Mở rộng thành công dịch vụ công trực tuyến

Xã hội - Ngày đăng : 16:14, 28/05/2019

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hải Dương mở rộng thành công với ưu điểm như tiết kiệm chi phí, an toàn, giảm độ trễ của chứng từ…


Do hầu hết các đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia dịch vụ công trực tuyến nên hội sở KBNN tỉnh giảm khách hàng giao dịch tại quầy

Xóa tâm lý e ngại

Mở rộng sử dụng DVCTT, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính là mục tiêu KBNN Việt Nam đang hướng tới để trở thành kho bạc điện tử. Từ ngày 1.2.2018, DVCTT đã chính thức vận hành và cung cấp cho các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) trên toàn quốc, nhưng sau 1 năm ở Hải Dương vẫn chỉ có Văn phòng KBNN tỉnh làm thí điểm. Vì vậy, KBNN đã tuyên truyền, phối hợp để xóa tâm lý e ngại của các đơn vị SDNS trước một phương thức giao dịch mới. 

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh là đơn vị tiên phong sử dụng DVCTT tại KBNN Hải Dương. Từ cuối tháng 3.2019 đơn vị bắt đầu đăng ký, đến nay đã thực hiện thành công 1.231 giao dịch. Ông Lê Tiến Dũng, kế toán trưởng ban cho biết qua DVCTT, việc xử lý, thanh toán hóa đơn chứng từ nhanh gọn hơn, hầu hết chứng từ đưa lên hệ thống được xử lý, giải quyết ngay trong ngày. Kế toán cũng không mất thời gian ra kho bạc vì có thể ngồi tại cơ quan để xử lý công việc.

Chị Phạm Thị Mai Phương, kế toán Trường Mầm non xã Toàn Thắng cho biết sử dụng DVCTT không cần đến KBNN huyện cách trường hơn 5 km. Thay vì hằng tháng nhiều lần đi kho bạc thì nay chỉ cần 1 chiếc laptop nối mạng ngồi ngay tại cơ quan là giải quyết được công việc. Tham gia từ ngày 16.4 đến nay, trường đã thực hiện thành công 33 giao dịch.

“Trước đây, khi giao dịch chứng từ giấy, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để theo dõi xem đã được ký duyệt chưa. Nay khi đưa chứng từ lên hệ thống, kế toán có thể nắm rõ bộ hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không và khi có sai sót, ngay lập tức được hệ thống báo trả. Cách thức giao dịch này vừa nhanh chóng vừa giúp tăng tính trách nhiệm của đơn vị SDNS trong việc hoàn tất các hồ sơ để gửi sang kho bạc”, chị Phương nói.


Sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, hiệu trưởng và kế toán Trường Mầm non xã Toàn Thắng (Gia Lộc) chỉ cần ở bất kỳ nơi nào có máy tính kết nối internet

Thành công mới là bước đầu

Ban đầu, KBNN Hải Dương dự kiến trong tháng 11.2019, các đơn vị sẽ cơ bản hoàn thành đăng ký tham gia và sử dụng DVCTT. Nhưng đến ngày 28.5, đã có 1.514 trong tổng số 1.768 đơn vị giao dịch tại KBNN tham gia DVCTT, 1.503 đơn vị đã có giao dịch thành công. 254 đơn vị chưa đăng ký tham gia hầu hết do yêu cầu phải bảo mật cao như các đơn vị công an, quân đội; các hội nghề nghiệp ít giao dịch với ngân sách; các đơn vị sắp sáp nhập, giải thể, đang kiện toàn lại chủ tài khoản, kế toán trưởng.

Qua hơn 2 tháng triển khai chính thức, KBNN Hải Dương đã thanh toán qua DVCTT 49.272 lệnh. Tại hội sở KBNN tỉnh triển khai thành công 272 đơn vị chỉ trong vòng 20 ngày làm việc. 

Theo đại diện KBNN Hải Dương, hầu hết các đơn vị SDNS đã tham gia và đánh giá tốt về DVCTT. Nhiều đơn vị thực hiện hầu hết các giao dịch với KBNN qua DVCTT này. Tỷ lệ giao dịch hồ sơ trực tuyến bình quân trong toàn tỉnh từ gần 55,6% trong tháng 4.2019 đã đạt hơn 80% vào ngày 27.5. Một số đơn vị có tỷ lệ giao dịch hồ sơ trực tuyến cao như KBNN tỉnh  95%, KBNN Thanh Miện  99%, KBNN Kinh Môn 98%, KBNN Gia Lộc 89% trên tổng số hồ sơ thanh toán gửi đến.

Theo ông Nguyễn Hữu Y, Trưởng phòng Kiểm soát chi KBNN tỉnh, bước đầu khẳng định lợi ích của DVCTT là tạo sự công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, hướng tới tăng độ hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí hoạt động của các đơn vị SDNS.

Tuy nhiên, hệ thống cũng có thời điểm hoạt động chưa ổn định. Những vấn đề như lỗi kỹ thuật, việc in phục hồi chứng từ, hồ sơ do đơn vị gửi qua DVCTT, quy trình nghiệp vụ còn phức tạp. Một số lãnh đạo đơn vị còn ngại thay đổi cách làm việc sang môi trường số. Cơ sở vật chất của một số đơn vị SDNS còn thiếu, chưa đáp ứng được các điều kiện triển khai DVCTT. Sự kết nối giữa các ứng dụng của đơn vị SDNS với DVCTT chưa có. Hồ sơ, thủ tục gửi ra kho bạc để thực hiện kiểm soát chi còn nhiều, phức tạp nhất là đối với chi đầu tư…

KBNN đang tập trung xử lý dứt điểm các lỗi trên để bảo đảm hệ thống DVCTT hoạt động ổn định, thông suốt và nhanh chóng. Để hạn chế việc nhập tài liệu theo cách thủ công, nhiều lần trên nhiều ứng dụng, KBNN cần có nghiên cứu để làm sao các phần mềm ứng dụng của đơn vị SDNS kết nối được với hệ thống DVCTT của KBNN. Hạ tầng truyền thông cần tiếp tục được nâng cấp, bảo mật, hoàn thiện chương trình ứng dụng theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, khắc phục kịp thời các lỗi trong quá trình triển khai thời gian qua.

Để ngày càng có nhiều đơn vị SDNS tham gia vào DVCTT, ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc KBNN Hải Dương kiến nghị KBNN Việt Nam cần có lộ trình bắt buộc triển khai DVCTT cụ thể để các đơn vị SDNS chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi tham gia, cũng như lộ trình điện tử hóa hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục chi ngân sách...

THÀNH LONG