Xử trí khi trẻ bị rôm sảy mùa nóng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:04, 27/05/2019

Rôm sảy thường gặp ở trẻ khi thời tiết nóng và độ ẩm cao, oi bức. Trẻ xuất hiện các chấm, sẩn đỏ tại các vùng ẩm của cơ thể, thường thấy ở các nếp gấp da của cổ, ngực, cánh tay, cẳng chân...



Nguyên nhân là do bít tắc các nang tiết mồ hôi ở lỗ chân lông. Nhiệt độ nóng làm cơ thể phải điều nhiệt bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi làm giảm nhiệt độ cơ thể. Khi mồ hôi tiết ra quá nhiều, thêm vào việc các lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn, do nhiễm khuẩn sẽ làm mồ hôi bị ứ đọng gây rôm sảy.

Bác sĩ nhi khoa Đỗ Tiến Sơn khuyến cáo khi trẻ rôm sảy, phụ huynh cần cởi bỏ bớt quần áo trẻ để giữ da mát, khô thoáng. Đặc biệt chú ý đến các vùng da gấp nếp, ẩm ướt do nước tiểu, mồ hôi, phân. Tắm rửa bằng nước mát để loại bỏ dầu và mồ hôi trên da, sau đó để khô. Để thoáng vùng da rôm sảy, không cần mặc quần áo. Bật điều hòa, quạt để giữ mát cho con trẻ.

Hoạt động chuyển hóa của trẻ rất mạnh, thân nhiệt trẻ thường cao hơn người lớn. Hãy để trẻ ở nơi mát mẻ, nhiệt độ phòng 18-22 độ và mặc quần áo mỏng, nhẹ vào mùa nóng. 

"Khi trẻ đang bị rôm sảy, không bôi bất cứ loại kem nào lên da trẻ, có thể khiến lỗ chân lông thêm bít tắc. Đây là sai lầm nhiều phụ huynh thường mắc", bác sĩ Sơn phân tích.

Một số loại lá, quả dùng tắm cho trẻ rôm sảy như mướp đắng, rau má, sài đất, vỏ dưa hấu, lá đào, lá dâu... Tuy nhiên cần bảo đảm nguồn lá sạch, không có thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng thực vật. Có thể tắm cho trẻ với các sữa tắm chuyên dụng hoặc thuốc tím pha loãng.

Cần đi khám khi trẻ rôm sẩy lâu khỏi, bị diện rộng, có mụn mủ, trẻ có triệu chứng bệnh khác kèm theo.

LÊ PHƯƠNG (VnExpress)