Bình Giang không còn ruộng hoang
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:07, 27/05/2019
Vụ chiêm năm 2019, huyện Bình Giang gieo cấy 6.033 ha, không có diện tích bỏ hoang
Vụ chiêm xuân năm 2019, huyện là 1 trong 3 địa phương của tỉnh không còn ruộng hoang.
Cùng với sự phát triển các khu công nghiệp, tốc độ đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của Bình Giang ngày càng thu hẹp so với trước. Trong khoảng thời gian từ năm 2013-2015, nhiều hộ nông dân ở Bình Giang đã tự ý bỏ ruộng, không thiết tha với cây lúa.
Lý do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá nông sản tăng không đáng kể khiến thu nhập của từ việc cấy lúa thấp. Một lý do khác là nhiều người trong độ tuổi lao động của huyện đã chuyển nghề, tìm việc làm tại khu công nghiệp cho thu nhập ổn định hơn nghề nông, dẫn đến thiếu lao động sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, hoạt động của một số khu công nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường, làm cho nhiều diện tích ruộng khó khăn trong canh tác, gieo cấy lúa…
Vấn đề đặt ra đối với Bình Giang khi đó là làm sao nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, chấm dứt tình trạng trạng nông dân chán ruộng. Cách làm của Bình Giang là làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, mỗi địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế. Khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình sản xuất lúa tập trung, sử dụng các giống lúa cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời chuyển đổi các vùng chua, trũng sang sang nuôi thủy sản…
Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, nhờ làm tốt việc dồn điền đổi thửa, Bình Giang đã khắc phục được tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được quan tâm, đầu tư đã tạo thuận lợi cho địa phương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Bình Giang đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình cấy máy tại xã Long Xuyên
Nhiều gia đình trong huyện mạnh dạn gom đất ruộng, sản xuất lúa tập trung hướng tới sản xuất lúa hàng hóa đã góp phần giải quyết bài toán xóa ruộng hoang, đồng thời phát triển kinh tế địa phương. Một số cá nhân tiêu biểu của huyện đi đầu trong tích tụ ruộng đất như các ông: Bùi Văn Huấn ở thôn Kinh Trang (xã Thái Dương), Hoàng Đình Dương ở thôn Châu Khê (xã Thúc Kháng), Vũ Đình Tam ở thôn Mộ Trạch (xã Tân Hồng), Tăng Đức Thi ở thôn Bá Thủy (xã Long Xuyên)… Những hộ này ít cũng tích tụ khoảng 7-8 ha, nhiều tích tụ từ 40-50 ha. Các địa phương tạo điều kiện cho các hộ thuê đất và có cơ chế quản lý phù hợp.
Bình Giang đã cơ bản thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo cấy đến khâu thu hoạch. Tỷ lệ thu hoạch và làm đất bằng máy đạt trên 95%, cấy máy đạt trên 10 % diện tích. Anh Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên cho biết: “Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giảm chi phí các khâu từ 25-30% so với trước. Trong khi đó năng suất lúa lại tăng khoảng 20%. Sức lao động của người nông dân được giải phóng, giải quyết được vấn đề thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp”.
Một trong những lợi thế nữa của Bình Giang so với các nơi khác là huyện có 3 đầu mối thu mua gạo lớn tại các xã Long Xuyên, Tráng Liệt và Thái Dương. Những đầu mối này đã giúp nông dân trong huyện không đắn đo trong việc tìm đầu ra sản phẩm. Bà con nông dân sau khi thu hoạch có thể bán thóc tươi ngay đầu bờ mà không phải đem về nhà phơi khô.
Vụ chiêm xuân năm 2019, toàn huyện gieo cấy 6.033 ha, đạt 100% diện tích đất lúa, không có ruộng bỏ hoang. Đến nay, Bình Giang đã có 10 mô hình sản xuất lúa tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm rộng 420 ha. Các mô hình sử dụng giống chất lượng cao như Bắc thơm số 7, Nếp 415.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Bình Giang tiếp tục mở rộng mô hình cấy lúa tập trung, mô hình cấy máy… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Phát triển sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.
HÀ NGA