Người chồng toan tính
Đời sống - Ngày đăng : 16:57, 26/05/2019
Tôi biết thỉnh thoảng chồng vẫn mở ra xem nhưng lại vờ như chẳng quan tâm đến mấy chuyện mua bán lặt vặt của đàn bà. Tôi có chìa ra trước mặt nói: “Anh xem em chi tiêu thừa thiếu thế nào. Không sau này lại bảo tiền đi đâu mà hết”. Thì kiểu gì chồng cũng phẩy tay bảo: “Chuyện bán mua, chợ búa anh tin tưởng vào em”. Tôi thừa biết chồng mình thuộc dạng “chắc lép”. Từng có thời anh sờ ví thấy thiếu vài chục nghìn cũng hỏi: “Em mới lấy đúng không?”. Đó là quãng thời gian tôi mới sinh đứa con đầu, ở nhà chăm con và quán xuyến gia đình. Anh đi làm nuôi cả nhà bằng đồng lương ít ỏi. Vài ngày anh lại bỏ thêm vài trăm vào chiếc ví dùng để tiền đi chợ. Anh quản lý đến từng đồng bằng cách vờ hỏi han quan tâm xem giá cả mớ rau, con cá thế nào. Anh sợ tôi bớt xén tiền dấm dúi quà cáp cho nhà ngoại. Cứ tưởng khi cuộc sống khấm khá hơn anh sẽ nghĩ thoáng ra. Sẽ thôi không tính toán chi ly từng đồng. Nhưng hóa ra khi có tiền anh lại tính toán với tôi theo kiểu khác. Hôm qua lúc ngồi xâu chuỗi lại các sự việc với nhau tôi thấy lòng tê tái. Người ta nói “của chồng công vợ”, “gái có công thì chồng không phụ”. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi thì hoàn toàn khác. Khi phần lớn những đồng tiền hai vợ chồng kiếm được anh đều giấu giếm giữ làm tài sản của riêng mình. Cay đắng hơn khi bố mẹ chồng lại đứng sau mọi chuyện.
Sáu năm trước, chồng nói với tôi bỏ ít tiền ra cải tạo mặt bằng trước nhà. Vườn rau chuyển ra phía sau, đổ nền bê tông sạch sẽ rộng chừng gần hai chục mét vuông. Anh xin đâu được ít gạch mẫu bày ra trước nhà, chẳng che mưa che nắng. Rồi nhờ bạn làm cho cái biển hiệu “Chuyên cung cấp các loại gạch lát nền” treo phất phơ trước cửa. Hằng ngày, tôi ở nhà có khách đến xem mẫu thì tiếp. Khách đặt loại nào thì ghi vào chờ chồng tôi về liên hệ với nhà máy gạch. Ban đầu nhìn chồng bày gạch mẫu sơ sài, trông chẳng giống hàng quán tẹo nào tôi nghĩ chắc gì ai ngó ngàng, chắc gì làm ăn được. Sau giờ làm ở cơ quan, chồng tôi bắt đầu chịu khó đi giới thiệu sản phẩm, cứ thấy chỗ nào đang xây dựng là vào. Cũng nhờ phục vụ khách chu đáo mà người này mách người kia, thành ra đông khách. Hai năm sau tôi xoay vốn mở showroom bán vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh, đầu tư cả mấy trăm triệu đồng. Chồng tôi nghỉ làm công chức ở nhà chuyên tâm buôn bán. Tôi giao lại toàn bộ sổ sách giấy tờ nhưng vẫn cùng chồng lo liệu mọi công việc trong nhà. Tôi không khi nào kiểm tra xem hằng tháng thu chi ra sao vì tin tưởng tuyệt đối vào chồng. Anh đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu. Tôi chi tiêu trong gia đình, lo cho các con học hành, còn bao nhiêu mang gửi tiết kiệm. Nếu tôi có tiện miệng hỏi: “Sao tháng này bán được hàng mà tiền thu về ít vậy?” thì thể nào anh cũng bảo: “Tiền còn để quay vòng làm ăn”. Tôi tin chồng mà đâu biết anh giấu giếm tiền bạc nhờ bố mẹ đứng tên mua đất rồi làm thủ tục tặng lại cho mình. Không phải một mảnh mà là hai mảnh đất. Anh cố tình mua đất thật xa, tận ngoài rìa thành phố. Nhưng người tính không bằng trời tính, tôi tình cờ gặp lại cô bạn học chung cấp hai và phát hiện chồng từng vài lần đến văn phòng bất động sản của bạn để tìm mua đất.
Tôi chột dạ, âm thầm theo dõi chồng. Cho đến khi cầm trên tay hai cái sổ đỏ đứng tên một mình chồng, tôi mới nhìn thấu được những toan tính của người đầu ấp má kề. Mười năm qua tôi toàn tâm toàn ý vun vén gia đình lo liệu làm ăn. Từng có lúc bố mẹ chồng ốm đau trong nhà không còn một đồng nào, vì muốn giữ sĩ diện cho chồng tôi một mình xoay xở, vay mượn khắp nơi. Bao nhiêu đồ trang sức mua từ lúc còn trẻ, cả quà cưới bố mẹ, anh chị em trong nhà tặng tôi đều phải bán đi. Cũng từng có lúc phải về nhà ngoại mượn sổ đỏ mang đi vay ngân hàng để xoay vốn làm ăn. Vậy mà… Tôi tự hỏi anh đang toan tính gì. Tôi cay đắng nhận ra chồng và gia đình bên anh chưa từng coi mình là con trong nhà nên đã qua mặt tôi mọi chuyện. Tôi quyết định phải nói chuyện rõ ràng với chồng. Nếu anh còn tiếp tục không tin tưởng vợ, chỉ bo bo tính toán riêng cho mình, tôi nghĩ bản thân cũng không còn gì phải hối tiếc về cuộc hôn nhân này.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG