường hợp vẫn có thể chấp nhận được. Người Việt ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Nếu không được xử lý thì chính thái độ vô lễ, không nghe lời hay thậm chí thách thức thầy cô của nhiều học sinh đôi khi còn nặng nề hơn cả việc phải quỳ trước lớp.
HÀ KIÊN